Chuyện cậu bé cứu những con cá
Một giáo viên người Mỹ đã kể lại một câu chuyện như thế này trong một trường y ở Trung Quốc:
Trong một buổi sáng nọ, sau khi trận bão vừa đi qua, có một người đàn ông đi bộ trên bờ biển, chú ý đến từng vũng nước nhỏ trên triền cát. Ở đó, rất nhiều cá nhỏ bị trận bão đêm qua cuốn vào bờ.
Dù nằm ngay gần biển là thế nhưng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con cá này sẽ chẳng mấy chốc mà chết khô dưới ánh mặt trời vì những vũng nước đã bị cát thấm hút hết rất nhanh.
Người đàn ông đó đột nhiên phát hiện ra một cậu bé bên bờ biển, không ngừng vớt những con cá nhỏ trong những vũng nước và ném chúng xuống biển.
Người đàn ông tiến lại hỏi: "Cháu bé, trong những vũng nước này có đến cả ngàn con cá nhỏ, cháu không cứu hết được đâu."
"Cháu biết." – cậu bé trả lời nhưng không hề quay đầu lại.
"Hử? Thế tại sao cháu vẫn còn ném?" Ai quan tâm đây?"
"Những con cá này sẽ quan tâm ạ!"- cậu bé vừa đạp vừa nhặt cá, tiếp tục ném xuống biển.
Thực ra, câu chuyện này vừa hay tương khớp với câu nói của nhà thơ, triết gia Rabindranath Tagore: "Mục đích của giáo dục nên là truyền đạt đến con người hơi thở của sinh mệnh."
Và vì thế nên chữ "dục" trong giáo dục nên bắt đầu từ việc tôn trọng sinh mệnh, làm cho nhân tính hướng thiện, khiến cho tấm lòng rộng mở, để con người tự đánh thức cái "thiện căn" trong mỗi người.
Hay nói cách khác, nên để học sinh có một tấm lòng bao dung đẹp đẽ như cậu bé kia – từ trong sâu thẳm của ý thức, cậu chẳng cần biết ai sẽ quan tâm mà chỉ biết rằng "những con cá sẽ quan tâm".
Lá thư của thầy hiệu trưởng
Một người may mắn sống sót trong trại tập trung của Đức Quốc xã trước đây sau này trở thành hiệu trưởng của một trường trung học ở Mỹ.
Mỗi khi trường có giáo viên mới đến, vị hiệu trưởng đều gửi họ một bức thư, trong thư viết:
"Thầy/cô giáo thân mến, tôi đã tận mắt chứng kiến những cảnh tượng mà loài người không nên nhìn thấy:
Phòng hơi ngạt là do một kỹ sư có trình độ cao thiết kế và xây dựng ra; trẻ con bị những bác sĩ có kiến thức uyên thâm hạ độc mà chết; trẻ sơ sinh thì bị những y tá được huấn luyện cứng tay sát hại.
Nhìn thấy tất cả những thứ đó, tôi nghi ngờ: Giáo dục suy cho cùng là vì cái gì? Thỉnh cầu của tôi là: Xin hãy giúp những đứa trẻ trưởng thành và trở thành người có nhân tính. Chỉ khi giúp cho những đứa trẻ của chúng ta có nhân tính rồi, thì việc học đọc, viết, tính toán mới có giá trị."
Hiển nhiên, con người có một mặt của thú tính và một mặt của thiên sứ. Mục đích của giáo dục là khiến cho linh hồn của con người được luyện tập, từ đó khắc phục, át chết mặt thú tính để chuyển hóa sang mặt thiên sứ.
Giáo dục nên được hiểu là sự dẫn dắt tích cực về linh hồn của con người chứ không chỉ đơn thuần là sự tích lũy về trí thức, nhận thức lý trí.
Đây chính là ý nghĩa vô cùng vĩ đại và vĩnh cửu của giáo dục. Nếu không, trí thức mà bạn sở hữu càng nhiều, sẽ càng nguy hại cho nhân loại, cho sinh mệnh.
Hiện nay, giáo dục trong nhà trường của chúng ta dường như đang xem nhẹ bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, cảm xúc cơ bản của học sinh, dẫn đến việc một số học sinh ngày càng coi thường sinh mệnh, lạnh lùng đến mức tàn khốc.
Vì thế mà một nhà giáo dục Nhật Bản mới nói, chúng ta cần bồi dưỡng, giáo dục học sinh "đối diện với cảm xúc rung động trước một rừng hoa cúc dại", dạng cảm xúc này giống như cảm xúc mà cậu bé có khi đứng trước những con cá nhỏ đang chết khô trên bờ biển ở câu chuyện trên.
Nếu không, mỗi đứa trẻ lớn lên sẽ đánh mất giá trị sinh mệnh của chính mình.