Hầu hết các chứng chỉ, bảng điểm… được coi là phần cứng – phần bắt buộc và không có nhiều khác biệt. Ngược lại, các lá thư được coi là phần mềm – những phần linh hoạt, tạo ra sự khác biệt giữa các bộ hồ sơ. Nếu như học bổng mà bạn đang xin không có vòng phỏng vấn, lá thư là cơ hội duy nhất để bạn giao tiếp và cho hội đồng tuyển chọn biết bạn là ai. Vậy làm sao để viết một lá thư xin học bổng thật hiệu quả? Tổng hợp ý kiến của các cựu du học sinh, iStudent chia sẻ với bạn 5 lưu ý sau:
Cấu trúc chắc chắn
Tại sao bạn lựa chọn ngành học này và học bổng này, bạn sẽ làm gì khi được học bổng và làm gì sau khi học xong, điều gì ở bạn đặc biệt, tại sao bạn xứng đáng… là những câu hỏi mà bạn phải trả lời trong lá thư. Hãy bố cục các nội dung chặt chẽ theo trình tự thời gian- những chuyện đã xảy ra từ khi bạn còn nhỏ, những quyết định của bạn, suy nghĩ của bạn hiện tại và những dự định trong tương lai. Tuy nhiên, bạn có thể tìm thấy những lá thư không đi theo một trình tự mẫu mực nào, chúng thú vị vì chúng khác biệt.
Cá nhân hóa lá thư
Bạn có tin là bạn khác biệt? Hãy thể hiện hết bản sắc cá nhân của bạn trong lá thư. Ai cũng viết được rằng họ yêu thích môn Văn khi
họ xin học bổng cho ngành Ngôn ngữ, nhưng chỉ bạn có thể viết về việc bạn đã khóc vì những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư như thế nào – một câu chuyện cá nhân, rõ ràng từng chi tiết sẽ giúp người đọc hình dung về cá tính của bạn, mục đích của bạn.
Mở bài thật ấn tượng
Phần đầu tiên của lá thư phải được đầu tư thật chu đáo. Một câu chuyện tuổi thơ, một đoạn thơ, thậm chí một… lời tiên tri là những ví dụ về cách mở đầu mà những du học sinh trước đây đã áp dụng thành công, khiến người đọc hào hứng muốn biết điều gì đang đợi họ ở những con chữ bên dưới.
Có một mục tiêu rõ ràng
Nói một cách đơn giản, bạn đang thuyết phục người khác giúp bạn đi học, vậy thì bạn phải cho họ biết bạn học để làm gì? Đây là phần phải được viết chi tiết: Bạn sẽ học trong bao lâu, sau khi học xong sẽ tiến hành nghiên cứu, đi học tiếp hay làm việc – và nếu vậy thì làm việc gì, ở đâu, và ý nghĩa của việc đó là gì?
Không viết một lần
Sau khi viết xong lá thư lần đầu tiên, bạn hãy gấp nó lại và… để đó. Sau 3 ngày, hãy lấy ra đọc lại, bạn sẽ thấy những lỗi chính tả, lỗi logic, những câu văn lủng củng… sau khi sửa lại, hãy gửi cho ít nhất 3 người: một người hiểu bạn, một người có tư duy phê bình thật tốt (và có tính cách thẳng thắn), và một người giỏi tiếng Anh. Mỗi người trong số họ sẽ chỉ cho bạn thấy những chỗ mà bạn cần điều chỉnh.
NGUYỄN THƯỜNG