Bước qua thế kỷ 21, công nghệ ngày càng chiếm ưu thế hơn trong lĩnh vực giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ mang lại vô vàn lợi ích cho giáo viên lẫn học sinh trong các hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, điều này sẽ trở thành “lợi bất cập hại” nếu giáo viên và phụ huynh không kiểm soát và hướng dẫn học sinh thế nào là sử dụng điện thoại đúng cách.
Tháng 09-2020 vừa qua, Bộ GD&ĐT ra thông tư 32/2020/TT-BGDDT “ Từ 01- 11 học sinh được sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giờ học để phục vụ cho việc học tập tại”. Thông tin này ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giáo viên, phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh cho rằng nếu học sinh được phép sử dụng điện thoại trong lớp sẽ khiến các em xao nhãng, khó tập trung vào việc học.
Những lo lắng, băn khoăn trên là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở. Thực tế, giáo viên khó có thể kiểm soát được học sinh có sử dụng điện thoại cho mục đích học tập hay không, ngay cả khi đã có những nội quy đầy đủ về việc sử dụng điện thoại đúng cách trong giờ học. Tuy nhiên, chúng ta không thể và không nên “tự đóng cửa”, trói buộc học sinh vào những tư duy đã cũ.
Đưa điện thoại vào lớp học là một phần của việc thay đổi giáo dục tích cực cho học sinh. Miễn là dạy cho học sinh cách sử dụng chúng một cách có trách nhiệm (nguồn internet)
Giáo dục tích hợp với công nghệ là xu hướng tất yếu và thay đổi cách tiếp cận thông tin là bắt buộc để thế hệ trẻ có thể bắt kịp với tốc độ toàn cầu hóa của thế giới. Hãy nhìn vào những lợi ích to lớn mà công nghệ đã mang lại cho học sinh: kho tàng kiến thức vô tận, miễn phí trên internet, những ứng dụng học tập tuyệt vời, v.v
Trách nhiệm của ai?
Theo thông tư 32/2020/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT, giáo viên được cho là người sẽ chịu trách nhiệm quan trọng hơn ai hết trong việc hướng dẫn và kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại để truy cập internet phục vụ cho mục đích học tập trong lớp học. Quy định này sẽ gây rất nhiều áp lực cho giáo viên, đặc biệt ở các đô thị lớn, hầu hết các lớp học có 40 đến 60 học sinh, trong giới hạn tiết học 45 phút/tiết và giáo viên phải làm rất nhiều thao tác. Làm sao các thầy cô có thể đảm bảo rằng tất cả những học sinh của họ có sử dụng điện thoại cho mục đích học tập hay không ?
Rất khó cho giáo viên để kiểm soát những hoạt động trên điện thoại của học sinh trong lớp học (nguồn: internet)
Thêm vào đó, dù học sinh dùng điện thoại truy cập internet để chuẩn bị bài tập, tìm kiếm tài liệu cung cấp thông tin cho bài thuyết trình, hay khám phá các chủ đề của những môn học, Internet có thể giúp học sinh rất nhiều trong học tập chỉ khi các em ý thức sử dụng nó một cách hiệu quả. Thay vì kiểm soát, sự hợp tác từ phía giáo viên và phụ huynh là thiết thực hơn. Cả bố mẹ và thầy cô đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và dần dần tạo thói quen tốt cho học sinh để các em sử dụng điện thoại một cách hợp lý nhất bất kể ở nhà hay tại lớp học. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho giáo viên và phụ huynh trong việc hướng dẫn con sử dụng điện thoại truy cập internet:
Dành thời gian trực tuyến với con
Việc khám phá Internet cùng nhau sẽ có lợi cho cả phụ huynh và học sinh. Khi dành thời gian cùng tìm kiếm những trang web thú vị và bổ ích, các thành viên trong gia đình không những được giải trí, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới mà còn có thể rút ngắn khoảng cách với nhau. Bố mẹ sẽ khuyến khích con có thái độ tích cực trong khi khám phá internet và chia sẻ trải nghiệm tích cực hoặc tiêu cực của con với internet trong tương lai.
Hãy lắng nghe những sở thích của con để hướng dẫn cho con những trang web phù hợp mà con nên truy cập hoặc cùng nhau thảo luận về mặt lợi, mặt hại và tính năng của một trang web nào đó.
Khuyến khích học sinh sử dụng các công cụ trực tuyến
Các công cụ học tập trực tuyến sẽ góp phần đáng kể vào việc phát triển các kỹ năng cho học sinh như kỹ năng phản biện, sáng tạo và các kỹ năng cơ bản về công nghệ. Sau mỗi tiết học, thầy cô có thể khuyến khích và giới thiệu cho học sinh sử dụng những công cụ bổ ích để các em tự học và chủ động tiếp cận với các nguồn kiến thức tại nhà.
Tận dụng tối đa các công cụ học tập trực tuyến để giúp học sinh phát huy hết tiềm năng của mình.Với hướng này, các em sẽ dần dần hình thành thói quen sử dụng điện thoại hiệu quả (nguồn: internet)
Hoặc thầy cô có thể giao bài tập về nhà trên nền tảng các công cụ kỹ thuật số để khuyến khích học sinh làm bài tập về nhà một cách hào hứng và thường xuyên hơn. Điển hình như tại Hệ thống Trường UK Academy (UKA), các giáo viên thường giao bài tập về nhà cho học sinh thông qua ứng dụng Quiz.com. Học sinh có thể hoàn thành những bài tập nhanh chóng trên điện thoại, những hình ảnh sinh động của ứng dụng này giúp các bạn học sinh nhớ bài dễ dàng hơn mà không cần dành nhiều thời gian để học thuộc bài.
Hướng dẫn học sinh nguồn tài liệu học tập phù hợp
Internet là một thế giới tri thức vô hạn, vì vậy rất khó để tìm kiếm được thông tin xác thực. Học sinh rất cần các thầy cô gợi ý những trang web uy tín mà học sinh nên ghé thăm. Đồng thời, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm những tài liệu học tập liên quan từ các nguồn thích hợp. Ví dụ: BBC Learning English, Ted Talk, Coursera,.. là những trang web giáo dục giúp học sinh trau dồi kỹ năng tiếng Anh cũng như các kiến thức về hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống.
Giáo viên có thể chia sẻ những thông tin, tài liệu học tập và cùng thảo luận với học sinh qua điện thoại (nguồn: internet)
Cảnh báo cho học sinh về những rủi ro khi sử dụng điện thoại
Hãy cho học sinh biết rằng không có gì là bí mật khi internet có rất nhiều mối đe dọa tiềm ẩn, đặc biệt là khi các em không được cảnh báo trước! Trước khi cho học sinh sử dụng điện thoại, thầy cô và phụ huynh cần đưa ra một số gian lận phổ biến và rủi ro phát sinh do sử dụng internet bất cẩn. Ví dụ: không tiết lộ tên, thông tin cá nhân, ảnh và số điện thoại của mình khi chưa được sự chấp thuận của cha mẹ hoặc giáo viên. Những học sinh lớn hơn khi đang sử dụng các trang mạng xã hội nên cẩn thận về cài đặt quyền riêng tư của mình. Cảnh báo cho học sinh về việc gặp người lạ trên mạng xã hội và những rủi ro liên quan đến vấn đề đó.
Giới hạn thời gian sử dụng điện thoại
Bố mẹ cần đặt các quy tắc sử dụng và quy định khoảng thời gian con bạn có thể sử dụng điện thoại dù là học tập hay giải trí, bao gồm một số ngày nhất định trong tuần và cả giờ cụ thể. Tuy nhiên, phụ huynh có thể linh hoạt về thời gian con sử dụng điện thoại để giải trí và đừng quá thúc ép con vào khuôn khổ. Bố mẹ hãy quyết định những phần nào của ngôi nhà, chẳng hạn như bàn ăn hay giường ngủ, con không được phép sử dụng điện thoại. Việc đặt ra giới hạn sử dụng điện thoại là nền tảng để hình thành thói quen tốt cho các con, vừa đảm bảo con được tiếp cận công nghệ hiện đại vừa bảo vệ con khỏi những rủi ro do tiếp cận công nghệ quá nhiều.
Như vậy, cả bố mẹ và thầy cô cần phải là người hướng dẫn, cập nhật xu hướng công nghệ mới nhất và thường xuyên quan tâm đến cách sử dụng điện thoại của học sinh. Mặc dù tích hợp công nghệ vào giảng dạy mang lại rất nhiều lợi ích, các quy trình dạy và học truyền thống vẫn cần được chú trọng và đảm bảo bởi giáo viên.
GIA KHÁNH