Cụm từ “khuyến khích sự sáng tạo” có thể khiến nhiều người bật cười, bởi theo cách hiểu thông thường, sáng tạo mang tính thiên phú hơn là kết quả của miệt mài luyện tập. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chứng minh, khả năng sáng tạo chỉ là một thử thách và có thể vượt qua được.
Dưới đây liệt kê những chiến lược và hoạt động trong lớp học mà giáo viên có thể làm để thúc đẩy và khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
-
Thiết kế không gian lớp học
Một cách dễ nhất để thúc đẩy sự sáng tạo trong lớp học là thiết kế một không gian thực tế dành riêng cho việc khám phá và tư duy sáng tạo. Một ví dụ tuyệt vời về điều này đến từ một giáo viên lớp 5 ở ngoại ô New York, Mỹ. Cô ấy đã tạo ra một góc trong lớp học của mình và gọi nó là “Think Tank”. Đây là nơi mà học sinh của cô có thể đến để tư duy, khám phá và thảo luận về các ý tưởng với các bạn cùng lớp.
Trường SNA có môi trường lớp học đa sắc màu giúp phát huy tối đa khả năng sáng tạo của học sinh
Trên thực tế, các Tập đoàn lớn như Google hay Facebook cũng đều có những “góc sáng tạo” dành cho nhân viên. Họ rất chú trọng tới thiết kế không gian, màu sắc của từng chi tiết trong văn phòng với mong muốn tạo cho nhân viên một không gian làm việc thoải mái, sôi động, tích cực nhất.
Văn phòng Facebook thể hiện sự sáng tạo từ không gian cho tới sàn nhà, bức tường,…(nguồn internet)
-
Khuyến khích sự sáng tạo từ sự tò mò
Tìm hiểu sở thích của các học sinh là gì và điều gì thực sự khiến họ hào hứng. Qua đó, giáo viên có thể gây nên sự tò mò của học sinh và khuyến khích họ tìm hiểu sâu hơn những chủ đề mà bản thân cảm thấy thích thú.
Sự tò mò mở ra cho học sinh những chân trời kiến thức mới cùng với phong thái tự tin để thể hiện khả năng sáng tạo. (nguồn internet)
Ví dụ: Nếu bạn thấy rằng một học sinh thực sự yêu thích khám phá không gian, hãy khuyến khích các em đọc những cuốn sách về chủ đề đó hay tham gia chuyến tham quan ảo trực tuyến về tàu vũ trụ. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể sáng tạo và tự nghĩ ra những ý tưởng về con tàu vũ trụ trong tương lai. Hãy dành thời gian để khuyến khích học sinh của mình và bạn sẽ thấy óc sáng tạo của các em được cải thiện qua từng ngày.
-
Sử dụng Tư duy phân kỳ
Có hai loại hình chính của tư duy sáng tạo đó là tư duy hội tụ (convergent thinking) và tư duy phân kì (divergent thinking). Trong khi tư duy hội tụ tập trung vào câu trả lời và tìm câu trả lời “đúng” cho những câu hỏi chuẩn mực, không đòi hỏi phải sáng tạo, thì tư duy phân kì nhắm đến việc tạo ra nhiều ý tưởng khả thi trong một tình huống khi hiểu rằng vấn đề đó không chỉ có duy nhất một giải pháp.
Tư duy phân kỳ sẽ cho trí tưởng tượng ở tất cả các ngõ ngách phun trào tung tóe tự do. (nguồn internet)
Học sinh của chúng ta có xu hướng sử dụng tư duy hội tụ, do các em thường trả lời các câu hỏi cơ bản mà không đòi hỏi bất kỳ sự sáng tạo nào. Tư duy phân kỳ thì hoàn toàn ngược lại. Cách tư duy này đòi hỏi phải sáng tạo và khiến học sinh phải động não nhiều, khuyến khích các em suy nghĩ khác biệt và khám phá các quan điểm khác nhau, đồng thời giúp học sinh kết nối với ý tưởng của mình. Giáo viên nên thử thiết kế các bài học sử dụng cả tư duy hội tụ và phân kỳ để giúp các em cân bằng được cả hai loại tư duy vì mỗi loại đều rất cần thiết và đóng vai trò khác nhau tùy theo tình huống
-
Làm quen với các tiêu chuẩn
Các tiêu chuẩn giáo dục xác định rõ ràng những kiến thức và kỹ năng mà học sinh cần đạt ở những thời điểm cụ thể. Một phần trong công việc của các giáo viên là làm quen với các tiêu chuẩn giáo dục của trường học. Nhiều nhà giáo dục cảm thấy rằng các tiêu chuẩn không cho phép bất kỳ sự sáng tạo nào. Tuy nhiên, giáo viên cần phải nắm rõ các tiêu chuẩn giáo dục để tìm cách tiếp cận một bài học hoặc một hoạt động. Họ nhìn vào từng tiêu chuẩn và nghĩ, “Làm thế nào tôi có thể khiến bài học này để thúc đẩy sự sáng tạo cho học sinh?” Một khi nắm những tiêu chuẩn này trong lòng bàn tay, bạn sẽ dễ dàng kết hợp sự sáng tạo vào bài học của mình hơn.
-
Xem các video của TED talk
Các video của Ted talk từ các chuyên gia nổi tiếng về sáng tạo có thể giúp học sinh khai sáng về sức mạnh của sự sáng tạo. Hãy cho học sinh xem video “Tales of Creativity and Play” của Tim Brown hay “How to Build Your Creative Confidence” của David Kelley. Nếu học sinh của bạn còn quá nhỏ để xem các bài diễn thuyết của TED talk, giáo viên có thể xem chúng để có được cái nhìn sâu sắc và thúc đẩy khả năng sáng tạo của chính bản thân để ứng dụng vào lớp học của mình.
-
Sử dụng Lý thuyết Đa trí tuệ
Khai thác điểm mạnh của học sinh bằng cách sử dụng học thuyết đa trí tuệ (The Multiple Intelligences Theory). Học thuyết đa trí tuệ của tiến sĩ Howard Gardner liệt kê 9 loại thông minh, giáo viên hãy tìm hiểu xem học sinh thuộc loại nào trong số đó.
Khi học sinh được sử dụng thế mạnh của mình, các em có thể khai thác tối đa khả năng sáng tạo. Khả năng sáng tạo đòi hỏi chúng ta sử dụng các phần khác nhau của bộ não. Khi giáo viên áp dụng Thuyết đa trí tuệ sẽ giúp học sinh thúc đẩy khả năng sáng tạo của mình.
-
Dạy kỹ năng sáng tạo
Bằng cách dạy các kỹ năng sáng tạo như cách sử dụng trí tưởng tượng của chính mình, cách hợp tác với các thành viên trong lớp và cách tự tạo động lực cho bản thân, bạn đang chỉ cho học sinh cách sử dụng khả năng sáng tạo của mình. Bởi lẽ, tất cả những kỹ năng kể trên là một con đường để biến những ý tưởng tốt thành hiện thực.
-
Áp dụng mô hình Osborne-Parnes
Mô hình Osborne-Parnes giúp giáo viên khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Giáo viên sẽ phải hướng dẫn học sinh sáu chiến lược bao gồm: tìm kiếm lộn xộn, tìm kiếm thực tế, tìm kiếm vấn đề, tìm kiếm ý tưởng, tìm giải pháp và tìm kiếm sự chấp nhận. Mỗi bước là mỗi thử thách học sinh sử dụng tư duy phân kỳ.
-
Sự công nhận
Công nhận sự sáng tạo của học sinh khi bạn nhìn thấy nó và tạo một môi trường lớp học để thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh. Bằng cách thiết kế chiếc bảng để giới thiệu những cách mà học sinh có thể khai thác khả năng sáng tạo của riêng mình hay trưng bày tác phẩm sáng tạo của học sinh lên bảng. Với cách này, bạn đang truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh của mình.
Tổ chức buổi triển lãm trưng bày những sản phẩm nghệ thuật của học sinh cũng là một ý tưởng hay để khuyến khích tư duy sáng tạo cho các em (nguồn internet).
Đây chỉ là 9 trong số rất nhiều cách mà giáo viên có thể áp dụng để “làm mới”, khuyến khích sự sáng tạo trong lớp học và học sinh của mình. Miễn là dành sự công nhận, khuyến khích và tạo không gian riêng để học sinh phát triển khả năng sáng tạo, giáo viên sẽ thấy học sinh có sự tiến bộ rất đáng kể và hào hứng trong việc rèn luyện kỹ năng này.
GIA KHÁNH