GS Klaus Schwab – chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới – khẳng định trong buổi nói chuyện với giới trẻ TP.HCM cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại “Kỷ nguyên trí tuệ”.
Sáng 6-10 tại TP.HCM, GS Klaus Schwab – người sáng lập, chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) – đã có buổi nói chuyện với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học và công dân trẻ tiêu biểu của thành phố với chủ đề “Kinh tế tri thức – Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ“.
Buổi nói chuyện này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 5 năm 2024, do Sở Ngoại vụ TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Thế hệ trẻ trong kỷ nguyên số
Mở đầu buổi đối thoại, GS Klaus Schwab đã có những chia sẻ về bức tranh tổng quan của nền kinh tế tri thức gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ đó, ông chỉ ra những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong phát triển nền kinh tế tri thức.
Theo GS Klaus Schwab, các bạn trẻ phải được trang bị kiến thức mới của thời đại 4.0 để xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, bền vững theo hướng chuyển đổi công nghiệp.
GS Klaus Schwab cho rằng, Kỷ nguyên trí tuệ tuy được coi là thời đại của sự gián đoạn nhưng đây là một thời kỳ đầy cơ hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Giáo sư Klaus Schwab đánh giá cao sự linh hoạt cùng sự sáng tạo tuyệt vời của thế hệ trẻ. “Tôi tin rằng các bạn sẽ là những người dẫn đầu trong làn sóng đổi mới của Việt Nam ở những năm tới” – Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới – cho biết.
Đặc biệt, giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà giới trẻ Việt Nam cần phát triển chính là cam kết học tập suốt đời.
Chia sẻ này được đặt trong bối cảnh người trẻ đang sắp bước chân vào một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt.
Trong Kỷ nguyên trí tuệ, việc học tập sẽ không chỉ dừng lại trên ghế nhà trường. Học tập là một hành trình liên tục và chỉ những ai sẵn sàng thích nghi, phát triển và học hỏi những kỹ năng mới có thể thành công.
Giáo sư cũng cũng khẳng định, phát triển kinh tế chính là nhắm vào thế hệ trẻ. Điều mà thế hệ trẻ hiện nay có thể thấy là sự hiếu kỳ với những gì đang diễn ra, từ đó luôn chủ động và hợp tác xây dựng thế giới mà mình mong muốn.
Tại buổi đối thoại, bạn Nguyễn Hoàng Quang Vinh, Trường Đại học Hoa Sen đặt vấn đề: Làm sao để thế hệ trẻ có thể rút ngắn khoảng cách về kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới?
GS Klaus Schwab “trả lời” bằng câu hỏi: Ai là người quyết định được cuộc đời mình?
“Họ là những người có thể thích ứng với công nghệ 4.0, những công nghệ được bổ sung sau này vào nền kinh tế hiện hữu, như cuộc cách mạng 4.0. Những người bỏ lỡ cơ hội bắt kịp nền kinh tế mới sẽ thua cuộc trong “trò chơi” này”, GS Klaus Schwab khẳng định.
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen cho biết: “Những chia sẻ của Giáo sư Klaus sẽ giúp cho doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, trí thức trẻ tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế tri thức. Thế hệ trẻ TP.HCM hiểu rõ hơn vai trò của nguồn nhân lực, của công nghệ trong sự phát tiển kinh tế, đồng thời là cơ hội để trí thức trẻ Thành phố nắm bắt những cơ hội toàn cầu, kết nối với thế giới và ngược lại trong xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức. Với tầm nhìn của một trường Đại học đạt chuẩn quốc tế, nơi hội tụ, giao thoa tinh hoa giáo dục quốc tế, chúng tôi sẽ duy trì thường niên những sự kiện quốc tế ý nghĩa như thế này, để trí thức trẻ, doanh nghiệp trẻ thành phố được tiếp cận các nhà khoa học, chuyên gia giỏi toàn cầu, giúp tri thức Việt Nam dễ dàng hơn trong kết nối với tri thức toàn cầu”.
5 yếu tố lãnh đạo của giới trẻ
Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ là cơ hội nhưng cũng là thách thức với giới trẻ Việt Nam. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, Internet vạn vật và công nghệ sinh học đang mở ra những không gian cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chưa từng tồn tại trước đây.
Mặc dù vậy, người sáng lập WEF cho rằng thành công trong kỷ nguyên trí tuệ không chỉ đòi hỏi kỹ năng công nghệ mà còn sự sáng tạo, kiên trì và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Ông cho rằng thế giới sắp bước chân vào một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, và một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà giới trẻ cần phát triển chính là cam kết học tập suốt đời.
“Những công việc của ngày hôm nay có thể sẽ không còn tồn tại vào ngày mai. Những kỹ năng mà các bạn học ở trường ngày nay có thể sẽ cần được cập nhật chỉ trong vài năm tới. Quá trình học tập liên tục này vừa là thử thách, vừa là cơ hội.
Người nào có đam mê, sẵn sàng thích nghi, phát triển và học hỏi những kỹ năng mới có thể thành công. Không có đam mê là sự thất bại” – chủ tịch WEF chia sẻ.
Ngoài ra GS Klaus Schwab cũng cho rằng một trong những thách thức thú vị nhất và cũng khó khăn nhất mà giới trẻ sẽ đối mặt chính là đảm bảo sao cho công nghệ do chúng ta phát triển được sử dụng một cách có đạo đức và có trách nhiệm.
Để vượt qua những thử thách này, chủ tịch WEF tin rằng kỹ năng lãnh đạo rất cần thiết để định hướng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội.
“Lãnh đạo trong kỷ nguyên trí tuệ đòi hỏi tất cả 5 yếu tố: linh hồn đại diện cho mục đích, bộ não đại diện cho tri thức, trái tim đại diện cho đam mê và lòng trắc ẩn, cơ bắp đại diện cho hành động và hệ thần kinh đại diện cho sự kiên cường.
Khi các yếu tố này cùng phối hợp hiệu quả, các bạn không chỉ trở thành nhà lãnh đạo trong cuộc sống của chính mình mà còn trở thành người dẫn dắt xã hội, người có thể đưa Việt Nam bước vào tương lai, hướng tới một thế giới sáng tạo, bình đẳng và bền vững” – GS Klaus Schwab nhấn mạnh.
Nguồn: Tổng hợp