Nhiều năm gắn bó với ngôi trường iSchool Ninh Thuận, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhị luôn là người dạt dào Yêu thương và cũng là người truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò iSer Ninh Thuận tìm đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, mong các em có một cuộc đời tươi vui hơn, hạnh phúc hơn.
Dáng người cao gầy, gương mặt mộc mạc nhưng luôn toát lên sự nhiệt huyết! Đó chính là cảm xúc của bất cứ ai khi lần đầu tiếp xúc với cô Nhị. Khi có cơ hội được trò chuyện, học tập và làm việc với với cô thì càng thấy rõ hơn dòng chảy mang tên “Tâm huyết” luôn tràn trề, chực chờ chảy mãi và lan tỏa tới những người xung quanh.
Vào nghề từ năm 1981 bằng cả trái tim, với tâm huyết và mục tiêu “Đưa đò” trong suốt cuộc đời mình, cô chăm chút cho từng chồi non chớp nở trên vùng đất cát Phan Rang nắng gió. Đến nay đã 39 năm trôi qua nhưng cô vẫn miệt mài, kiên trì cầm chắc mái chèo đưa nhiều thế hệ học trò tìm đến những bến bờ Thành công.
Nguyện làm con đò nhỏ…khua nước ven sông!
“Trong hàng ngàn, hàng vạn giáo viên đang cần mẫn hết lòng vì học sinh trên cả nước. Trong cái mênh mông và rộng lớn ấy, tôi thấy mình chỉ là một con đò nhỏ khua nước ven sông”. Đó là lời tâm sự của cô trong một lần trò chuyện, đâu đó có một niềm ngưỡng mộ man mác bởi sự bao la, rộng lớn trong tấm lòng của cô. Trong cô chỉ có mỗi Trò và tình Nhân ái, ngoài ra chẳng còn gì! Nguyện suốt đời là một con đò chở chữ, nhưng cũng chỉ xem mình là một con đò chấp chới ven sông. Sự bình dị và nhẹ nhàng với mọi thứ danh lợi phù hoa, càng khiến cho cái bóng của cô đổ dài theo năm tháng chở che, bao bọc và trở thành người mẹ hiền mẫu mực đối với nhiều thế hệ học sinh.
Yêu thương cho đi để được nhận lại…
Chỉ xuất phát từ lòng Nhân ái mới có thể làm được những điều mà cô đã làm, những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại thật lớn lao. Từ đồng lương ít ỏi của mình, ban đầu cô chỉ đủ giúp đỡ một số cô, cậu học trò nghèo cuốn tập, cây viết, đôi khi là bữa cơm hay thậm chí là tấm vé xe khách vào Sài Gòn thi Đại học… Để rồi giờ đây những cô, cậu học trò ngày ấy đã thành công, trở thành những cánh tay nối dài, những trái tim giúp nhân rộng trái tim ấm áp và lòng nhân ái của cô đến các thế hệ tiếp sau. Cô chính là tấm gương của lòng Nhân ái và sự Mộc mạc. Cái cô cho đi là lòng Nhân ái nhưng cái cô nhận về là rất nhiều tình yêu thương và sự ngưỡng mộ.
Dạy Chữ thì dễ, dạy Nhân mới khó
Có một lần cô chia sẻ “Từ khi bước vào nghề, cô luôn ghi nhớ câu nói Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, vì thế trong suốt tháng ngày đứng trên bục giảng, lúc nào cô cũng xem học trò như những đứa con thân yêu của mình để mà giảng dạy”. Cô dạy cả “chữ”, dạy luôn cả cách làm người, dạy bằng cả cái Tâm. Mong muốn lớn nhất của cô là đóng góp một chút cho giáo dục, từ những việc làm của mình sẽ là nguồn động viên lớp trẻ để từ đó giúp đào tạo thêm nhiều thế hệ trẻ thiện lương. Với sự nghiệp giảng dạy và sự cống hiến với nghề, cô đã đạt được nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận; Bằng khen của Bộ Giáo dục; và thành tích Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh nhiều năm liền; năm 2006 cô được Ủy ban nhân dân tỉnh trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Ngoài công việc giảng dạy hàng ngày khi đã đến tuổi nghỉ hưu, cô Nhị không ngại khó, ngại khổ rong ruổi theo những chương trình thiện nguyện giúp đỡ biết bao gia đình có hoàn cảnh khó khăn như “Thắp sáng ước mơ” góp mặt hơn 10 năm; chương trình “Mỗi tuần một địa chỉ”.
Trong trí nhớ của nhiều bác sĩ, doanh nhân và các giáo viên – những học trò đi trên chuyến đò Tình thương của cô Nhị, họ đều có chung một suy nghĩ “Cô là mẫu người thầy thầm lặng, luôn truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ nghĩ đúng – làm đúng và sống đúng với ý nghĩa của chữ “Nhân” giữa cuộc đời.
Thảo Vy