Tại buổi giao lưu “Trái tim người thầy” do Công đoàn ngành GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 13-11, cả hội trường xúc động khi cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng (Trường mầm non Long Trường, Q.9, TP.HCM) kể lại một kỷ niệm.
Trao đổi sau câu chuyện, cô Phượng nói rằng với bậc mầm non, giáo viên phải đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu. Không có “Tâm”, giáo viên mầm non khó mà uốn nắn, giáo dục trẻ và nản chí trước những khó khăn của công việc hằng ngày.
Yêu thương, kiên trì
“Mới ra trường và giảng dạy đến năm thứ hai, tôi được nhà trường phân công phụ trách lớp lá. Trong đó có một học sinh rất đặc biệt mà các giáo viên lớp dưới của bé đã cảnh báo: Bé quậy lắm, rất khó dạy, trong lớp không chơi với ai mà có chơi cũng đánh bạn, giành đồ chơi của bạn…” – cô Phượng mở đầu.
Ngay tuần đầu tiên tôi cũng bị bé cắn cho mấy phát. Một số học sinh khác trong lớp cũng bị bé đánh, cào, cấu… Tôi đi tìm hiểu nguyên nhân. Trao đổi với phụ huynh, tôi được biết ở nhà bé là con trai một, được cả gia đình cưng chiều, muốn gì được nấy.
Tôi dành nhiều thời gian để nói chuyện với bé, đồng thời ra điều kiện: không được đánh, không được giành đồ chơi của bạn và phải thường xuyên nói chuyện với cô. Khi bé ăn cơm, tôi ngồi kế bên, khi bé ngủ tôi cũng nằm kế bên, giờ chơi tôi cũng dẫn bé đến chơi cùng các bạn trong lớp với lời mào đầu: “Bạn D. (tên của bé) hôm nay rất ngoan, các bạn cho bạn D. chơi với nào”.
Dĩ nhiên, tôi chỉ ngồi với bé lúc đầu rồi sau đó thả cho bé tự chơi cùng các bạn. Giờ học thì tôi kêu để cho D. phát biểu và luôn dành tặng lời khen cho bé. Bé rất thích thú vì điều ấy.
Sau đó, trao đổi với mẹ của bé, tôi nhận được tín hiệu tích cực: bé đã không khóc trước giờ đi học mà tỏ ra vui vẻ hơn, thích đến trường và còn tự giác xếp đồ để đi học nữa. Mỗi ngày như thế tôi đều trao đổi với phụ huynh để nắm được tình hình và những biểu hiện của D. khi ở nhà.
Rồi tôi phát hiện ra: tất cả những điều D. làm chỉ nhằm gây sự chú ý của mọi người. Ở nhà D. được cưng chiều nhưng ba mẹ bé rất bận rộn, khi thấy con đòi cái gì thì đáp ứng ngay nhưng họ lại không có thời gian để nói chuyện và chơi cùng con.
Tôi đã khuyên phụ huynh hãy dành thời gian nhiều hơn cho con mình, tất cả những gì cha mẹ “chu cấp” cho bé không thể sánh bằng những lời thủ thỉ, dạy bảo và chia sẻ của cha mẹ đối với con cái.
Cuối năm học đó, khi thấy bé D. lên bục nhận thưởng, nhiều người có thắc mắc nhưng với tôi, so với các bạn cùng lớp, bé không giỏi toàn diện ở tất cả các mặt nhưng những nhược điểm trước đó thì bé đã có tiến bộ vượt bậc và xứng đáng được nhận thưởng.
Mẹ của bé D. đã lên trường gặp tôi, chị ôm tôi rồi khóc. Chị tâm sự rằng chị lo sợ khi vào tiểu học sẽ phải chuyển con qua trường chuyên biệt nhưng bây giờ thấy bé đã hòa đồng với các bạn thì cho bé học trường bình thường được rồi”.
Giáo viên vẫn đang nỗ lực hằng ngày
Chia sẻ thêm về nghề nghiệp, cô Phượng nói năm đầu tiên đi dạy đúng là hơi sốc và đuối vì quá vất vả. Suốt ngày cứ luôn chân luôn tay và luôn miệng. Đã vậy, giáo viên đứng lớp chung với cô lại phải mổ ruột thừa, nghỉ ở nhà (mỗi lớp học ở trường mầm non công lập có 2 giáo viên – PV) khiến sự vất vả như nhân đôi.
“Cực vậy nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy vui và hạnh phúc. Có lẽ bởi vì học trò rất ngoan và thương cô giáo. Chỉ cần tôi nói một câu ‘các con ngoan đi chứ hôm nay cô mệt lắm rồi’. Thế là các bé bảo nhau bớt quậy phá” – cô Phượng kể.
Tâm tình về nghiệp nuôi dạy trẻ tại buổi giao lưu “Trái tim người thầy”, cô Phượng cho rằng thời gian qua ngành giáo dục mầm non đã xảy ra nhiều chuyện không hay khiến xã hội có cái nhìn không tốt về nghề giáo, nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt.
“Ở các trường mầm non hiện nay trên cả nước, giáo viên mầm non chúng tôi vẫn đang nỗ lực hằng ngày để giúp học sinh tiến bộ và tạo niềm tin nơi phụ huynh” – cô Phượng chia sẻ.
Cô Trịnh Thị Hồng Loan, hiệu trưởng Trường mầm non Long Trường, cho biết cô Phượng đã giảng dạy tại Trường mầm non Long Trường được 9 năm. Là giáo viên trẻ, chưa có gia đình nhưng cô Phượng lại có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giáo dục trẻ có lẽ vì cô rất yêu thương học sinh.
“Cô Phượng luôn được học trò yêu quý như người mẹ thứ hai vì sự dịu dàng, thân thiện và rất tận tụy với mọi hoạt động của học sinh” – cô Loan nhận xét.
Tri ân, nhắc nhớ thiên chức nhà giáoBuổi giao lưu “Trái tim người thầy” với sự tham gia của 130 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên giỏi tiêu biểu ở tất cả các cấp học, bậc học trên địa bàn TP. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh sự quan tâm, yêu thương và động viên đúng lúc của thầy cô giáo đã làm thay đổi số phận của học sinh. “Chúng ta ai cũng biết rằng công nghệ có thể phát triển đến mức robot có thể thay thế giáo viên để cung cấp kiến thức cho học trò, nhưng sự yêu thương của thầy cô giáo, sự giáo dục bằng chính nhân cách của mình để nhen nhóm lên ngọn lửa yêu thương trong trái tim học trò thì không robot nào có thể làm được. Đây chính là thiên chức của các nhà giáo. Câu chuyện của cô Phượng là một ví dụ” – ông Hiếu phát biểu. Thay mặt lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, ông Hiếu gửi lời tri ân và ghi nhận sự nỗ lực của 130 thầy cô giáo tiêu biểu trong buổi giao lưu và các nhà giáo đã và đang phục vụ cho sự nghiệp trồng người trên địa bàn TP.HCM. |
HOÀNG HƯƠNG