Diễn đàn dự kiến thu hút khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo Trung ương, các Bộ, ban ngành liên quan, các Sở Du lịch trong cả nước; các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo ngành Du lịch trong và ngoài nước; cơ quan báo chí, truyền thông.
Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 với chủ đề “Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực phát triển Du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam” là diễn đàn cấp quốc gia, dự kiến sẽ diễn ra thường niên 2 năm/lần. Mục tiêu của Diễn đàn 2019 là cơ hội để cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về Du lịch gặp gỡ trao đổi tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Du lịch Việt Nam; Phân tích thực trạng; Đánh giá toàn diện và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời tham khảo kinh nghiệm các cơ sở đào tạo Du lịch trong và ngoài nước từ đó kiến nghị cho các Bộ, ban ngành và UBND TP.HCM về vấn đề nhân lực và đổi mới đào tạo nhân lực ngành Du lịch.
Các đề tài tham luận và thảo luận tại Diễn đàn 2019 xoay quanh nội dung và 3 chủ đề chính: Đào tạo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự du lịch; Ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành Du lịch; Hoạch định chính sách trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo PGS.TS Hà Ngọc Oanh, trường Đại học Hoa Sen cho biết năm 2017 Việt Nam xếp thứ 6 trong 10 điểm đến phát triển nhanh nhất của thế giới. Tổng đóng góp vào GDP của du lịch Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP); trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch Việt Nam vào GDP là 279.287 tỷ đồng (chiếm 6,6% GDP).
Để phát huy những thành quả quan trọng này, nguồn nhân lực phải là yếu tố cần được ưu tiên tập trung phát triển. Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến Đại học. Tuy nhiên, ngành vẫn còn có những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Đón đầu xu hướng dịch chuyển dần về các ngành dịch vụ đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên thế giới, Khoa Du lịch của HSU có sứ mệnh cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy quá trình chuyển đổi về trí tuệ, văn hóa, xã hội và bản thân người học một cách hiệu quả. Theo khảo sát việc làm của sinh viên HSU sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên ngành Du lịch, Nhà hàng – Khách sạn có việc làm (tính từ năm tốt nghiệp 2011 đến nay) đạt trung bình 95%, đa phần công tác tại các khách sạn 4 và 5 sao, các hãng lữ hành uy tín và các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Một số sinh viên tiếp tục học nâng cao trình độ với bậc học cao hơn tại các trường đại học trong và ngoài nước, hoặc tự khởi nghiệp kinh doanh. |
VIỆT PHƯƠNG