Đại Học
26/08/2021

Đại sứ Phạm Sanh Châu: Tôi có niềm tin sâu sắc với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng & Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tại TP.HCM vừa ký kết hợp tác với công ty Aieraa Overseas Studies (Ấn Độ) để đào tạo nhân lực ngành y cho sinh viên Ấn Độ và các nước châu Á khác. Sự kiện này đưa Việt Nam trở thành điểm đến của sinh viên y khoa thế giới. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, người đóng vai trò cầu nối vô cùng quan trọng cho cột mốc đầy ý nghĩa này, đã trả lời phỏng vấn để cung cấp thêm nhiều thông tin.

ĐH Hồng Bàng

Ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ

Xin chúc mừng ngài Đại Sứ đã kết hợp thành công giữa hai đối tác là HIU và công ty của Ấn Độ. Lý do nào thúc đẩy ông kết nối và hướng đối tác chọn HIU đào tạo ngành y cho sinh viên châu Á chứ không phải là một trường đại học khác ở Việt Nam?

 Một trong những trọng tâm công tác của Đại Sứ Quán chúng tôi là kết nối giáo dục giữa Việt Nam và Ấn Độ. Khi thấy nước bạn có nhu cầu đào tạo một số lượng lớn sinh viên y khoa, chúng tôi đã liên hệ với các trường đại học đào tạo y khoa của Việt Nam.

Phạm Sanh Châu

Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: “Tôi có niềm tin sâu sắc với Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng.”

Yêu cầu đầu tiên đặt ra là trường phải có năng lực đào tạo bằng tiếng Anh. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy tại Việt Nam hiện nay, chỉ HIU và VinUni có chương trình đào y khoa toàn bộ bằng tiếng Anh. Hai trường này đều bày tỏ mong muốn hợp tác. Và HIU có ưu thế là trường có bề dày đào tạo y khoa và chăm sóc sức khỏe; mức học phí rất hấp dẫn và có chính sách ưu đãi giảm học phí cho sinh viên Ấn Độ.

Trước đó, Đại Sứ Quán đã có duyên tổ chức một sự kiện với HIU để giới thiệu sinh viên sang học ngành công nghệ thông tin: tập đoàn công nghệ cao HCL của Ấn Độ tuyển sinh viên công nghệ suất sắc của HIU làm việc cho họ sau khi tốt nghiệp.

Ông có thể chia sẻ suy nghĩ về sự kiện lần đầu tiên một đại học tư thục trong nước tiếp nhận sinh viên y khoa Ấn Độ, và ý nghĩa của sự kiện này trong mối quan hệ hợp tác Ấn Độ và Việt Nam là gì?

 Thứ nhất, đây là một mốc son mới trong ngành giáo dục Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam bước vào bản đồ các điểm đến du học của sinh viên y khoa thế giới. Từng bước làm thay đổi quan niệm, Việt Nam không chỉ là nước gửi sinh viên, mà còn là điểm đến cho du học sinh các nước, đánh dấu bước trưởng thành về uy tín và trình độ đào tạo y khoa của các trường đại học Việt Nam.

Phạm Sanh Châu

Mốc son mới trong ngành giáo dục Việt Nam: sinh viên y khoa nước ngoài sẽ đến học tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Thứ hai, đây là bước đột phá trong ngoại giao và kinh tế giữa hai nước. Từ tháng 9/2021, mỗi năm sẽ có khoảng 200 sinh viên Ấn Độ sang Việt Nam để học y khoa. Với việc tiếp nhận số lượng lớn sinh viên du học tự túc, giáo dục Việt Nam có nhiều triển vọng trở thành một lĩnh vực mới mang lại ngoại tệ cho đất nước.

Thứ ba, đây là điểm mới trong quan hệ ngoại giao nhân dân, một trong năm trụ cột của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.

“Tôi có niềm tin sâu sắc với Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng. Đó cũng là lý do tôi đã kết nối. Hợp tác này đặt nền móng cho hoạt động trao đổi đào tạo y tế cấp đại học giữa Việt Nam và Ấn Độ.”

– Ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ

Thông điệp gì ông muốn gửi đến HIU trong việc đào tạo và chăm sóc sinh viên Ấn Độ cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giáo dục hai nước trong thời gian sắp tới?

 HIU và các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực cao để đảm bảo chương trình thành công. Các sinh viên Ấn Độ phải được đào tạo tốt để tạo sức hút tuyển sinh cho các năm sau.

Mỗi năm Ấn Độ có 1,5 triệu học sinh dự thi nhóm ngành y khoa và khoảng 800.000 em vượt qua kỳ sát hạch. Tuy nhiên, các trường đại học Ấn Độ hiện chỉ có khả năng đáp ứng dưới 50% nhu cầu nên nhiều em lựa chọn ra nước ngoài để học.

Phạm Sanh Châu

Sinh viên y khoa tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng

So với các thị trường du học y quen thuộc của du học sinh Ấn Độ như Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Philippines, Malaysia, và một số nước Đông Âu, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Chúng ta có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, sự ổn định chính trị và môi trường an toàn, thân thiện, đặc biệt là cho các sinh viên nữ. Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Ấn Độ nên việc hòa nhập của du học sinh Ấn sẽ thuận lợi hơn.

Việt Nam là một trong những nước “chảy máu ngoại tệ” trong ngành giáo dục. Hằng năm, các gia đình Việt Nam chi khoảng 4 tỉ USD cho con em đi du học. Việc HIU nhận sinh viên từ nước ngoài tới Việt Nam khiến nhiều người ngạc nhiên và phấn khởi. Theo ông, cần những điều kiện gì để Việt Nam đẩy mạnh “xuất khẩu giáo dục”?

 Trước hết, cần xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh chuẩn, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế cùng với đội ngũ giảng viên giỏi. Trước mắt chúng ta cũng có thể “nhập khẩu” giảng viên ngành y từ Ấn Độ để họ chia sẻ kinh nghiệm với giảng viên Việt Nam. Và quan trọng nhất là các đại học nhận du học sinh phải cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo, chăm sóc tốt cho sinh viên quốc tế.

Việt Nguyễn

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Lễ khai mạc Hội thao sinh viên HIU games 2024

Những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước đang sôi nổi diễn ra các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Hòa trong không khí chung của các nước, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) đã khai mạc Hội thao sinh viên – HIU Games 2024 ngày 15/11/2024. Các […]