Tổng quan về giáo dục STEM
Về bản chất, STEM là các ngành học trang bị cho học viên những kiến thức & kỹ năng cần thiết liên quan đến 4 lĩnh vực Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Trong đó, phương pháp giáo dục STEM tập trung giảng dạy đan xen kiến thức của cả 4 lĩnh vực trên, thay vì tách biệt từng môn như phương pháp giáo dục truyền thống trước đây.
Mục tiêu chính của phương pháp này là rèn luyện tư duy đa chiều, tạo cho học viên kỹ năng vận dụng kiến thức đã học nhằm đưa ra giải pháp thực tiễn nhất cho từng vấn đề khác nhau.
Hiệp hội Giáo dục Khoa học Mỹ (National Science Teachers Association – NSTA) được thành lập năm 1944 đã định nghĩa giáo dục STEM như sau: “Giáo dục STEM là cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các giờ học ứng dụng thực tế. Qua đó, phát triển cho học viên các năng lực trong lĩnh vực STEM, có khả năng áp dụng các kiến thức đó vào trong các bối cảnh cụ thể nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế mới”.
Tầm quan trọng của giáo dục STEM
Thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới trong cuộc cách mạng công nghiệp. Việc phát triển nguồn nhân lực có kiến thức trong lĩnh vực STEM không chỉ hướng đến giải quyết vấn đề cụ thể của từng địa phương mà còn hướng đến giải quyết các vấn đề trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và các xu hướng chung của thế giới, như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo…
Theo dự đoán từ tổ chức STEMconnector.org, chỉ riêng tại Mỹ, trong thời gian tới cần trên 8 triệu lao động tay nghề cao làm việc tại các vị trí thuộc lĩnh vực STEM. Đặc biệt, ngành sản suất, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại Mỹ cũng đang nằm trong danh sách cảnh báo thiếu hụt nhân sự tay nghề cao trong thời gian tới (theo Cục Thống kê Lao động Mỹ).
Bên cạnh đó, thống kê từ Học Viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh (Royal Academy of Engineering) cho biết nước này cần trên 100.000 lao động ngành STEM mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực tay nghề cao, hầu hết các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản v.v. đã từng bước áp dụng phương pháp giáo dục STEM vào giáo trình dạy học. Đồng thời, đưa ra những chương trình, chính sách hỗ trợ vô cùng hấp dẫn dành riêng cho sinh viên quốc tế có định hướng phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực STEM.
Đáng chú ý, hơn một nửa công việc ngành STEM không yêu cầu bằng cấp Đại học, mà chỉ yêu cầu ứng viên có chứng chỉ chuyên môn STEM liên quan đến vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, việc sở hữu bằng Đại học, hoặc cao hơn trong lĩnh vực STEM sẽ giúp cải thiện đáng kể thu nhập và cơ hội thăng tiến cho ứng viên.
Có thể thấy, việc sở hữu trong tay những chứng chỉ, bằng cấp thuộc lĩnh vực giáo dục STEM sẽ là một lợi thế cực kỳ lớn dành cho các sinh viên sau khi ra trường, tìm việc làm.
Thành Đạt