Tin tức
26/06/2021

Nathalie Mulot: “Kiến tạo nên những thế hệ nhà thiết kế mang dấu ấn thời trang Việt Nam”

Nathalie Mulot
Cô Nathalie Mulot, Giảng viên ngành Thiết Kế Thời Trang, Khoa Thiết Kế và Nghệ Thuật, Trường Đại học Hoa Sen đã có những chia sẻ về con đường xây đắp cho thế hệ tương lai của thời trang Việt, cùng những trăn trở của cô trong việc bảo tồn tinh hoa văn hóa trên hành trình đưa thời trang nội địa vươn ra quốc tế.

Xin chào Nathalie, điều gì đã mang cô đến với thời trang vậy?

Tôi tình cờ phát hiện mình yêu thích thời trang khi đang theo học ngành kiến trúc ở Ấn Độ. Tôi rất yêu những màu sắc rực rỡ, những đường may tinh tế và mọi khả năng vô hạn của thời trang.

Nathalie Mulot

 Tại sao cô lại chọn đến Việt Nam?

Sau khi chắc chắn về lựa chọn thay đổi ngành nghề, tôi đến Paris để học về thiết kế. Tôi cực kỳ yêu ngành học của mình với tất cả sự sáng tạo, nghiên cứu, tìm tòi, làm hết quần áo này đến quần áo khác. Nhưng tôi thích châu Á và Việt Nam, không chỉ bởi thời trang ở đây, mà còn vì lối sống và văn hóa. Nhịp sống năng động và cảm giác mọi chuyện đều có thể xảy ra khiến tôi bị cuốn hút.

Là một cây bút về phong cách sống và là một người làm về thời trang, cô cảm nhận thời trang ở Việt Nam có điểm gì đặc biệt và chúng liên kết với văn hóa ra sao?

Đất nước các bạn có một bề dày lịch sử và văn hóa vô cùng đặc sắc với các làng nghề thủ công tuyệt vời. Chúng có nhiều tiềm năng để phát triển, tôi tin là như vậy, và vì thế, tôi hy vọng chúng sẽ được đầu tư, chú ý nhiều hơn. Nếu như thế hệ ngày nay không trân trọng những truyền thống vốn có, thì tôi sợ một ngày nào đó, chúng ta sẽ bị mất đi rất nhiều tài sản văn hóa, tinh thần quý giá.

Nathalie Mulot

Tình yêu với thời trang của cô được miêu tả như thế nào?

Tôi luôn thích việc tạo nên điều gì đó từ cảm xúc. Thời trang là một điều như vậy; bạn mặc cho người khác nhìn, nhưng thực ra đó cũng là một điều bạn làm cho chính bản thân. Tủ quần áo giống như một tấm khiên bảo vệ cho bạn vậy, chúng giúp bạn giữ ấm hoặc làm mát, giúp bạn cảm thấy thoải mái, quyến rũ, tự tin,… một cách tuyệt vời để người khác biết bạn là ai trước cả khi bạn nói ra điều gì. Chẳng phải điều đó rất tuyệt hay sao?

Từng làm rất nhiều công việc khác nhau liên quan đến thời trang, đâu là công việc cô yêu thích nhất? Tại sao cuối cùng cô lại chọn việc dạy học?

Tôi không yêu thích một nghề nghiệp cụ thể nào, bởi vì tôi yêu tất cả những gì mình làm với thời trang! Dạy học là một trong số đó. Tôi cảm thấy mình đang góp phần kiến tạo nên một thế hệ kế thừa mới cho thời trang và tôi đang cố gắng làm hết sức. Tôi luôn tự vấn bản thân mỗi ngày về những điều mình muốn dạy cho sinh viên, cả về kiến thức lẫn kỹ năng mềm.

Nathalie Mulot

Các tác phẩm của sinh viên của cô Nathalie.

Thời trang là một ngành cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Cô dạy cho sinh viên mình bản lĩnh gì để sẵn sàng bước vào “cuộc chơi lớn”?

Tôi muốn dạy cho chúng sự độc lập, tự tin và biết cách giữ lấy sự tò mò. Kỹ năng cứng, chúng có thể học bất cứ lúc nào, nhưng những kỹ năng như giao tiếp khéo léo, biết cách thể hiện bản thân, tôn trọng và lịch sự với người khác, lập luận vấn đề, chia sẻ hay bảo vệ quan điểm,… là những điều rất khác nhưng vô cùng cần thiết cho chúng sau này.

Bên cạnh đó, có một tư duy quan trọng trong thời trang, rằng không có đúng hoặc sai, chủ yếu là chúng ta có nền tảng đủ vững chắc để bảo vệ được mình và tồn tại lâu dài hay không. Bạn không nắm xu hướng cũng không sao, đằng nào thì trong vòng sáu tháng tới mọi thứ cũng sẽ thay đổi, nhưng nếu bạn không hiểu về lịch sử và nguồn gốc của mọi thứ, thì đó là một vấn đề lớn. Hãy luôn biết mình đến từ đâu, từ đó mới biết mình phải đi về đâu.

Nathalie Mulot

” Nếu không có kiến thức, bạn sẽ không thể hiểu toàn diện vấn đề”, cô Nathalie Mulot, Giảng viên Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ.

Nhận định của cô về sự thực trạng của thời trang Việt Nam hiện tại? Khoảng cách giữa khả năng của sinh viên Việt Nam so với sự phát triển của ngành công nghiệp này trên thế giới? Làm sao để rút ngắn khoảng cách giữa một thương hiệu nội địa với quốc tế?

Tôi nghĩ rằng nền thời trang ở Việt Nam đã thay đổi rất nhanh trong những năm qua, nhưng vẫn còn nhiều điều để phát triển hơn nữa. Chúng ta đang rơi vào một cuộc chạy đua gấp rút và không khoan nhượng để sánh vai với quốc tế và những chuẩn mực khắt khe của họ. Điều đó rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu các nhà thiết kế trẻ của Việt Nam vẫn luôn nhớ được bản chất và nguồn gốc của mình, với những giá trị độc bản mà chỉ riêng dân tộc mình có được.

Hiện tại, thương hiệu Việt đã bắt đầu xuất hiện trên trường quốc tế. Nhưng để khẳng định một dấu ấn rõ ràng và mạnh mẽ hơn, thời trang Việt Nam cần thêm điều gì?

Để có thể tồn tại lâu dài, thương hiệu cần có một nền tảng chắc chắn, rõ ràng và có tính liên kết. Một thương hiệu thời trang không chỉ xoay quanh những món đồ đẹp đẽ, mà còn là cách bạn liên kết mọi thứ với bản sắc cá nhân. Bạn cần có một định vị rõ ràng với một câu chuyện thực sự, từ đó làm nên những bộ quần áo phù hợp với mong muốn của khách hàng. Có được kiến thức và sự hiểu biết với thị trường chính là chìa khóa. Bởi bạn chắc chắn sẽ không giao tiếp với khách hàng tuổi teen và người trưởng thành theo cách giống nhau, cũng như, các nhóm khách hàng khác nhau sẽ không có thói quen mua sắm giống nhau.

Ngành thời trang ở Việt Nam bây giờ mới phát triển, trong khi thế giới đang dần đi đến bão hòa của nhiều mô hình và cách làm thời trang khác nhau. Chúng ta cần có những chiến lược nào để bắt kịp xu hướng?

Tôi nghĩ cách tốt nhất là làm điều ngược lại: đừng quan tâm đến bất kỳ xu hướng nào! Thay vào đó, hãy tập trung vào chất lượng của quần áo và những thiết kế có tính trường tồn. Ngành công nghiệp thời trang ngày nay đã trở thành một cuộc đua khốc liệt của tốc độ, điều đó thật ngớ ngẩn! Chúng ta cần phải lập lại thứ tự ưu tiên.

Nathalie Mulot

Fashion Show (2015).

Thời trang nhanh đã gây ra khá nhiều tác hại cho ngành công nghiệp thời trang và nhiều hậu quả môi trường. Nhưng con người đã quá quen với lối sống nhanh, liệu việc cân bằng lại thời trang với một tư duy bền vững, tập trung vào giá trị có thể xảy ra? Và chúng ta nên làm điều đó như thế nào?

Thời trang nhanh là một hình thức của nô lệ. Tai nạn sụp đổ tòa nhà Rana Plaza năm 2013 ở Bangladesh khiến hàng ngàn công nhân may chết có vẻ vẫn chưa đủ để khiến con người nhận thức được tình trạng nghiêm trọng của vấn đề. Nếu chúng ta chuyển sự tập trung sang hướng xã hội và môi trường thì từ đó, những giải pháp dài hạn sẽ được sinh ra. May mắn thay, tôi đang quan sát thấy điều đó ở chính sinh viên của mình. Chúng bắt đầu quan tâm đến thời trang bền vững nhiều hơn và thực sự muốn làm thời trang bền vững. Nên chăng, cần thay câu hỏi tôi nên mặc gì vào ngày mai bằng câu hỏi chúng ta sẽ cần gì trong 10-20 năm tới.

Nathalie Mulot

Fashion Show (2016).

Theo cô, tại sao chỉ mới cách đây 2 năm, người ta không hề bàn tán gì về blackface (ở Việt Nam), nhưng bây giờ làn sóng ấy lại phát triển mạnh đến vậy? Nên hiểu đúng về blackface, hoặc phân biệt chủng tộc nói chung trong thời trang như thế nào, thưa cô?

Nó nằm ở một điều thôi: kiến thức.

Nếu không có kiến thức, bạn sẽ không thể hiểu toàn diện vấn đề; nếu bạn không hiểu nó, bạn sẽ sợ hãi và bắt đầu có những niềm tin sai lầm. Chỉ bằng cách tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề và giải thích được mọi thứ xuất phát từ đâu, bạn mới có thể đưa ra được những quan điểm rõ ràng. Tôi còn nhớ khi H’Hen Nie đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ năm 2017, cô ấy đã phải chịu không ít sự chỉ trích vì màu da của mình. Điều đó cho thấy chúng ta vẫn có sự thiếu sót trong cách nhìn nhận. Một cách thức giáo dục toàn diện nên giúp người học xây dựng sự tôn trọng và chấp nhận những điều khác biệt của nhau, không chỉ về màu da mà còn về xu hướng tính dục hay tín ngưỡng tôn giáo,…

Nathalie Mulot

Cô Nathalie và một trong những sinh viên xuất sắc nhất khóa 2020.

Làm sao để bảo vệ nghệ sĩ trước những tư duy bảo thủ và cực đoan về phân biệt chủng tộc như vậy, thưa cô?

Bất cứ điều gì “mới” đều cần có thời gian để mọi người hiểu và đón nhận. Việc một người có thể tự hào với làn da của họ hay không còn phụ thuộc vào sự lên tiếng của chúng ta, những người làm giáo dục, những nhà thiết kế và cộng đồng yêu thời trang. Đó không phải chuyện có thể diễn ra ngày một ngày hai, mà cần phải có sự giao tiếp, nói chuyện, giải thích, vận động, thuyết phục,… liên tục. Quan trọng nhất là cần một thái độ mở, bên cạnh các tấm gương thực tế chứng minh rằng mọi chuyện đều có thể thay đổi.

Cuối cùng, đâu là giới hạn giữa sáng tạo và đạo đức? Các yếu tố văn hóa trong một thiết kế, từ đó, nên được thể hiện như thế nào?

Tôi cho rằng vấn đề quan trọng hơn ở đây là sự phân định rạch ròi giữa lấy cảm hứng và sao chép. Vấn đề bản quyền vẫn đang chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam và nó là một vấn đề lớn trên nhiều cấp độ. Không phải ai cũng hiểu cần phải tôn trọng tài sản trí tuệ, vì thế, đôi khi chúng ta ăn cắp mà không biết. Điều đó vừa bất hợp pháp, vừa là lừa dối khách hàng và cộng đồng. Chưa kể, việc sao chép còn khẳng định bản thân nhà thiết kế đó không hề có tư duy sáng tạo và cá tính riêng.

Nathalie Mulot

Các tác phẩm của sinh viên Cô Nathalie.

Còn về vấn chiếm đoạt văn hóa, tôi nghĩ không nên tiêu cực quá. Mọi yếu tố văn hóa đều có thể trở thành nguồn cảm hứng cho thời trang, miễn chúng ta đừng biến chúng trở nên lố bịch như một lễ hội halloween là được. Nếu bạn tạo nên một bộ sưu tập hay thương hiệu có sự kết nối với văn hóa truyền thống, thì còn gì tự hào hơn việc chúng xuất hiện ở các trung tâm thời trang lớn như Milan, New York, London và được mọi người tán thưởng chứ?

Có rất nhiều cách dùng quá khứ để kiến tạo tương lai. Hãy chọn những chi tiết mà bạn yêu thích trên bộ trang phục dân tộc và kết hợp chúng với điều hiện nay mọi người yêu thích. Chẳng hạn, bạn thích một chiếc váy xòe, hãy giữ lại phom dáng nhưng làm cho nó ngắn đi hoặc dài hơn. Hoặc bạn có thể thay đổi hoa văn trên bộ trang phục nhưng giữ lại bảng màu độc đáo của nó. Có rất nhiều cách để sử dụng chất liệu dân tộc và biến nó thành những thiết kế trường tồn.

Một điều đặc biệt quan trọng là, những tinh hoa văn hóa như thế đã tồn tại rất lâu trước khi xuất hiện ngành công nghiệp thời trang nhanh. Nếu những nghệ nhân làng nghề, những người dân tộc thiểu số biết được di sản của họ được công nhận, họ sẽ muốn giữ gìn, con cái họ sẽ muốn kế thừa, và như thế, chúng ta sẽ không bị rơi vào tình trạng bị mất đi những kỹ nghệ truyền thống, những làng nghề thủ công đáng quý.

Xin cảm ơn cô Nathalie về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo L’OFFICIEL Vietnam

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Nhìn lại HSU 2024: Hành trình mang giáo dục thế giới về Việt Nam, lan tỏa tri thức Việt ra toàn cầu

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành trường đại học quốc tế dành cho người Việt của HSU. Tập thể Sư phạm Trường Đại học Hoa Sen chú trọng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và liên tục đạt kiểm định quốc tế, hợp tác […]

Bộ nhận diện Metro TP.HCM: Từ đồ án tốt nghiệp của sinh viên HSU đến biểu tượng phương tiện giao thông đô thị mới

Những ngày gần đây, người dân TP.HCM háo hức trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) nhưng ít ai biết, logo và bộ nhận diện Metro TP.HCM không phải được thực hiện bởi các chuyên gia mà chính sinh viên ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Hoa Sen. Ngày 22/12/2024, […]