“Qua tiếp xúc, tôi thấy 100% người Do Thái đều rất tự tin vào bản thân mình. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến họ thành công trên thế giới?”
Tiến sĩ Stanford Phạm Thành Thái: “Nếu bạn có niềm tin, mọi sự đều có thể” |
“Tại sao người Do Thái ‘ẵm’ nhiều giải Nobel nhất thế giới? Vì sao người Do Thái lại giỏi như vậy?” – TS Phạm Thành Thái mở đầu đề dẫn cho câu chuyện vì sao các bạn trẻ phải có niềm tin. “Những đứa trẻ người Do Thái từ lúc mới biết đọc, quyển sách đầu tiên mà chúng đọc là quyển kinh Thánh cựu ước. Và tôi phát hiện ra rằng, xuyên suốt trong cuốn sách đầu đời đó của trẻ em Do Thái có 1 cụm từ là ‘niềm tin’. Chính bởi vậy, 100% người Do Thái đều tự tin vào bản thân mình và tôi cho rằng đó chính là yếu tố quan trọng để họ thành công” – anh Thái diễn giải.
Trở lại câu chuyện của bản thân mình, TS Phạm Thành Thái cho hay, hồi nhỏ bản thân anh rất thích xem tivi nhưng gia đình chỉ có 1 chiếc tivi 14 inch và ước mơ khi đó của anh chỉ là có một chiếc tivi to hơn để xem phim cho đã. Lớn lên chút nữa, anh lại ước mình sớm thoát khỏi làng quê nhỏ bé để đến với một thành phố rộng lớn hơn. Đến lúc đi học tại TP, vị tiến sĩ trẻ lại ước mình được ngồi máy bay để đi khắp đó đây…
“Ngay từ bé, trong đầu của tôi luôn có một niềm kiên trì – mình sẽ làm được thôi. Và tôi chiêm nghiệm ra rằng, tất cả những ước mơ, nếu mà mình có thể thực hiện được thì đó không phải là ước mơ, nó trở thành mục tiêu. Để ước mơ thành mục tiêu rất ngắn ngủi, được thay đổi bởi niềm tin. Khi chúng ta có niềm tin thì ước mơ sẽ biến thành mục tiêu để chúng ta cố gắng thực hiện” – TS Phạm Thành Thái nói.
Nhưng, để thực hiện các mục tiêu đó, các bạn trẻ phải bỏ ra nhiều hơn, đó là sự cố gắng nỗ lực.
“Không phải những gì mình có niềm tin là thực hiện được. Hồi lớp 9, tôi đã đặt mục tiêu đi thi Toán quốc tế và phải mất 4 năm – đến năm lớp 12 tôi mới thực hiện được mục tiêu này” – TS Phạm Thành Thái chia sẻ.
“Thế nhưng, bản thân tôi chưa từng nghĩ mình có gì đặc biệt hơn những người khác. Người ta có thể thấy được những thành công của tôi, nhưng nào có biết để có được những thành công này, tôi cũng trải qua nhiều khó khăn, vô số lần thất bại. Nhưng nhờ sự tự tin và nỗ lực, tôi đều cố gắng vượt qua” – anh Thái nói và đưa ra lời khuyên: “Các bạn trẻ đừng quan tâm xã hội nói gì về mình mà hãy chỉ quan tâm bản thân mình muốn thực hiện giấc mơ nào đó thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ thực hiện được”.
Chốt lại phần nói chuyện về bản thân, TS Phạm Thành Thái nhắn nhủ với các bạn sinh viên: “Tôi bước ra từ một làng quê nghèo nhưng vẫn có thể đi khắp nơi, vào được những ngôi trường danh tiếng… thì các bạn trẻ cũng hoàn toàn có thể làm được như thế và hơn thế nếu thật sự nỗ lực, tự tin và dám mơ lớn…”.
Xuất thân từ một làng quê, Tiến sĩ Phạm Thành Thái đã giành Huy chương Vàng Olympic Toán học Quốc tế năm 2007 và nhận học bổng toàn phần trị giá hơn 50.000 USD/năm từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Toán học tại MIT, Tiến sĩ Phạm Thành Thái tiếp tục nhận học bổng và hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Stanford chỉ trong 4 năm, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Guido Imbens, người đoạt Giải Nobel Kinh tế. Trong suốt thời gian học tại Stanford, anh còn đảm nhận vai trò trợ lý nghiên cứu cho Giáo sư Imbens, đóng góp vào các nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực kinh tế và thống kê.
Sau khi tốt nghiệp, Tiến sĩ Phạm Thành Thái đã gia nhập Amazon, tại đây anh phát triển các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp tăng doanh thu và cải tiến thuật toán tìm kiếm sản phẩm, đóng góp hơn 300 triệu USD doanh thu mỗi năm.
Sau đó, Tiến sĩ Phạm Thành Thái gia nhập Meta Platforms với vị trí Research Scientist, Machine Learning. Anh dẫn dắt các sáng kiến cải thiện hệ thống tìm kiếm và xếp hạng nội dung, giúp giảm hơn 60% tỷ lệ nội dung không liên quan và nâng cao các chỉ số quan trọng như thời gian sử dụng, bình luận và tham gia nhóm.
Hiện tại, anh đang làm việc tại Uber, đảm nhận vị trí Machine Learning Engineering & Science Leader, chịu trách nhiệm tối ưu các dịch vụ cốt lõi như Mobility Matching và Dynamic Pricing, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển của Uber toàn cầu.
Theo GD&TĐ