Chị thiếu thốn từ nhỏ, vì không đủ tay chân như người bình thường nên chị không có cơ hội thi đại học như các bạn cùng trang lứa, thậm chí phải bỏ dở việc học để bươn chải suốt 3,5 năm trời. Bằng tất cả nghị lực, chị đã vào Sài Gòn thi đại học ngành Tiếng Pháp với suy nghĩ: chỉ khi đi ra được nước ngoài thì chị mới có thể có được đôi bàn chân giả cho mình. Gần 21 năm phấn đấu, chị đã vượt qua cái nghèo và sự bất hạnh của bản thân để thi đậu đại học và tốt nghiệp khoa tiếng Pháp Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).
Sau khi lập gia đình, năm 2003, chị Mỹ Quyên chuyển về HSU, công tác ở phòng Đào tạo. Ở đây, chị thường xuyên tiếp xúc với sinh viên, lắng nghe và chia sẻ với biết bao hoàn cảnh của các bạn sinh viên. Hiện tại, chị đang là đại diện của tổ chức Vietnam Les Enfannts De la Deoxine tại Việt Nam. Năm 2004, chị là một thành viên trong đoàn đại biểu đến Pháp vận động cho vụ kiện nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Hơn 12 năm nay, chị là đại diện của tổ chức hỗ trợ Nạn nhân chất độc màu da cam Việt – Pháp, lặn lội về vùng sâu vùng xa khắp các tỉnh miền Trung và miền Nam để làm cầu nối những trái tim, mang sự giúp đỡ của các mạnh thường quân quốc tế đến với hàng trăm em khuyết tật, với nguồn hỗ trợ từ 2-3 tỷ đồng/năm.
Điều đặc biệt, trên môi chị lúc nào cũng nở nụ cười tươi và đầy nghị lực sống. Chị kể lại những vất vả của ngày xưa và bây giờ nhẹ nhàng, như chị không hề phải cố gắng. Chị tâm niệm những điều mình làm là điều hiển nhiên, là chuyện thường tình, là mình chỉ mới “làm chút gì đó cho mọi người”. Trong khi đó, Quyên rất thích kể về sự quan tâm, giúp đỡ từ những người mà cô đã từng nhận được. Cô ghi nhớ từng việc làm, từng hành động của những con người nhân ái đã ở bên cô từ khi cô bắt đầu đi học cho đến hôm nay.
Chia sẻ của GV Trần Thị Hoàng Phượng – Khoa Kinh tế và Quản trị
“Một cô gái sinh ra và lớn lên trong nỗi bất hạnh của một cơ thể không trọn vẹn, trong sự nghèo khó của gia đình nhưng dám ước mơ học đại học, ước mơ sống có ích cho đời. Nghĩ về chị Mỹ Quyên là nghĩ đến nghị lực phi thường của một con người biết chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân để vươn lên và trở thành người hữu ích”.
Chị Trần Thị Mỹ Quyên, nhân viên phòng đào tạo HSU.