Trong các phần mềm kiểm soát sự trùng lặp nội dung văn bản, Turnitin được nhiều nước trên thế giới sử dụng, phổ biến là để phát hiện đạo văn trong các luận văn.
Turnitin là một hệ thống so sánh văn bản trong bài luận với cơ sở dữ liệu nguồn. Cơ sở dữ liệu nguồn của phần mềm Turnitin bao gồm các dữ liệu học thuật, ấn bản học thuật hơn 300 triệu bài luận, 110.000 ấn phẩm và 24 tỉ trang web khác nhau để đối chiếu.
Một số lỗi phổ biến được Turnitin phát hiện gồm lỗi nhân bản (sao chép 100% bài của người khác); lỗi sao chép những phần quan trọng của bài khác; lỗi thay đổi các từ và cụm từ chính nhưng nội dung không thay đổi; mượn phần lớn từ bài viết trước đây của chính mình mà không trích dẫn; sao chép nhiều bài luận vào bài của mình…
Hiện nay, nhiều trường đại học tại Việt Nam sử dụng Turnitin để phát hiện gian lận trong các luận văn hay báo cáo về học thuật. Cụ thể, khi sinh viên nộp bài luận (assignment) trên hệ thống Turnitin, chương trình này sẽ tự động đối chiếu bài viết ở các trang dữ liệu có sẵn, đánh dấu những đoạn văn giống nhau và từ đó đưa ra chỉ số tương đồng (%). Turnitin cho phép giảng viên so sánh bài luận của sinh viên với hơn 24 tỉ trang web, 300 triệu bài làm của các sinh viên khác và hơn 110.000 ấn phẩm. Ngoài ra, hệ thống còn cho phép giảng viên nhận xét (comment) trực tiếp vào bài viết của sinh viên, từ đó các bạn sẽ biết rõ mình còn yếu những phần nào để khắc phục dần.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, việc đạo văn (plagiarism) đã trở thành một vấn nạn. Có nhiều sinh viên vô tình sử dụng những ý tưởng trùng lặp, nhưng cũng có những bạn cố ý lấy câu chữ và ý tưởng của người khác. Nhiều bạn lại cho rằng việc “cắt dán” là thường tình và rất nhiều người làm việc đó, mà chưa hiểu rằng plagiarism là vấn đề đạo đức học thuật. Họ cần phải ý thức rõ là phải ghi nguồn rõ ràng và chi tiết. Và Turnitin là một trong những cách để chống đạo văn.