Nhiều cha mẹ đã quan tâm phát triển EQ cho con từ rất sớm thông qua triết lý giáo dục nhân bản cho trẻ. Theo thạc sĩ – chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, chỉ số thông minh xúc cảm (EQ) không phụ thuộc vào chỉ số thông minh (IQ), mà có thể hiểu nó là cách sống của một người. “Nếu IQ đánh giá về năng lực tư duy, duy lý (một điều kiện cần để thành đạt về mặt học thuật) thì EQ là yếu tố quyết định sự thành đạt về lối sống trong cuộc đời”, bà Thúy định nghĩa.
Giáo dục nhân bản là gì?
Triết lý giáo dục Nhân Bản đã xuất hiện từ rất lâu nhưng chưa được nhiều cha mẹ biết đến. Khái niệm này xoay quanh “gốc rễ” của giáo dục chính là con người. Từ đó, giúp trẻ khai phóng và phát huy hết những khả năng đặc biệt của mình, hoàn thiện nhân phẩm, bồi đắp những giá trị nhân văn.
Xem thêm:
Vì sao giáo dục nhân bản cho trẻ giúp phát triển trí thông minh cảm xúc?
Để trở thành con người hoàn thiện (Human), trẻ cần hội đủ 5H, đó là: Heart (biết yêu thương/tôn trọng), Head (có trí tuệ), Hand (Biết làm việc/cống hiến), Health (có sức khỏe) và cuối cùng là con người với đầy đủ các phẩm giá. Trên hành trình xây dựng 5H, trẻ sẽ có cơ hội được trải nghiệm và phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ). Sau đây là 5 cách cụ thể cha mẹ có thể áp dụng để giúp bé nâng cao EQ thông qua việc giáo dục nhân bản cho trẻ.
Chia sẻ và lắng nghe bé để nuôi dưỡng yêu thương (Heart)
Trong triết lý giáo dục nhân bản, trái tim là điểm khởi đầu, cũng là trung tâm của con người toàn diện (Human). Vì thế, cha mẹ cần gieo mầm những “hạt giống tâm hồn” trong bé bằng cách thường xuyên chia sẻ cho bé nghe những câu chuyện Nhân bản. Hơn nữa, cha mẹ cũng chính là những tấm gương Nhân bản cho con trẻ với hành động yêu thương, lễ độ, quan tâm đến mọi người.
Thường xuyên kể bé những câu chuyện Nhân bản giúp bé tăng thêm tình yêu thương và chia sẻ đến mọi người
Ngoài ra, cha mẹ nên thường xuyên giao tiếp và trao đổi với bé, thể hiện cho con biết cha mẹ yêu con như thế nào cũng như lắng nghe để hiểu thấu những mong muốn của bé. Những cuộc trò chuyện này sẽ khuyến khích bé dám nói ra suy nghĩ và thể hiện cảm xúc, giúp bé trở nên mạnh dạn hơn.
Nhận thức về bản thân nhiều hơn (Head)
Khả năng nhận thức về bản thân giúp trẻ có thể nhìn nhận bản thân mình theo các chiều hướng tốt xấu; biết đánh giá cảm xúc của bản thân là tích cực hay tiêu cực; biết mình có vị trí và vai trò như thế nào đối với gia đình, xã hội; biết được mình đang đam mê điều gì, khát khao vươn tới mục đích gì trong tương lai. Việc tự nhận thức được bản thân mở ra rất nhiều những chìa khóa về các khả năng của trẻ, khả năng học hỏi, khám phá, đọc vị cảm xúc, điều tiết hay giải quyết tình huống, kết bạn… Nó giúp trẻ định hướng được cuộc sống của bản thân mà không phải phụ thuộc vào quyết định của người khác.
Cha mẹ cần tôn trọng cá tính riêng của bé để giúp và phát triển đúng với khả năng của mình
Vai trò của cha mẹ là tìm hiểu về tính cách của con để biết được con thuộc nhóm tính cách nào, từ đó có cách phát triển phù hợp cũng như tôn trọng tính cách cá nhân của con. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần quan sát khả năng học tập, sở thích, năng khiếu của con để giúp con phát triển đúng hướng và tạo thuận lợi cho việc học tập và nghề nghiệp sau này.
Trải nghiệm và nhận ra cuộc sống muôn màu (Hand)
Những trải mới mẻ trong cuộc sống sẽ giúp bé tăng kỹ năng xã hội và kỹ năng giải quyết vấn đề khi bé thường xuyên tương tác với những người xung quanh trong những hoàn cảnh khác nhau, với những vấn đề khác nhau.
Những trải nghiệm mới mẻ đem đến cho bé cái nhìn đa dạng về cuộc sống muôn màu
Để giúp con có nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống, cha mẹ nên thường xuyên đưa bé đến những vùng đất lạ, cho bé thử thách với những trò chơi mới, ăn những món ăn mới, trải nghiệm những điều mới như thả diều, trồng cây, bắt dế, hát hò, nhảy múa, … Những điều này sẽ khiến trẻ có thêm những kinh nghiệm sống, yêu cuộc sống và luôn trong tư thế thoải mái, sẵn sàng chấp nhận những điều mình chưa biết, học hỏi chúng. Đây là một phương pháp rất tốt để giáo dục nhân bản cho trẻ.
Sức khỏe tốt là nền tảng của tinh thần vui vẻ (Health)
Nhiều nghiên cứu cho thấy người lạc quan có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn người bi quan. Một sức khỏe tốt cũng giúp bé chăm sóc bản thân mình tốt hơn, từ đó có thể chăm sóc và giúp đỡ mọi người xung quanh.
Sức khỏe tốt là nền tảng cho bé phát triển EQ
Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đến việc phát triển của con trong những giai đoạn “vàng” (Giai đoạn bào thai; Giai đoạn 0 – 3 tuổi và Giai đoạn tuổi dậy thì) để giúp bé có nền tảng sức khỏe tốt. Việc phối hợp rèn luyện thể chất thông qua những hoạt động thể thao và trải nghiệm, vừa giúp bé phát triển thể lực vừa tăng cường khả năng sáng tạo.
Hành trình giúp con phát triển EQ không hề dễ dàng. 4 cách trên đây không những sẽ giúp các cha mẹ rèn luyện EQ cho trẻ mà còn giúp trẻ trở thành một con người nhân bản toàn diện về Tâm – Trí – Lực. Các cha mẹ hãy luôn nhớ rằng trí tuệ cảm xúc có thể được cải thiện, cho dù nó thấp hay cao đến mức nào, qua nỗ lực bền bỉ cũng như sẵn sàng mở lòng và thay đổi.
Lan Quyên