Cựu Tổng thống Mỹ – Barack Obama được coi là một bậc thầy về thuyết trình bởi ông biết cách lặp có chủ đích, dừng đúng thời điểm, kết hợp vận dụng ngôn từ cụ thể, chắc chắn.
1. Hiểu rõ khán giả của mình là ai
Đây là một trong những vấn đề cốt lõi của một bài thuyết trình. Bạn không thể sử dụng một một cách thuyết trình cho tất cả các đối tượng khán giả và ứng với nhiều chủ đề khác nhau. Bạn phải hiểu được khán giả của mình là ai và bắt đầu câu chuyện từ điều mà khán giả muốn nghe.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama
Tổng thống Obama khi thuyết trình cho nhà lãnh đạo thì phong thái chuyên nghiệp, nhưng khi trình bày trước YSEALI – Tổ chức Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á – thì phong thái gần gũi. Ông bỏ áo khoác vest ra và ngẫu hứng 1 đoạn beatbox trong phần trả lời câu hỏi của một bạn trẻ. Bạn vẫn cảm thấy kính phục, nhưng bạn lại thấy vô cùng thân thuộc, như bạn đang trò chuyện cùng bạn bè, đó là cách ông thuyết phục người trẻ tuổi.
2. Không phải phát biểu, mà chính là kể chuyện
Nghệ thuật đỉnh cao của một bài thuyết trình, chính là kể chuyện. Đừng đòi hỏi người nghe phải cố gắng nghe lời bạn nói mà hãy dẫn dắt họ bằng những câu chuyện.
Bài phát biểu của ông Obama trong chuyến thăm tại Việt Nam năm 2016 đã tinh tế lồng ghép các điển cố, các câu nói nổi tiếng và quen vào trong bài phát biểu, gián tiếp gợi nhắc đến nền văn hiến lâu đời của người Việt. Các câu thơ Nam Quốc Sơn Hà, Truyện Kiều và câu nói của Văn Cao được khéo léo sử dụng để trở thành lời dẫn cho các ý lớn trong bài, khiến khán giả cảm thấy hứng thú với nội dung của bài thuyết trình.
Ông Barack Obama thuyết trình với những người trẻ tuổi ở Việt Nam
3. Học cách nhấn nhá, tạm dừng
Tổng thống Barack Obama là bậc thầy về nghệ thuật nhấn nhá. Việc nhấn nhá để cho khán giả có thể bắt kịp với cách ông nói, việc nhấn nhá cũng để cho tiếng nói của ông gây được tiếng vang.
Ông Obama thường tạm dừng vài giây ở giữa bài thuyết trình, theo một nghĩa nào đấy, để cho người nghe có thể nghỉ ngơi. Việc nhấn nhá, tạm dừng cũng tạo ấn tượng về sự điềm tĩnh và chu đáo. Không có quy tắc chung nào cho việc này nhưng bạn có thể thử ngắt câu vào mỗi lần đếm đến 3 hoặc bằng khoảng thời gian của một lần hít thở thật sâu.
Trong các bài diễn thuyết ông Obama đều tận dụng nghệ thuật nhấn nhá, ngắt nhịp lôi cuốn
4. Bậc thầy ngôn ngữ cơ thể
Khi nói chuyện, ông Obama hiếm khi nào tỏ ra căng thẳng, sợ hãi. Ông luôn bình tĩnh, tự tin, quyết đoán và tận dụng ngôn ngữ cơ thể để bài nói lôi cuốn hơn.
Để có bài phát biểu xuất sắc mỗi người sẽ phải luyện tập nhiều lần để giữ được sự bình tĩnh khi bước lên bục phát biểu và nói chuyện, cần tương tác với khán giả, đi xung quanh khán phòng để kết nối, dùng cử chỉ, ánh mắt để tăng hiệu quả cho bài phát biểu. Hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách tự nhiên nhất để có bài phát biểu hiệu quả.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp bài thuyết trình thu hút hơn
5. Tạo cảm xúc đa chiều
Bài phát biểu của Obama luôn được lồng ghép những trạng thái cảm xúc khác nhau, khi thì vui vẻ, thoải mái, khi thì nghiêm túc, khi thì tràn đầy quyết tâm. Những trạng thái đối lập này liên tục cuốn hút người nghe, tạo nên hai mảng “sáng” – “tối” đối lập trong một chỉnh thể hài hòa. Bài thuyết trình sẽ hấp dẫn hơn nếu bạn biết tạo ra nhiều cảm xúc cho người nghe.
Chúc bạn thành công với những bí quyết này!