Xã hội phát triển nhưng những quan niệm xưa cũ về dạy trẻ vẫn còn tồn tại ở một bộ phận phụ huynh. Việc giáo dục trẻ không đúng phương pháp không chỉ khiến trẻ khó phát triển mà đôi khi còn có “tác dụng ngược” khiến trẻ hình thành sự chống đối, bất hợp tác.
Cùng Human làm rõ hơn về những lầm tưởng mà phụ huynh thường mắc phải về cách nuôi dạy trẻ nhé!
Nuông chiều sẽ làm trẻ hư
Đa phần phụ huynh cho rằng việc dạy trẻ bằng cách nuông chiều sẽ khiến con trở nên hư hỏng. Thực tế cho thấy tư tưởng này xuất phát từ những thế hệ xưa. Khi đất nước trong thời chiến tranh, kinh tế hạn hẹp, xã hội còn nhiều nguyên tắc khô cứng thì việc nghiêm khắc sẽ giúp cho trẻ tự lập và sớm trưởng thành hơn. Nhưng với sự phát triển của xã hội hiện đại, trẻ em cần được yêu thương và quan tâm chăm sóc.
Được sinh ra và lớn lên trong sự quan tâm và tình yêu thương ngay từ khi con nhỏ sẽ giúp một đứa trẻ có một tinh thần thoải mái và lớn lên khỏe mạnh. Nuông chiều không có nghĩa là bỏ mặc trẻ làm những gì mình muốn mà là lắng nghe những mong muốn, sở thích phù hợp, đôi khi là phần thưởng dành cho trẻ. Trẻ phát triển tốt nhất khi được ủng hộ, tạo điều kiện để vươn lên. Đó được xem là một hành động yêu thương, một mối dây liên kết giữa cha mẹ và con cái với nhau.
Kỷ luật sẽ khiến trẻ biết nghe lời
Phạt con bằng những trận đòn hầu hết đã không còn diễn ra ở các trường học nhưng ở gia đình nhiều phụ huynh nghiêm khắc vẫn dùng hình thức này. Đánh con khi trẻ không chịu ăn cơm, cấm con sử dụng điện thoại, cấm đi chơi vào cuối tuần, bắt học bài 3,4 giờ đồng hồ mỗi tối,… là những hình thức kỷ luật quan thuộc của các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này chưa chắc đã mang lại hiệu quả. Việc bắt ép trẻ không được làm điều gì đó sẽ khiến con càng có ham muốn thực hiện điều đó hơn. Do đó, lắng nghe và phân tích cho con về lợi, hại của việc con đang làm sẽ giúp trẻ tự nhận thấy cái sai và khắc phục nó.
Chịu những áp lực từ những người thân trong gia đình không phải cách giúp trẻ lấy làm động lực để vượt lên chính mình. Một số trẻ vì bị gò bó bởi gia đình, những khó khăn từ gia đình gây nên cho trẻ bệnh trầm cảm, hoặc xấu hơn sẽ dẫn đến những hành vi, suy nghĩ tiêu cực.
Thưởng phạt đúng chỗ sẽ giúp bé nhận ra được lỗi sai và rút kinh nghiệm cho bản thân để không tái phạm. Những biện pháp kỷ luật bằng “trận đòn”, “nghiêm khắc qua lời nói, cử chỉ”, “cứng rắn bởi các quy luật” từ phía phụ huynh cũng sẽ dần hình thành cho trẻ hành vi chống đối hoặc dần tạo thói quen xấu cho bản thân.
Tạo điều kiện vật chất đầy đủ sẽ làm hư trẻ
Đứa trẻ khi sinh ra đời và dần lớn lên đều là một trang giấy trắng và thường sẽ bắt chước với những hành động, hoặc tư tưởng từ những người đi trước. Thông thường, những thói quen con trẻ sẽ hình thành từ việc trẻ quan sát các hành vi của bố mẹ và mọi người xung quanh. Do đó, phương pháp giáo dục sẽ quan trọng hơn điều kiện giáo dục.
Nhiều người thường quan niệm, “con nhà giàu” thì sẽ hư hỏng. Trên thực tế, dù sống trong bất kì điều kiện nào, chỉ cần trẻ được chăm sóc đúng cách, biết yêu thương, tôn trọng, sẻ chia với người khác, biết tiết kiệm và sống lành mạnh thì trẻ sẽ được hình thành nhân cách tốt. Ngược lại, có nhiều bạn nhỏ dù nhà không có điều kiện nhưng bố mẹ không quan tâm, không được giáo dục đúng cách thì đứa trẻ này cũng dễ dàng trở thành một “học sinh hư”. Do đó, vật chất sẽ không hoàn toàn quyết định đến tính cách của trẻ.
Tạo cho trẻ đầy đủ điều kiện vật chất sẽ cho trẻ có không gian và cơ hội để phát triển và làm những điều con thích nhưng trong tầm kiểm soát của phụ huynh. Cha mẹ dù có điều kiện vật chất khá giả nhưng kèm theo đó là hướng dạy con đúng đắn, tạo nguồn động lực truyền cảm hứng năng lực tích cực cho con.
Không nên khen trẻ quá nhiều
Một số phụ huynh hiện nay thường quan niệm rằng việc không dành lời khen sẽ giúp trẻ tìm ra một cách hướng phát triển khác để nâng tầm giá trị bản thân. Quan niệm này không còn phù hợp hiện nay bởi lời nói đôi khi lại có giá trị cao hơn những món quà.
Lời khen đối với trẻ được ví như một phần thưởng xứng đáng giúp trẻ có thêm nhiều động lực để phát huy được khả năng của chính mình. Dành cho trẻ những lời khuyên là một cách dạy trẻ rất thông minh từ các bậc phụ huynh hiện đại. Thay vì chỉ trích lỗi sai của con, phụ huynh có thể động viên con cố gắng cải thiện trong lần sau.
Không chỉ lời khen, nhiều bậc cha mẹ khi con đạt được thành tích học tập hay ngoan ngoãn đều được dành cho mình một phần quà giúp trẻ thêm hứng khởi và thích thú khi nhận thức được việc mình đã làm đúng.
Dạy trẻ bằng cách để chúng tự lớn lên
Nuông chiều và không kỷ luật trẻ không có nghĩa là bỏ mặc để trẻ tự mình lớn lên. Việc dạy trẻ bằng cách để con tự mình lớn lên sẽ khiến nhiều đứa trẻ rơi vào tình trạng cô độc, không thể sẻ chia, giãi bày cùng bất cứ ai, nhất là ở độ tuổi thay đổi tâm sinh lí. Thông thường, nhiều phụ huynh vì bận rộn hoặc tâm lí để con tự lập nên để trẻ tự đi học, tự mình giải quyết những khó khăn, đây là nguyên do khiến trẻ ấm ức khi bị bắt nạt, hoặc thậm chí rơi vào trầm cảm. Dành một ít thời gian để tâm sự, dõi theo con để trẻ không “tự mình lớn lên” sẽ góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện. Phụ huynh cũng có thể đồng hành cùng con trong các hoạt động ngoại khóa do trường, lớp tổ chức, từ đó thấu hiểu và gắn kết với con hơn thay vì mỗi năm chỉ đi họp phụ huynh 1 lần.
Gia đình là nơi mà trẻ có được hạnh phúc và tình yêu nhiều nhất. Gia đình còn là nơi dạy trẻ nương tựa và chia sẻ những việc làm ngoài xã hội. Hình thành tình yêu thương trong gia đình giúp trẻ phát triển về tinh thần cũng như não bộ một cách tốt nhất, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh.
Những lầm tưởng trên hầu hết xảy ra và cũng chính là lý do khiến các bậc phụ huynh khiến con em mình trưởng thành không theo hướng tư duy tích cực và đúng đắn. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo và thay đổi tư duy dạy con cho riêng mình nhé!
Trung Tín