Tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ trụ ảo (Metaverse), lĩnh vực giáo dục được kỳ vọng sẽ thú vị và sáng tạo hơn bao giờ hết với giáo viên và học sinh.
Đồng hành với quá trình đổi mới giáo dục, trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ trụ ảo (metaverse) là những công nghệ đi đầu. AI có thể đóng vai trò như một gia sư đưa ra các gợi ý, kiến thức liên quan tới vấn đề giúp học sinh tìm được hướng giải quyết. Trong khi đó, metaverse, cụ thể là công nghệ VR/AR sẽ thay đổi hoàn toàn cách học sinh tiếp xúc nội dung.
Hãy tưởng tượng, học sinh có thể đeo kính AR và trực tiếp quan sát các phản ứng hóa học, khám phá cấu trúc cơ thể người thông qua những hình ảnh 3D hay thậm chí du hành ngược thời gian để tìm hiểu về lịch sử.
Trải nghiệm học tập phong phú hơn với metaverse
Metaverse là khái niệm mô tả một thiết kế tương lai giả định của internet. Metaverse bao hàm một thế giới trực tuyến 3D sống động, nơi người dùng xuất hiện dưới dạng hình đại diện tùy chỉnh và truy cập thông tin với sự trợ giúp của thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và các công nghệ tương tự. Thay vì truy cập internet qua màn hình, người dùng truy cập metaverse thông qua sự kết hợp giữa thực tế và kỹ thuật số. Metaverse sẽ cho phép mọi người giao tiếp, vui chơi và làm việc cùng với những người khác trong các không gian ảo 3D khác nhau.
Trong giáo dục, VR/AR sử dụng công nghệ phủ thông tin giác quan vào thế giới thực nhằm nâng cao khả năng học kỹ năng mới và hiểu biết về các khái niệm phức tạp qua hình ảnh trực quan và sự tương tác. Đặc biệt hơn, với VR/AR, giáo viên và học sinh có thể gặp nhau bất kể vị trí trong thế giới thực của họ. Từ đó, giáo viên có thể truyền đạt kiến thức của mình đến học sinh một cách chân thực hơn. Giáo viên không chỉ có thể nói về khám phá của họ mà còn có thể cho học sinh xem và nhập vai trong môi trường 3D.
Hai “ông lớn” công nghệ là Apple và Meta được cho là đang ứng dụng thực tế tăng cường trong giáo dục để mang đến trải nghiệm học tập phong phú hơn bằng cách miêu tả ở dạng mô hình 3D, để học sinh hiểu rõ hơn về quy mô và tính năng. Mô hình 3D này thường được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hóa học, giải phẫu, sinh học, lịch sử, thiên văn học…
Theo itransition.com, báo cáo chung của UNESCO, UNICEF và Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ trẻ em sống trong môi trường giáo dục chưa phát triển tại các nước có thu nhập trung bình và thấp đạt 70%. Dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng như việc học sinh không quan tâm đến giáo dục là một trong những lý do quan trọng nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng giáo dục, nhưng việc ứng dụng công nghệ AR giữ vai trò quan trọng trong việc biến học tập trở nên hấp dẫn hơn, tăng động lực cho học sinh vài cải thiện kết quả. Đó là lý do vì sao các tổ chức giáo dục tiên tiến đang tìm cách hợp tác với các nhà phát triển AR/VR như Apple và Meta để chuyển đổi trải nghiệm học tập.
Vai trò của giáo viên khi AI “lên ngôi”
“Chúng ta đang chứng kiến những đột phá đáng kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian gần đây. Là những người làm giáo dục, chúng ta đều thấy cần phải nghĩ, phải hiểu và làm những việc cần thiết khi AI đang lan tỏa rất nhanh tới giáo dục,” phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của giáo dục” ngày 28-29/02/2024.
Áp dụng AI trong giáo dục là một bước quan trọng để nâng cao hiệu suất và trải nghiệm học tập của học sinh cũng như cải thiện hiệu suất làm việc của giáo viên, giúp học tiết kiệm đến 50% thời gian. Vì thế, AI không phải là sự thay thế cho con người, mà là một công cụ hỗ trợ giúp tối ưu hóa quy trình và cung cấp dữ liệu quan trọng để đưa ra quyết định thông minh.
AI cung cấp giáo dục cá nhân hoá, hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong khâu chuẩn bị bài giảng, đồng thời giúp học sinh trở nên tự tin, chủ động học tập hơn. Khả năng này của AI, cùng với môi trường mới như hiện nay, hoàn toàn có thể hỗ trợ nền giáo dục Việt Nam phát triển tốt hơn nữa.
Không giới hạn trong việc quản lý, AI còn có tiềm năng thay đổi cách giảng dạy và học tập diễn ra. Các giáo viên có thể sử dụng thông tin và dữ liệu từ AI để tùy chỉnh phương pháp giảng dạy theo nhu cầu riêng của từng học sinh. Điều này giúp tạo ra môi trường học tập cá nhân hóa và nâng cao hiệu suất học tập.
AI có thể đóng vai trò là một người gia sư, thay vì trả lời trực tiếp và giải luôn bài tập cho học sinh, công cụ này đưa ra các gợi ý, kiến thức liên quan tới vấn đề, từ đó giúp các em tìm được hướng giải quyết. Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh được trao quyền để giám sát nội dung trao đổi giữa học sinh với AI, đảm bảo các em sử dụng đúng mục đích học tập. Đây là cách AI vừa hỗ trợ việc học, lại không khiến học sinh mất động lực.
Theo học giả Rosalina Laskova chia sẻ: “Mỗi quốc gia có tình hình triển khai thực tế khác nhau nhưng cách thực hiện hiệu quả nhất chính là chú trọng vào việc hỗ trợ giáo viên. Bởi vì chúng ta không thể có kết quả giáo dục tốt mà không có yếu tố này. Và đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Ít nhất là ở quốc gia của tôi, các cuộc thảo luận không chỉ xoay quanh điều này, mà đặc biệt là về chất lượng đào tạo giáo viên, hỗ trợ giáo viên để họ có thể đảm nhận vai trò mới của họ, vai trò của người hướng dẫn”.
Ông Rosalina Laskova cũng dẫn chứng trường hợp nghiên cứu tại Macau để thấy rằng rất nhiều giáo viên của họ dành ít thời gian hơn cho việc giảng dạy. Họ sử dụng nhiều thời gian hơn để liên lạc với phụ huynh, để xây dựng mối quan hệ. Bởi vì đây cũng là một khía cạnh rất thú vị khác mà nảy ra từ các kết quả, mà không có sự hỗ trợ từ phụ huynh, một giáo viên không thể làm nhiều. Hoặc trường hợp tại Wales họ không cải cách giáo dục nhỏ lẻ mà thực hiện cải cách toàn bộ hệ thống và đồng bộ – về chương trình học, sự chuẩn bị và chất lượng giáo viên, năng lực lãnh đạo, kiểm tra đánh giá …
Hành trình của AI trong giáo dục vẫn đang trong giai đoạn đầu, và chúng ta, những người quản lý giáo dục, cần dẫn đầu và khám phá tiềm năng của nó. Hãy chấp nhận cuộc biến đổi kỹ thuật số này và hình thành tương lai giáo dục tốt hơn cho thế hệ tương lai.
Tổng hợp