Bệnh vặt là tình trạng thường gặp đối với trẻ nhỏ, nhất là những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi. Nhiều bố mẹ thường chủ quan vì những căn bệnh “thường niên” này. Tuy nhiên, chính sự chăm sóc thiếu cẩn trọng của phụ huynh sẽ khiến bé lâm vào tình trạng bệnh kéo dài, ảnh hưởng cho sự phát triển về sau của trẻ.
Giai đoạn chuyển mùa từ mùa nắng sang mùa mưa bão là thời điểm bé dễ bị bệnh bởi thời tiết biến đổi thất thường, độ ẩm trong không khí tăng cao. Môi trường này cực kỳ lý tưởng cho nấm mốc, vi-rút và các loại vi khuẩn sinh sôi. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có đề kháng chưa hoàn thiện, đây chính là “thủ phạm” gây ra các bệnh đường hô hấp, rối loạn tiêu hoá, hoặc các bệnh ngoài da phổ biến. Chuyển mùa kết hợp ốm vặt dễ dẫn đến biếng ăn, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Vậy nên để cải thiện tình trạng trẻ thường bệnh vặt vào mùa mưa, mẹ cần lưu ý những điểm sau.
Bệnh vặt là nỗi lo của nhiều phụ huynh
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Giữ vệ sinh là cách để phòng ngừa những bệnh vặt
Môi trường ẩm thấp, kém vệ sinh là điều kiện tốt cho nấm mốc và các vi khuẩn, virus phát triển khiến trẻ có thể bị viêm mũi, xoang, họng, viêm phế quản… Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đồ đạc, giường chiếu… để phòng bệnh cho bé.
Cha mẹ nên rèn cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi vệ sinh, chơi với động vật… Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể trực tiếp rửa tay cho bé, vệ sinh và tắm rửa bằng xà phòng. Bên cạnh đó, những người trực tiếp chăm sóc, thường xuyên tiếp xúc với trẻ cũng cần có ý thức vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng.
Đảm bảo dinh dưỡng
Trẻ mắc bệnh vặt nguyên nhân chính thường do sức đề kháng yếu. Việc tăng sức đề kháng cho trẻ bằng việc bổ sung chất dinh dưỡng là vô cùng cần thiết. Một số loại thực phẩm bố mẹ cần lưu ý như: hải sản, nấm, rau xanh, trái cây.
Hải sản như cá, tôm, cua, mực, sò, ngao,… kích thích tế bào bạch cầu sản xuất cytokine – loại protein trừ khử vi rút khỏi cơ thể. Những loại cá càng giàu axit béo omega 3 như cá hồi, cá ngừ,… càng có khả năng giảm nhiễm trùng, bảo vệ phổi khỏi những đợt cảm lạnh và viêm đường hô hấp. Nấm là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa, hầu hết các loại nấm đều giúp bé tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, rau xanh, trái cây, sữa chua cũng là những loại đồ ăn giúp bé phòng bệnh vặt tốt. Tùy theo mỗi độ tuổi, hàm lượng thức ăn và cách chế biến cũng sẽ khác nhau. Lưu ý, thức ăn và đồ uống của bé cũng cần được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chế độ sinh hoạt điều độ
Ngủ đủ giấc và uống đủ nước là một trong những điều kiện tiên quyết giúp bé có một sức khỏe ổn định. Thiếu ngủ và thường xuyên mệt mỏi, hệ miễn dịch của bé sẽ suy yếu, khó tránh khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Phụ huynh nên cho bé ngủ sớm trước 22h và hình thành thói quen dậy sớm cho trẻ. Bên cạnh đó, một giấc ngủ trưa ngắn cũng giúp trẻ có năng lượng hơn cho buổi chiều. Uống nước nhiều, ăn cơm đúng giờ, không ăn nhiều đồ ăn vặt độc hại cũng là cách phòng tránh những bệnh vặt. Đặc biệt, bố mẹ không nên để bé uống nước lạnh quá nhiều khi thời tiết thay đổi, điều này dễ khiến bé ho hoặc bị cảm.
Tăng cường vận động
Vận động nhiều giúp bé tăng sức đề kháng
Vận động luôn được khuyến khích đối với trẻ ở mọi lứa tuổi. Nếu thời tiết đẹp, phụ huynh có thể cho bé tắm nắng và vận động ngoài trời, cùng trồng cây, chăm sóc vật nuôi để cơ thể được tiếp thu ánh sáng mặt trời, tăng đề kháng cho trẻ. Nếu thời tiết xấu, bố mẹ hạn chế cho bé ra ngoài và thay bằng những trò chơi hay bài tập vận động đơn giản trong nhà. Tập thể dục cũng giúp bé dẻo dai, linh hoạt và có tinh thần tốt hơn, hạn chế mắc phải bệnh vặt.
Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để bùng phát các dịch bệnh. Thời điểm này, nhiều trẻ em và cả người lớn có thể cùng đồng loạt nhiễm các virus gây bệnh đường hô hấp. Thậm chí, những người hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị bệnh, nhưng vẫn có thể mang virus đang trong giai đoạn ủ bệnh.
Vì hô hấp là bệnh dễ dàng lây lan, nên việc đưa con tới những nơi đông người có thể làm tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc với mầm bệnh, dẫn tới nhiễm các virus, vi khuẩn gây bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh còn có thể được thực hiện bằng cách, cần phải vệ sinh sạch sẽ những nơi trẻ thường tiếp xúc như giường ngủ, đồ chơi, sàn nhà và vệ sinh phòng ngủ cho trẻ, đeo khẩu trang khi ra đường,…
Tiêm phòng để hạn chế bệnh vặt
Tiêm chủng là biện pháp thiết lập hệ miễn dịch chủ động cho trẻ, giúp cơ thể tập dượt cách chống lại các bệnh nguy hiểm. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa như: cúm, rubella, viêm phổi do phế cầu, sởi, ho gà…
Tùy mỗi độ tuổi, bố mẹ sẽ có nhiều cách bảo vệ con khác nhau. Song đừng bao giờ xem thường bệnh vặt và nhớ áp dụng những biện pháp trên để phòng bệnh cho bé nhé!
Ý NHUNG