Đại Học
26/03/2021

Dấu ấn của Chính phủ về cải cách thể chế và chính phủ điện tử mở

 Bắt đầu nhiệm kỳ mới 2016-2021 với thử thách đầy sóng gió là sự cố môi trường Formosa, chẳng những giải quyết êm thấm thử thách này, mà trong năm năm, Chính phủ đã để lại dấu ấn sâu sắc về cải cách thể chế và thay đổi cách tiếp cận về chính phủ điện tử, đặt nền móng cho việc tiến vào kỷ nguyên số một cách vững chắc.

pgs ts vo tri hao

PGS.TS. Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Đại học Gia Định (GDU), Trọng tài viên VIAC. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cải cách thể chế hành chính

Đổi Mới 1986 bắt đầu bằng việc cải cách thể chế kinh tế, thay đổi quy định về quyền sử dụng đất đai, quy tắc phân phối của cải từ mô hình “hợp tác xã bậc cao” sang “để cho người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ”, từ “kế hoạch hoá tập trung” sang bàn tay vô hình của kinh tế thị trường.

Cải cách thể chế kinh tế thiếu đồng bộ với cải cách thể chế hành chính, chính trị, khiến cho thành tựu Đổi Mới bắt đầu giảm tốc kể từ 2010; “bàn tay vô hình” bị chặn lại, bẻ cong bởi vô vàn điều kiện kinh doanh vô lý, thủ tục hành chính tốn kém.

Kinh tế thị trường với bản tính phi tập trung, cạnh tranh của nó như “con ngựa hoang” dũng mãnh, sẵn sàng hất tung ông chủ xuống đất nếu không đóng cho nó bộ dây cương; điều đó khiến danh sách các đại án ngày càng dài, càng phức tạp.

Đúng lúc đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và khởi xướng “cải cách thể chế”, với trọng tâm là thể chế hành chính. Hiến pháp 2013 đã viết lại quyền tự do kinh doanh, không phải theo tinh thần “chỉ được làm những gì luật cho phép”, mà theo tinh thần “được làm tất cả những gì luật không cấm”; Luật Đầu Tư, Luật Doanh nghiệp cũng được viết lại theo tinh thần này; nối tiếp tinh thần này, hàng loạt quy hoạch (quy hoạch cây xăng, quy hoạch văn phòng công chứng) được bãi bỏ nhằm tạo ra sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ; các nhóm lợi ích muốn dựng lên “rào cản tham gia thị trường” trở nên khó hơn; các “giấy phép con” được cắt bỏ triệt để hơn, việc mọc ra “giấy phép cháu” thay thế trở nên khó hơn. Chính phủ mới đã thổi vào một làn gió về “cải cách thể chế”, “quốc gia khởi nghiệp”, “tự cường dân tộc”.

Cũng trong nhiệm kỳ này, quy luật “bàn tay vô hình” được thừa nhận ở mức độ mới, thay vì cản trở, thì tôn trọng sự dịch chuyển tư liệu sản xuất một cách tự nhiên từ bàn tay khai thác kém hiệu quả sang bàn tay khai thác hiệu quả hơn; kinh tế tư nhân lần đầu được ghi nhận là “động lực quan trọng”. Chính các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đã chứng tỏ khả năng tự lực bước đầu trong sản xuất ô tô, điện thoại thông minh; đủ năng lực canh tranh quốc tế với các đối thủ nước ngoài khi WTO, CPTPP và hàng loạt các FTA phá tan những cánh cổng bảo hộ truyền thống.

Những đột phá của Chính phủ nhiệm kỳ này rất ấn tượng; nhưng chỉ có thể bền vững khi thu hút sự tham gia của toàn dân; khi mỗi người dân đều có quyền khởi kiện một văn bản quy phạm pháp luật đặt ra điều kiện kinh doanh vô lý ra toà án hành chính. Khi đó, báo chí và Chính phủ mới có thể dành thời gian, nguồn lực cho những nhiệm vụ to lớn hơn, cho những trọng tâm mới. Muốn vậy, nút thắt ở Luật Tố tụng Hành chính cần được cởi trong nhiệm kỳ tới.

Chính phủ điện tử mở

Từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, Chính phủ đã ý thức được sức mạnh và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên lúc đó ý niệm về “chính phủ điện tử” chưa rõ ràng và do không hiểu rõ về nó, cho nên lại bắt đầu bằng đề án mua sắm phần cứng (máy tính) thay vì bắt đầu cải cách thể chế để số hoá dữ liệu quản lý.

Cùng với sự phát triển của internet, nhất là sự phổ biến và hạ giá thành của mobile internet, Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã đẩy mạnh “Chính phủ điện tử”. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng nhiều lợi ích; các thành tựu dừng lại ở mức “show case” (trường hợp điển hình). “Chính phủ điện tử” ở giai đoạn này về cơ bản còn mang tính phong trào, triển khai bởi các dự án rời rạc, thiếu tính kết nối, tính kế thừa, tính liên thông dữ liệu; mạnh ai nấy làm. Bởi vậy, một nền hành chính không thể vận hành trơn tru dựa trên các dự án vận hành chập chờn, đơn độc này được.

Bước sang Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, “chính phủ điện tử” đã được thể chế hoá thành các quyền và nghĩa vụ của các cơ quan hành chính; có mục tiêu, lộ trình, tiêu chuẩn được đặt ra rõ ràng; tầm nhìn liên thông dữ liệu toàn quốc; các cổng kết nối toàn quốc được ban hành. Quan trọng nhất, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 thúc đẩy “chính phủ điện tử” bắt đầu từ số hoá dữ liệu; không phải bắt đầu từ mua sắm máy móc thiết bị hay đường truyền vật lý.

Kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021, chữ ký số đã phổ biến tới hầu hết các sở, phòng, ban; dịch vụ công đã tiến tới cấp độ 3 trong rất nhiều lĩnh vực; Luật Doanh nghiệp 2020 đã chấp nhận doanh nghiệp chỉ có con dấu số, không cần phải đi “khắc dấu” nữa. Đặc biệt, Bộ Công an cam kết sẽ hoàn thành Dữ liệu công dân trong năm 2021 này.

“Chính phủ điện tử” không sinh ra để đóng kín lại giữa các cơ quan, công chức với nhau, mà nó phải công khai, “trong suốt” như lồng kính để công dân có thể giám sát và phải “mở” để cho các startup có thể khai thác thương mại hoá các dữ liệu trên cơ sở bảo đảm quyền riêng tư bằng các thuật toán trước khi chuyển giao khai thác thương mại hoá, đóng góp bổ sung cho ngân sách và đa dạng hoá tài nguyên số.

 

PGS.TS. Võ Trí Hảo

Hiệu trưởng Đại học Gia Định (GDU), Trọng tài viên VIAC

Nguồn: baochinhphu.vn

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Bước tiến mới trong đào tạo lĩnh vực AI & Blockchain cho sinh viên GDU

Ngày 5/12/2024, Trường Đại học Gia Định (GDU) đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn và tọa đàm chuyên đề “Ứng dụng Blockchain và AI trong học tập – Động lực chuyển mình và cơ hội phát triển”. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến […]