Nghịch cảnh từ… điểm số
Tiếng trống trường tan học vang lên, các bạn ùa ra khỏi lớp, riêng Anh Thư vẫn ngồi tại chỗ, mắt nhìn chằm chặp vào bài kiểm tra trên bàn, từng giọt nước mắt rơi xuống gương mặt đầy lo lắng của em. Bài kiểm tra toán lần này em chỉ đạt 6 điểm. Không phải do đề khó mà vì trong một phút bất cẩn, em đã tính toán nhầm dẫn đến kết quả sai. Em rất tiếc cho bài kiểm tra, nhưng đó không phải lý do khiến em lo lắng đến nỗi không dám rời khỏi lớp.
Em sợ đối mặt với bố! Những trận đòn và lời trách móc khi em bị điểm kém đã ám ảnh em mỗi lần nghĩ đến. Trường hợp của Anh Thư không hiếm. Rất nhiều các bậc phụ huynh vẫn cho rằng điểm số là tất cả. Con phải đạt điểm cao, là học sinh giỏi, thành tích tốt để có hồ sơ đẹp, hay đơn giản cũng chỉ là để bố mẹ “khoe” với xã hội. Áp lực từ điểm số đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ học sinh.
Nỗi sợ hãi ấy theo các em suốt chặng đường tuổi thơ. Rất nhiều những trường hợp đau lòng từ áp lực của bố mẹ lên con cái, khiến các em bị lệch lạc tâm lý, trầm cảm, tự kỷ rồi dần dần đưa đến những hành động thiếu suy nghĩ. Tuấn Nam, một học sinh ngoan, giỏi, luôn được bố mẹ khoe về thành tích học tập, là mẫu “con nhà người ta” của nhiều gia đình. Đột ngột một ngày, em đã tự kết thúc cuộc đời mình khi chỉ mới 16 tuổi. Trong lá thư tuyệt mệnh, em đã nói đến nỗi sợ hãi về những áp lực thành tích mà cha mẹ luôn muốn em phải đạt được.
Em đã đuối sức và mệt mỏi, vì em không thể tiếp tục được nữa, từ nhỏ đến lớn em chỉ làm theo những yêu cầu của cha mẹ mà chưa hề một lần em được sống cho chính mình. Em chỉ muốn được vui chơi như các bạn cùng lớp, nhưng thời gian biểu của em chỉ có học, học và học. Như giọt nước tràn ly, trong đợt kiểm tra học kỳ, do không đạt điểm tốt, em sợ hãi và đã chọn cách tự giải thoát, để lại bao nỗi xót thương và ân hận cho bậc làm cha, làm mẹ.
Điểm số có phải mục tiêu của giáo dục?
Sự kỳ vọng quá cao vào con cái, hay nói đúng hơn là sự áp đặt những chuẩn mực theo ý chí của cha mẹ lên các em mà không thấu hiểu những áp lực, suy nghĩ hay khả năng của con trẻ là những nguyên nhân dẫn đến bao nghịch cảnh đáng tiếc. Điểm số có thực sự quan trọng đến như vậy? Nó có phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực của học sinh? Rất nhiều các cuộc thảo luận, hội thảo chuyên sâu về vấn đề này đã được tổ chức trong và ngoài nước.
Tất nhiên, không ai phủ nhận việc lấy điểm số làm tiêu chuẩn để đánh giá kết quả giáo dục. Không chỉ trong ngành “gõ đầu trẻ”, dù là lĩnh vực nào cũng cần phải có thang đo tiêu chuẩn để đánh giá, nhận định, phân tích và đưa ra các hoạch định, giải pháp để hoàn thiện, phát triển. Đôi khi điểm số cũng là niềm vui của con trẻ.
Rất nhiều bạn nhỏ điểm số trên lớp rất cao, nhưng khi bước chân ra đường, con bị ngã, bị lạc đường hay gặp phải một sự cố nào đó lại không thể giải quyết. Con có khả năng tự vệ trước những nguy hiểm không, có thể tự nấu cho mình một bát mì khi mẹ vắng nhà không, tự tập thể dục mỗi sáng mà không cần nhắc nhở không,… Tất thảy những điều này quan trọng hơn những con điểm. Và nhiệm vụ của giáo dục không chỉ là vẽ nên những con điểm mà là giúp con có được những kỹ năng, sống có trách nhiệm, biết yêu thương.
Làm sao để giải tỏa ám ảnh “điểm số” cho con?
Albert Einstein từng nói rằng: “Mọi người đều là thiên tài… Nếu bạn đánh giá con cái bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”. Trên chặng đường nuôi dưỡng thể chất và phát triển tâm hồn cho trẻ thơ, điều quan trọng nhất không phải thành tích con đạt được mà là làm sao giúp con nhận ra được giá trị của chính mình. Hơn ai hết, trên chặng đường ấy, cha mẹ là người vô cùng quan trọng và chịu trách nhiệm cuối cùng.
Thay vì phó thác việc giáo dục cho nhà trường, thầy cô, kiểm soát con bằng điểm số, bằng kết quả học tập, việc quan tâm, gần gũi, thấu hiểu tâm sinh lý con trẻ mới là điều quan trọng mà các bậc phụ huynh cần chú trọng. Câu chuyện về người mẹ tuyệt vời của thiên tài nhân loại Thomas Edison vẫn còn nguyên giá trị và là nguồn truyền cảm hứng về tình yêu thương và giáo dục con cái ở mọi thời đại.
Mỗi ngày sau giờ học, thay vì hỏi “con thi được bao nhiêu điểm”, bố mẹ cần quan tâm rằng: “ngày hôm nay ở trường có gì vui không con” hoặc “kể cho ba/mẹ nghe, con đã học được gì hay ở trường”. Đừng để điểm số trở thành nỗi ám ảnh trong con trẻ, và cũng đừng để nó trở thành bức tường ngăn cách tình cảm gia đình, tình yêu thương dành cho con cái.
LEE