Bộ môn giáo dục nghệ thuật thị giác vừa chính thức được đưa và chương trình đào tạo tại Thành phố giáo dục Quốc tế – IEC Quảng Ngãi (IEC Quảng Ngãi), đặc biệt dành cho các em ở độ tuổi mầm non.
Giáo dục nghệ thuật thị giác là lĩnh vực học tập và nghiên cứu dựa trên các loại hình nghệ thuật bao gồm như vẽ, sơn, điêu khắc, in ấn và thiết kế trong các lĩnh vực trang sức, thời trang, gốm sứ, dệt, thiết kế mẫu vải… “Đây là một giáo trình tương đối hoàn hảo về giảng dạy nghệ thuật thị giác dành cho các em từ hai đến năm tuổi với đầy đủ những điều kiện trong tiến trình đặt nền móng cho nhân cách; vì vậy, trẻ được hướng dẫn khám phá thế giới bên ngoài với tất cả chiều kích. Song song đó, trẻ được định vị chỗ đứng của mình trong thế giới này khi cố gắng tạo ra sự liên đới và tương quan; bởi trong tương quan với thế giới và cộng đồng, các em nhận ra mình là một chủ thể sáng tạo độc lập.
Bằng việc phân tích toàn diện về màu sắc, hình thái, nét vẽ… của những bức họa được trẻ tạo ra khi ứng dụng giáo trình giáo dục nghệ thuật thị giác vào giảng dạy, thầy cô có thể nhận định chính xác tâm lý và tính cách của trẻ. Nhờ thế, việc đào tạo nhân cách sẽ thành công hơn”, GS. Joseph Trần – Chuyên gia tâm lý trường Đại học Pháp, Nguyên giám đốc trung tâm đào tạo giới trẻ Saint-Grégoire, Pháp nhận xét giáo trình giảng dạy nghệ thuật thị giác của trường SGA, IEC Quảng Ngãi.
Việc đưa chương trình giáo dục nghệ thuật vào các cấp độ giáo dục – đào tạo nên được quan tâm, xem xét và đánh giá một cách nghiêm túc với mục đích phát triển con người toàn diện và tạo ra những giá trị tích cực góp phần vào sự xây dựng và phát triển chung cho xã hội. Hơn hết, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quy trình sáng tạo của học sinh là điều cần thiết trong việc phát huy tính tối đa khả năng học tập và trải nghiệm nghệ thuật.
Đức Toàn