Đào tạo chỉ mới đáp ứng số lượng gần 40% nhu cầu
PV: Thưa giáo sư, bà nhận định đâu là khoảng cách giữa đào tạo của các trường và thị trường về nguồn nhân lực ngành du lịch?
– GS.TS. Mai Hồng Quỳ: Thời điểm hiện tại, tôi cho rằng nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam tương đối dần đáp ứng yêu cầu do số lượng cơ sở đào tạo về du lịch đã phát triển nhiều hơn. Nhưng tôi cho rằng hiện nay nguồn nhân lực cho du lịch vẫn thiếu vì một năm trung bình chúng ta cần 40.000 nhân lực trong khi 346 cơ sở với 115 trường đại học và cao đẳng trên cả nước, mới chỉ cung cấp 15.000 mà thôi. Về chất lượng, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu.
PV: Và làm thế nào để nâng cao chất lượng, thưa bà?
– GS.TS. Mai Hồng Quỳ: Thứ nhất, nói về nguồn nhân lực cho du lịch thì ngoại ngữ phải là yếu tố tiên quyết. Và thứ hai là còn yếu về thái độ – điều quan trọng nhất trong ngành này. Thái độ ở đây không phải là thái độ phục vụ khách hàng mà là nhân sinh quan, thế giới quan, quan niệm, cách tiếp cận đối với vấn đề làm du lịch, chứ không phải là thái độ phục vụ khách hàng.
Đối với du lịch là hãy nghỉ lớn
PV: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đòi hỏi ở nguồn nhân lực những kỹ năng mới nào?
– GS.TS. Mai Hồng Quỳ: Vào thời điểm “Internet of thing”, mọi người có thể ngồi ở nhà truy cập và tìm hiểu, tiếp cận với các di tích, các điểm đến du lịch. Điều này sẽ tạo ra cú hích, thúc đẩy nhu cầu được đến tham quan những nơi này sẽ tăng lên. Và dĩ nhiên điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Du lịch, cụ thể là đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch.
Nếu trước đây, một người làm du lịch hoặc các cơ sở đào tạo về du lịch, chỉ cần giới thiệu thông tin là đủ. Nhưng bây giờ, cách tiếp cận đó không còn phù hợp nữa. Các giảng viên không cần giới thiệu, mà chỉ cần một click chuột có thể biết tất cả những thông tin. Như vậy, vấn đề đào tạo ở đây là đào tạo tư duy và cách tiếp cận, cách phát hiện vấn đề và cởi mở tầm nhìn của mình ra. Trong mọi trường hợp đối với du lịch là Hãy nghĩ lớn – Think Big.
AN NGỌC