Tọa đàm dưới sự chủ trì của cố vấn nghệ thuật, nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng sự tham dự của: nghệ sĩ cải lương NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Phương Hồng Thủy; nghệ sĩ đệm đàn Văn Môn, NSƯT Hải Phượng; chị Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Chương trình Nghệ thuật và Công nghiệp Sáng tạo, Hội đồng Anh; GS. Hugo Frey – Trưởng khoa Xã hội học và cô Suzanne Joinson – nhà văn, giảng viên cao cấp về viết sáng tạo là hai chuyên gia dân tộc học đến từ Đại học Chichester, Vương quốc Anh và đông đảo giảng viên, sinh viên HSU, các trường đại học, cao đẳng địa bàn TP.HCM, những người yêu nghệ thuật cải lương.
Kinh nghiệm quốc tế từ Anh quốc đến Việt Nam
Mở đầu tọa đàm, GS. Hugo Frey và cô Suzanne Joinson – hai chuyên gia dân tộc học đến từ trường Đại học Chichester, Vương quốc Anh đã giới thiệu về dự án “Nghiên cứu lịch sử truyền khẩu sân khấu Cải lương” và chia sẻ các kỹ năng, kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện 10 ngày tại vùng Tây Nam Bộ – cái nôi của cải lương Việt Nam.
Dự án được thực hiện bằng việc phỏng vấn nhiều câu hỏi với nhiều người từ nhiều độ tuổi khác nhau, bao gồm những người làm trong nghề (nghệ sĩ, soạn giả, nhạc công, đạo diễn, thiết kế phục trang…) và cả những khán giả yêu cải lương. GS. Hugo Frey cho biết, những người được phỏng vấn đều trả lời lần đầu tiên biết/ yêu cải lương là do truyền thống gia đình, coi trên tivi trắng đen, ký ức làm văn công tiếp xúc với cải lương… cũng tương tự nghệ thuật truyền miệng ở Anh.
Bảo tồn văn hóa truyền thống trong thời đại hội nhập
Sau phần chia sẻ dự án nghiên cứu, câu hỏi “nguyên nhân nào khiến cải lương mai một?” của một khán giả đã khiến tọa đàm sôi nổi hơn. GS. Hugo Frey cho rằng “cải lương cũng như các loại hình giải trí khác, có lúc lên và có lúc xuống. Ngày nay, cải lương phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác như phim ảnh…”.
Đồng ý với quan điểm này nhưng theo nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc và các nghệ sĩ, thì cải lương cần gói gọn trong một bối cảnh, văn hóa, vì vậy, phải chấp nhận sự phát triển tương thích với thời đại, khán giả ngày nay cũng dễ dàng tìm thấy cải lương trên internet để thưởng thức, không nhất thiết phải đưa cải lương vào nhà hát. Một số sinh viên tham dự tọa đàm chia sẻ, các bạn lớn lên ở miền Tây Nam bộ – cái nôi cải lương, yêu cải lương như lời ru của mẹ. Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc khẳng định: “Ai còn yêu Việt Nam thì còn yêu nghệ thuật cải lương.
Thế giới rất trân trọng văn hóa Việt Nam nhưng nhiều bạn trẻ bây giờ lại không thấy được điều đó”. Tại buổi tọa đàm, các nghệ sĩ tham dự đã biểu diễn những trích đoạn cải lương nổi tiếng. NSƯT Phương Hồng Thủy thể hiện 2 trích đoạn cải lương: vai Lan trong vở “Chuyện tình Lan và Điệp” và vai Cầm Thanh trong “Tâm sự cô đào hát”; NSƯT Mỹ Hằng thể hiện sáng tạo trong vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga (vở diễn cùng tên) với sự đệm đàn của hai nghệ sĩ: Văn Môn, Hải Phượng.
HOÀNG NGUYỄN