Còn nhiều bất cập
Tuy vậy, mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục MN trên địa bàn TP. Nha Trang vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Số lượng trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của phụ huynh học sinh. Một số địa phương luôn nằm trong tình trạng quá tải như: Phước Đồng, Vĩnh Hải, Vĩnh Lương, Vĩnh Nguyên, Phước Long, Vĩnh Thạnh, Vạn Thạnh, Xương Huân… Quỹ đất giành cho giáo dục MN hạn chế nên thiếu sân chơi, vườn trường cho trẻ hoạt động. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều cơ sở giáo dục MN tư thục nhỏ lẻ, có nguy cơ không đảm bảo an toàn. Cơ sở vật chất, phòng học một số trường xuống cấp; trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập. Đặc biệt, cả thành phố chỉ có 18 trường MN đạt chuẩn quốc gia trên tổng số 44 trường MN công lập.
Theo ông Trần Nguyên Lập – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang, chỉ tiêu biên chế giao cho ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục MN không đảm bảo định biên theo Thông tư 06 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện thành phố chỉ đạt 2 giáo viên/1 nhóm lớp). Một số trường thiếu giáo viên, nhân viên định biên so với quy định, chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ tại các nhóm lớp, nhất là ở các xã, phường như: Vĩnh Lương, Vĩnh Hòa, Vĩnh Trung, Phương Sơn, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Trường, Vĩnh Thái… Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên nấu ăn còn thiếu, chính sách đãi ngộ đối với nhân viên nấu ăn chưa thỏa đáng và còn nhiều bất cập, chế độ lao động tạm thời, thiếu ổn định nên ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các trường MN.
Đề ra các giải pháp
Mới đây, TP. Nha Trang đã ban hành Kế hoạch phát triển giáo dục MN giai đoạn 2018 – 2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% trẻ độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ độ tuổi mẫu giáo, trong đó hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đến trường; 95% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên; 95% đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; đảm bảo các chính sách cho giáo viên, nhân viên hợp đồng ổn định đời sống và yên tâm công tác. Đồng thời, phấn đấu 60% trường MN đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục (trong đó có ít nhất 8 trường đạt chuẩn mức độ 2); tất cả các trường, nhóm, lớp có đủ và đồng bộ đồ dùng, đồ chơi trong lớp và ngoài trời.
Để đạt mục tiêu đó, thành phố đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, tập trung rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; huy động nguồn lực, lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho giáo dục MN; ưu tiên đầu tư kinh phí sửa chữa, xây dựng các cơ sở giáo dục MN công lập ở các xã, phường có điều kiện khó khăn. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Đề án tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện để huy động trẻ nhà trẻ từ 12 – 36 tháng tuổi đến trường và tiếp tục thực hiện Đề án xã hội hóa cơ sở vật chất giáo dục MN giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn thành phố. TP. Nha Trang cũng chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu tập trung đông dân cư. Cùng với đó là nhiều giải pháp nhằm đổi mới công tác quản lý giáo dục MN, đổi mới chương trình giáo dục MN, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ…
TP. Nha Trang hiện có 72 trường MN (44 trường công lập, 28 trường tư thục) và 176 nhóm, lớp MN tư thục đã được cấp phép. Những năm qua, công tác quản lý các cơ sở giáo dục MN đã được tăng cường và đi vào nề nếp. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và vượt chuẩn cao góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngành học MN của thành phố luôn giữ vị trí dẫn đầu trong toàn tỉnh. Công tác phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi được duy trì hàng năm.