Đổi mới phương pháp dạy học luôn là thử thách lớn với các thầy cô giáo. Đặc biệt với một môn Ngữ Văn học mang tính truyền thống và cảm xúc như Ngữ văn. Cùng Human điểm qua những “bí quyết” giúp những tiết học Ngữ văn thêm thú vị nhé.
Với sự phát triển của giáo dục hiện đại, những phương pháp dạy học cũ sẽ không còn thu hút học sinh, một người giáo viên hiện đại, hội nhập quốc tế phải luôn cập nhật những kiến thức và cả kỹ năng dạy học mới. Dưới đây là 6 bí quyết để giúp các thầy cô giáo làm sinh động hơn những tiết học ngữ văn của mình.
Sử dụng phương pháp đồ họa trong tiết Ngữ Văn
Hình ảnh sẽ luôn thu hút hơn các câu chữ, nếu để học sinh đọc một bài văn sẽ gây cảm giác nhàm chán, thay vào đó, giáo viên có thể để các em tự thiết kế, vẽ tranh, sáng tạo các tác phẩm văn học bằng phương pháp đồ họa sẽ làm bài học trở nên thu hút hơn.
Đây cũng là phương pháp thống kê dữ liệu rất sinh động, hỗ trợ học sinh ôn bài hiệu quả thay vì phải ngồi “học tủ” hay học thuộc lòng hàng trăm bài viết với khối kiến thức khô khan. Các em có thể thống kê tại thông tin của tác phẩm bằng cách đồ họa chân dung, thông tin tác giả, ý chính của bài viết, quá trình phát triển câu chuyện,…
Tận dụng công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin hỗ trợ việc giảng dạy trong tất cả các môn học và Ngữ văn cũng không ngoại lệ. Kể chuyện thông qua các hình ảnh minh họa, các thước phim tư liệu, hoặc những bài thơ được phổ thành nhạc sẽ giúp các tiết học thú vị hơn.
Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng nên tận dụng việc thiết kế bài giảng sinh động bằng các ứng dụng powerpoint, paint, infographic,… sẽ giúp bài giảng của các thầy cô trở nên sinh động. Giáo viên cũng có thể cho học sinh làm bài tập nghiên cứu tài liệu thông qua internet, các ứng dụng học tập thay vì chỉ đọc sách và luyện viết như trước đây.
Gia tăng làm việc nhóm, vấn đáp, đàm thoại
Việc giáo viên giảng bài học sinh ghi chép đã là phương pháp dạy từ xưa. Ngày nay, việc đổi mới các phương pháp dạy và học, giúp học sinh chủ động, thực hành, thỏa sức sáng tạo được ưu tiên hàng đầu. Giáo viên có thể để học sinh sắm vai, đóng kịch, đối thoại với nhau trong các câu chuyện trong môn Ngữ Văn học. Để học sinh từ giảng bài, tự đặt câu hỏi và tranh luận với nhau cũng giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả, phát triển kỹ năng biện luận, làm việc nhóm.
“Thực tế hóa” các câu chuyện
Việc liên kết các câu chuyện với nhau hoặc liên kết bài học ra đời sống thực tế sẽ giúp câu chuyện “đáng tin” và dễ tiếp thu hơn. Thay vì kể về những câu chuyện xa xưa, các thầy cô có thể đặt tình huống đó trong xã hội hiện nay, thậm chí cho học sinh sáng tạo, viết lại cái kết mới của câu chuyện. Để các bạn thoát li khỏi trường lớp, khám phá những địa điểm bên ngoài để có thêm cảm hứng cho các câu chuyện cũng giúp giờ học bớt nhàm chán. Một số trường học hiện nay cũng áp dụng phương pháp cho học sinh đi thực tế bên ngoài sau đó viết bài trải nghiệm. Điều này sẽ giúp học sinh hứng thú khi được vừa được học vừa được chơi.
Thoát li giáo án khi giảng bài
Chăm chăm vào giáo án có thể khiến giáo viên “giết chết” một tiết học đã được chuẩn bị công phu. Thầy cô cần thoát li giáo án, tăng cường hỏi đáp và giao lưu với học sinh, để các em có cơ hội thể hiện ý kiến của bản thân thì tiết học sẽ trở nên sống động.
Học sinh cũng sẽ ấn tượng với những người thầy có khiếu hài hước, có kiến thức sâu rộng khi nói về một vấn đề chứ không phải chỉ nhìn vào giáo án và giảng bài.
Truyền lửa từ đam mê của bản thân
Muốn học sinh yêu thích môn học của mình, trước tiên chính giáo viên phải yêu thích và hăng say với môn học đó. Thầy cô có thể kể về câu chuyện của bản thân trong quá trình học môn ngữ văn, về những thú vị mà mình đã trải qua khi gắn bó với môn học này, đồng thời không ngừng trau dồi kiến thức để thu nạp nguồn tư liệu phong phú, giúp các em khám phá những chân trời mới của văn học.
Với những “bí kíp” nhỏ này, các giáo viên ngữ văn không chỉ giúp tiết học của mình thêm hiệu quả mà còn gắn kết và được học sinh yêu quý nhiều hơn. Hãy thử ngay để xem hiệu quả của những phương pháp này thầy cô nhé!
Ý NHUNG