Vậy lời khuyên nào cho các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên nuôi ước mơ khởi nghiệp?
Tại sao người trẻ thích khởi nghiệp?
Theo một nghiên cứu, Việt Nam là đất nước có tinh thần khởi nghiệp cao bậc nhất thế giới. 91% người Việt được khảo sát cho biết họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình thế giới, vốn chỉ dừng lại ở 77%. Vậy, lí do gì khiến người trẻ ham muốn khởi nghiệp?
Đầu tiên, khởi nghiệp là một hình thức “làm chủ. Nhu cầu phát triển cá tính, bản sắc riêng của cá nhân hiện nay rất cao. Do đó, nhiều sinh viên chọn khởi nghiệp để thể hiện điều này. Bạn có thể làm chủ cho chính mình hoặc cùng bạn bè làm chủ một dự án, thỏa sức sáng tạo, đột phá, thực hiện ước mơ mà không cần quan tâm đến “sếp” hay” cấp trên.
Chưa kể đến bạn có thể làm chủ tài chính của mình. Thay vì làm công ăn lương, mỗi tháng nhận một số tiền ổn định thì khởi nghiệp hay kinh doanh có khả năng mang lại thu nhập cao. Dĩ nhiên, với điều kiện bạn đã khởi nghiệp thành công, vượt qua những trở ngại trong giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, khởi nghiệp cũng góp phần giải quyết việc làm, thậm chí là cải thiện thu nhập cho người khác. Mai Trúc Lâm – sinh viên Trường Đại học Gia Định (GDU), tác giả của dự án khởi nghiệp trồng thanh long trên vùng ngập mặn chia sẻ, cậu quyết định khởi nghiệp bởi vì ở quê quá nghèo, thời tiết khắc nghiệt khiến bà con không trồng được bất cứ giống cây gì. Do đó, cả 2 cha con đã nghiên cứu trồng thanh long trên vùng ngập mặn. Sau nhiều lần thử nghiệm, dự án này đã thành công. Em đã quyết định nhân rộng mô hình, giúp bà con có thêm thu nhập từ dự án này.
Khởi nghiệp là hành trình nhiều rủi ro
Đối với khởi nghiệp, đam mê thôi chưa đủ. Sinh viên phải hiểu được, đó là một hành trình khó khăn và cần có sự chuẩn bị kỹ càng về cả kiến thức, kỹ năng, vốn, nhân sự, bạn đồng hành. Chỉ một thiếu sót, doanh nghiệp của bạn hoàn toàn có thể bị phá sản. Để trở thành doanh nhân, bạn cần có tầm nhìn, thấy được tương lai mà người khác không thể thấy. Người khởi nghiệp giống như đánh một trận lớn, ngoài việc quân trang đầy đủ thì nắm bắt tình hình, xác định điểm yếu đối thủ vô cùng quan trọng.
Facebook không phải mạng xã hội đầu tiên trên thế giới, nhưng giờ là mạng xã hội nhiều người dùng nhất. Nếu Mark Zuckerberg sinh ra cách đây 100 năm, anh ta sẽ chẳng thể nào thành công như hiện nay. Và lí do tại sao Yahoo biến mất, Nokia không thể đánh bại SamSung, Apple. Đó chính là yếu tố về thời cuộc. Người khởi nghiệp phải nhạy bén với thời cuộc, và đương nhiên làm gì cũng sẽ cần một chút may mắn.
Hướng đi nào cho sinh viên muốn khởi nghiệp?
Nói như vậy không có nghĩa sinh viên không nên khởi nghiệp vì tỉ lệ thất bại cao. Xét về thời điểm, sinh viên chính là độ tuổi thích hợp để khởi nghiệp bởi các bạn còn trẻ, còn năng lượng, nhiệt huyết và sáng tạo để thực hiện đam mê của mình. Sinh viên cũng có nhiều thời gian, không vướng bận gia đình, áp lực thu chi.
Quan trọng, dù thất bại, các bạn vẫn còn nhiều cơ hội để “làm lại cuộc đời”. Nếu xem 4 năm đại học là khoảng thời gian để trải nghiệm thì khởi nghiệp là một cơ hội lớn để bạn học được nhiều bài học, trưởng thành hơn trước khi bước vào đời.
Việc các trường đại học thành lập các câu lạc bộ, mở các cuộc thi khởi nghiệp chính là tạo môi trường để sinh viên trải nghiệm và xác định có thực sự phù hợp hay không. Điều các bạn sinh viên cần làm là hiểu bản thân muốn gì, tích lũy kiến thức, kỹ năng cần có, chủ động tìm đến các nhà đầu tư, nhà đồng sáng lập, tích cực tham gia các cuộc thi, sự kiện, diễn đàn liên quan đến khởi nghiệp. Từ đó, bạn sẽ có thêm hành trang để bắt đầu một dự án.
Không ai khẳng định mình có thể thành công ngay lần đầu khởi nghiệp, và con số về khởi nghiệp thất bại cũng gây hoang mang cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, sinh viên có đam mê vẫn nên thử.
Ý NHUNG