Trước khi khoác lên mình nét năng động thế kỷ 21, Áo dài đã từng mang nhiều “bộ mặt” khác nhau. Nhưng ít ai biết, hành trình biến đổi của bộ quốc phục đáng tự hào này đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử.
-
Nguồn gốc của áo dài – áo giao lãnh
Là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam – Áo giao lãnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.
-
Áo dài tứ thân (thế kỉ 17)
Để tiện hơn trong việc lao động sản xuất của người phụ nữ, chiếc áo giao lãnh được may rời 2 tà trước để buộc vào với nhau, hai tà sau may liền lại thành vạt áo. Loại áo này thường may màu tối, được xem là chiếc áo mộc mạc, khiêm tốn mang ý nghĩa tượng trưng cho 4 bậc sinh thành của hai vợ chồng.
-
Áo dài ngũ thân (thời vua Gia Long)
Trên cơ sở áo tứ thân, đến thời vua Gia Long áo ngũ thân xuất hiện. Loại áo này thường được may thêm một tà nhỏ để tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội. Giai cấp quan lại quý tộc thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội.
Áo có 4 vạt được may thành 2 tà như áo dài, ở tà trước có thêm một vạt áo như lớp lót kín đáo chính là vạt áo thứ 5. Kiểu áo này được may theo phom rộng, có cổ và rất thịnh hành đến đầu thế kỉ XX.
-
Đầu thế kỉ 20 ( 1930- 1940)
Cuối thời nhà Nguyễn, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân, hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, cổ áo chỉ cao khoảng 2 – 3cm.
Trong các thập niên 1930 và 1940, cách may vẫn không thay đổi nhiều, gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm, thường được mặc với quần trắng hoặc đen.
Riêng ở miền Bắc khoảng năm 1910 – 1920, phụ nữ thích may thêm một cái khuyết phụ độ 3cm bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch ra đấy. Cổ áo như thế sẽ hở ra cho quyến rũ hơn và cũng để diện chuỗi hột trang sức nhiều vòng.
-
Giữa thế kỉ 20 (những năm 50)
Đến khoảng năm 1950, sườn áo dài bắt đầu được may có eo. Các thợ may lúc đó đã khôn khéo cắt áo lượn theo thân người. Thân áo sau rộng hơn thân áo trước, để áo ôm theo thân dáng mà không cần chít eo. Vạt áo cắt hẹp hơn. Thân áo trong được cắt ngắn dần từ giai đoạn này. Cổ áo bắt đầu cao lên, trong khi gấu được hạ thấp xuống.
-
Năm 1958 (Áo dài cổ thuyền)
Kiểu áo dài này còn gọi là áo dài bà Nhu, thiết kế và cải tiến vào năm 1968, được bà Trần Lệ Xuân đưa đi quảng bá khắp nơi với người nước ngoài, đi tiệc, đi chơi…
Phần cổ của áo được bỏ đi, gọi là áo cổ thuyền. Kiểu cổ áo này lấy ý tưởng từ áo tầm vông của người Khơmer chưa lập gia đình. Lúc đầu, thiết kế này bị phản đối vì đi ngược lại thuần phong mĩ tục, nhưng sau này lại rất được ưa chuộng vì sự đơn giản, tinh tế và thoải mái.
-
Cuối thế kỉ 20 – gây nhiều tranh cãi
Những năm 1960, áo dài chít eo thách thức quan điểm truyền thống trở thành kiểu dáng thời thượng. Lúc này, chiếc áo nịt ngực tiện lợi đã được sử dụng rộng rãi. Phụ nữ thành thị với tư duy cởi mở muốn tôn lên những đường cong cơ thể qua kiểu áo dài chít eo rất chặt để tôn ngực.
Gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở nên thịnh hành trong giới nữ sinh vì sự thoải mái, tiện lợi của nó. Tà áo hẹp và ngắn đến gần đầu gối, áo rộng và không chít eo nhưng vẫn may theo đường cong cơ thể.
-
Thời hiện đại
Sau những năm 1970, đời sống đổi mới đã khiến chiếc áo dài dần vắng bóng trên đường phố. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, chiếc áo dài đã trở lại với nhiều kiểu dáng, chất liệu khác nhau.
Cùng với thời gian, chiếc áo dài phát triển và trở thành quốc phục của Việt Nam. Những họa tiết trên áo dài đa dạng và cầu kì hơn. Không còn thắt eo như trước nhưng vẫn đảm bảo vừa vặn và tôn dáng của người mặc. Người ta cũng thường đội nón lá khi mặc bộ trang phục này. Chiếc áo dài bây giờ trông thướt tha, mềm mại và cũng có một nét gì đó vô cùng độc đáo thể hiện vẻ đẹp ngọt ngào của người phụ nữ Việt.
-
Áo dài cách tân
Hiện nay, với nhiều mục đích sử dụng và sự phát triển không ngừng trong làng thời trang, áo dài đã được cách tân thành nhiều kiểu khác nhau. Trang phục truyền thống nay được đổi mới qua chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, được biến tấu phần tà áo, tay, cổ,… Song vẫn giữ lại nét duyên dáng để tôn vinh nét đẹp người phụ nữ Việt
Gia Khánh