Họa sĩ, giảng viên Phan Vũ Linh, Trưởng Bộ môn Nghệ thuật số, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật của Trường Đại học Hoa Sen (HSU), là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực Digital Art tại Việt Nam. Hội họa và nghề giáo hòa quyện tạo nên một Phan Vũ Linh với cá tính khác biệt, đầy đam mê, sáng tạo cùng mái tóc dài rất nghệ sĩ và nụ cười thật hiền.
Hội họa – Sự giao thoa của những điều khác biệt
Kiên trì và nhẫn nại, họa sĩ Phan Vũ Linh tạo dựng thế giới nghệ thuật cho riêng mình. Trong thế giới ấy, các nhân vật mang đậm chất kỳ ảo, “quái dị” đứng chen lẫn cùng các nhân vật bước ra từ thần thoại, cổ tích. Những bộ tranh Digital Painting với nét vẽ bay bổng nhưng cũng đầy mạnh mẽ đứng cạnh các chú khủng long khổng lồ sống động như bước ra từ thời tiền sử. Có thể nói, thế giới nghệ thuật của họa sĩ Phan Vũ Linh là nơi giao thoa của những điều khác biệt.
Chân dung Giảng viên, Họa sĩ Phan Vũ Linh – Trưởng Bộ môn Nghệ thuật số, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật của Trường Đại học Hoa Sen (HSU).
Ở đó, chúng ta bắt gặp chất phóng khoáng, “máu lửa” của ca sĩ nhạc rock Phan Vũ Linh – ca sĩ chính của ban nhạc Atmosphere hòa quyện cùng sự dịu dàng, quyến rũ của màu sắc. Ở đó, ta bắt gặp sự cộng hưởng giữa phong cách vẽ truyền thống và kỹ thuật số hiện đại tạo nên sức hút bí ẩn và lạ lùng. Có thể nói, họa sĩ Phan Vũ Linh đã và đang phá bỏ mọi quy luật và rào cản, tạo dựng nên thế giới cá tính và khác biệt.
Một trong những tác phẩm nghệ thuật của Họa sĩ tài ba Phan Vũ Linh.
“Thế giới thực tại chỉ có một nhưng mỗi người nghệ sĩ lại đang tạo ra một thế giới cho riêng họ.” (Họa sĩ, giảng viên Phan Vũ Linh) |
Nghề giáo – Truyền lửa và chia sẻ cho thế hệ trẻ
Với mong muốn truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ, thầy Phan Vũ Linh đến với nghề giáo một cách rất giản dị và nhẹ nhàng. Do vậy, lớp học của Thầy không có bục giảng – tức là không có khoảng cách, ranh giới giữa Thầy và trò. Thầy gần gũi với trò, đồng hành cùng trò trong lớp học cũng như các dự án ngoài lớp học.
“Quan niệm của tôi về nghề giáo đơn giản lắm, mình là người có tích lũy, kinh nghiệm và muốn chia sẻ với các bạn đàn em. Kiến thức là quan trọng nhưng nguồn cảm hứng từ Thầy Cô mới là yếu tố giúp sinh viên tin tưởng và kiên định trên con đường đã chọn.” (Họa sĩ, giảng viên Phan Vũ Linh) |
Mô hình khủng long bạo chúa được tạo hình bằng công nghệ 3D của Thầy Phan Vũ Linh, trưng bày tại Cơ sở Nguyễn Văn Tráng, HSU.
Chọn nghề đi dạy, Thầy Linh mong muốn chia sẻ kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm thực tế trong nghề, giúp sinh viên có cái nhìn sâu rộng và chuẩn xác hơn về lĩnh vực đam mê của bản thân. Bởi lẽ, trước khi tung cánh bay vào khoảng trời sáng tạo, theo thầy Linh, sinh viên cần bám rễ vững chắc vào nền tảng lý thuyết, hiểu thật rõ, cảm thật sâu để các bạn sẽ tự tin bước đi trên con đường riêng, tạo dựng nên thế giới riêng của bản thân. Có thể nói, thầy Phan Vũ Linh là cảm hứng của sinh viên và ngược lại, chính mạch nguồn tươi trẻ của các bạn góp phần nuôi dưỡng đam mê sáng tạo của thầy Linh.
Họa sĩ, Giảng viên Phan Vũ Linh và Nghệ thuật số
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sau khi du học chuyên ngành Illustrator từ Mỹ về, họa sĩ Phan Vũ Linh nhận ra xu hướng phát triển của thế giới là “Digital Art – chất liệu bao phủ tất cả”. Digital Art giúp tiết kiệm thời gian và công sức, tăng kích thước sản phẩm lên bao nhiêu tùy ý. Từ đó, các tác phẩm lớn của anh như công viên theo chủ đề, bộ sưu tập khủng long khổng lồ… ra đời, tạo nên dấu ấn và tiếng vang lớn.
Thầy Phan Vũ Linh là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực Digital Art tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Họa sĩ tài hoa Phan Vũ Linh cũng nhận được nhiều giải thưởng giá trị như: Giải thưởng Nokia Art – Asian Pacific (1999), Giải nhì tại AAU Spring show (2009), Giải Bông sen vàng (2009) cho vị trí: Concept artist cho bộ phim hoạt hình “Thỏ và Rùa”.
Với mong muốn truyền lửa và chia sẻ kinh nghiệm với bạn trẻ, Họa sĩ, giảng viên Phan Vũ Linh vẫn kiên trì dấn thân và bứt phá mọi giới hạn, đồng hành cùng các bạn sinh viên ngành Nghệ thuật số, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật của Trường Đại học Hoa Sen để đưa Mỹ thuật ứng dụng vào phục vụ đời sống và giúp cộng đồng xích lại gần nhau hơn.
Bảo Ngọc