Tương tự như các môn thi trắc nghiệm khác, đề thi Địa Lý gồm 40 câu với 4 mức độ khác nhau. Đặc biệt, ở môn thi này, các bạn được sử dụng Atlat – “phao cứu sinh” dành cho thí sinh. Sau đây là những gợi ý đến từ Cô Nguyễn Trúc Ly, giáo viên Địa Lý Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Rạch Giá để các bạn ôn tập và làm bài thi hiệu quả hơn.
Cô Trúc Ly – giáo viên địa Lý Trường iSchool Rạch Giá.
Lựa chọn phương pháp ôn tập thông minh
1. Hệ thống lại kiến thức dựa trên đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT
Ngay từ khi Bộ GD& ĐT công bố đề minh họa, các bạn học sinh có thể dựa vào đó để hệ thống lại kiến thức, củng cố, hoàn thiện lại các phần kiến thức, kỹ năng, ôn tập theo các chủ đề như tự nhiên Việt Nam, dân cư xã hội, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế…
- Sơ đồ hóa kiến thức
Các em nên dành thời gian đọc đi đọc lại các nội dung tài liệu, đánh dấu các nội dung cơ bản, số liệu cần chú ý. Cố gắng lập các bảng biểu hoặc sơ đồ tư duy tổng kết ngắn gọn để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề. Sau đó thử trình bày, viết lại các vấn đề đó ra giấy rồi so sánh với tài liệu để xem mình nhớ được bao nhiêu phần, cái gì chưa nhớ. Lưu ý đánh dấu lại phần chưa nhớ để một lần nữa khắc sâu kiến thức.
Thí sinh cần giải đề nhiều để làm quen với các dạng câu hỏi trắc nghiệm.
- Thường xuyên giải đề mẫu
Hãy tập làm thử nhiều đề thi trắc nghiệm để đúc rút được kinh nghiệm quý báu cho bản thân. Đây là cách để thí sinh nhận diện các loại câu hỏi một cách dễ dàng, ôn tập kiến thức đã học mà không cần phải “học thuộc lòng”. Giải đề cũng sẽ giúp bạn thấy thú vị hơn khi hoàn thành tốt đề bài hoặc rút ra nhiều bài học nếu có nhiều câu sai. Bên cạnh đó, thí sinh cũng sẽ thành thạo việc nhận diện và vẽ từng loại biểu đồ, thành thạo việc đọc và nhận xét bảng số liệu thông qua hình thức ôn tập này.
- Khai thác Atlat hiệu quả
Atlat được coi là quyển “sách giáo khoa thứ hai”, cũng là tài liệu quan trọng nhất được sử dụng trong phòng thi đối với môn Địa lí. Vì vậy cần chú ý khai thác triệt để lợi thế này bằng việc thành thạo cách sử dụng Atlat địa lý như một công cụ hữu hiệu trong quá trình học – ôn tập – làm bài, giảm ghi nhớ máy móc. Để khai thác hiệu quả nhất các em cần: Nắm rõ cấu trúc cuốn Atlat Địa lý Việt Nam; nắm rõ kí hiệu và đọc kĩ câu hỏi và áp dụng vào Atlat.
Atlat địa lý là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các thí sinh trong các kỳ thi.
Những lưu ý khi làm bài thi môn địa lý
Thời gian làm bài trắc nghiệm môn Địa lí là 50 phút với tổng số 40 câu hỏi, như vậy hời gian trung bình cho một câu hỏi là khoảng 1 phút 15 giây – 1 phút 25 giây. Nếu quá khoảng thời gian đã định này mà các em vẫn chưa tìm ra đáp án, thì hãy bỏ qua câu này để làm sang câu khác dễ hơn, tạo cơ hội “quay vòng” để làm lại các câu hỏi khó khác lần thứ hai.
Khi làm bài thi môn trắc nghiệm, các em hãy đọc kỹ một lượt các câu hỏi, cảm thấy câu nào dễ thì nhanh chóng làm ngay, càng làm được nhiều câu dễ “tâm lý” làm bài của các bạn sẽ càng thoải mái hơn.
Đối với những câu hỏi khó, trong trường hợp không tìm ra được đáp án đúng hãy sử dụng kỹ năng phỏng đoán – loại trừ đi một số phương án gây nhiễu để tìm cho mình được đáp án đúng nhất. Một điều tất yếu là thí sinh tuyệt đối không được bỏ trống bất kì câu hỏi nào.
Trên đây là những chia sẻ từ cô Trúc Ly để các thi sinh có thể ôn tập và làm bài thi tốt. Chúc các bạn thành công!
Trúc Ly