Theo báo cáo chỉ số thông thạo tiếng Anh của người trưởng thành trên toàn cầu năm 2019 do EF Education First (EF) thực hiện, Việt Nam tụt 11 bậc so với năm ngoái, xuống nhóm thông thạo thấp. Ông Minh N.Tran (Đại học Yale, Mỹ), Giám đốc Nghiên cứu cấp cao của EF, trả lời VnExpress về việc này.
– Năm 2019, Việt Nam xếp hạng 52/100 quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng tiếng Anh, tụt 11 bậc so với năm ngoái. Ông đánh giá như thế nào về thứ hạng này?
– Năm nay, Việt Nam đạt 51,57 điểm, giảm 1,55 so với năm ngoái. Chỉ khi thay đổi hơn 2 điểm, chúng tôi mới coi là đáng kể. Do đó, sự sụt giảm của Việt Nam chỉ ở mức độ nhẹ.
Trong khu vực Đông Nam Á, trình độ tiếng Anh của Việt Nam vẫn còn thấp so với Malaysia hoặc Philippines, nhưng cao hơn Indonesia, Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện và chúng tôi hy vọng đất nước sẽ tập trung vào việc học tiếng Anh và quốc tế hóa. Điều này sẽ giúp các bạn sớm mang lại kết quả tích cực.
– Từ góc độ là tổ chức khảo sát, ông lý giải thế nào về việc Việt Nam bị tụt hạng và rơi từ nhóm trung bình xuống nhóm thấp?
– Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh việc tính điểm số của các nước trong báo cáo chỉ số thông thạo tiếng Anh của EF Education First là như nhau. Chúng tôi sử dụng trọng số trung bình để tính toán phương sai trong đại diện của các nhóm tuổi ở các quốc gia.
Để tính trọng số trung bình, trước tiên chúng tôi tìm trung bình cho từng nhóm tuổi và sau đó lấy trung bình của các mức trung bình đó để tính điểm số quốc gia. Điều này đảm bảo tính khách quan ngay cả khi số lượng người ở nhóm độ tuổi nhất định tham gia bài thi ở các nước không giống nhau.
Về lý do Việt Nam bị giảm điểm, tôi cho rằng một phần xuất phát từ đối tượng làm bài thi EF SET. Mỗi năm, số người Việt Nam tham gia thử nghiệm đều tăng. Năm nay hơn 33.000 người tham gia, gấp đôi so với năm ngoái.
Khi ngày càng có nhiều người trưởng thành thực hiện EF SET, chúng tôi tin rằng điểm số trở nên gần với chỉ số trung bình thực sự của đất nước. Điều này có nghĩa là những năm trước điểm số có thể bị lệch cao hơn khi chúng tôi thu hút những sinh viên tiềm năng. Ngày nay, chúng tôi thu hút nhiều người học trung bình hơn và do đó điểm trung bình thấp hơn.
– Nhà trường và mỗi người dân nên làm gì để nâng cao trình độ tiếng Anh?
– Với giáo viên, trường phổ thông và đại học, tôi cho rằng Việt Nam nên hướng tới việc dạy tiếng Anh bằng phương pháp giao tiếp, cung cấp cho học sinh, sinh viên cơ hội thường xuyên để nói tiếng Anh thông qua các hoạt động như câu lạc bộ, ngày chủ đề, ghép lớp học, hay mời diễn giả.
Các trường cần cung cấp một diễn đàn để giáo viên chia sẻ phương pháp thực hành tốt nhất và nhận lời khuyên về việc dạy tiếng Anh hiệu quả để từ đó giáo viên có con đường đơn giản nhằm cải thiện tiếng Anh của chính họ.
Với các đại học, việc đưa yêu cầu tiếng Anh vào tất cả chuyên ngành là cần thiết. Các trường cũng nên cho phép tổ chức lớp học theo chủ đề được dạy bằng tiếng Anh nếu cả sinh viên và giảng viên đạt trình độ cần thiết.
Với cá nhân, tôi cho rằng các bạn cần có kế hoạch lâu dài với hàng trăm giờ học để chuyển từ một mức độ thông thạo sang cao hơn. Các bạn cần xây dựng thói quen học tiếng Anh mỗi ngày, dù chỉ là vài phút; đặt mục tiêu cụ thể, ghi lại những gì đã đạt được, mức độ thông thạo qua các giai đoạn và kỷ niệm thành công của bạn.
Thay vì ngồi hàng giờ để học tiếng Anh, các bạn chỉ nên tham gia các buổi học kéo dài 20-30 phút; chú ý ghi nhớ từ vựng liên quan đến công việc hoặc lĩnh vực học tập và bắt đầu sử dụng ngay lập tức. Bạn cũng nên luyện nói, ngay cả khi chỉ là đọc to một cuốn sách; xem TV; đọc hoặc nghe radio bằng tiếng Anh. Khi có cơ hội đi du lịch đến một đất nước nói tiếng Anh, hãy nói càng nhiều càng tốt.
– Nhằm cải thiện trình độ tiếng Anh, Việt Nam nên tham khảo mô hình nào?
– Việt Nam có thể tham khảo cách học tiếng Anh của các nước, vùng lãnh thổ trong cùng châu lục, ví dụ Đài Loan. Năm 2018, Đài Loan tuyên bố muốn trở thành song ngữ vào năm 2030. Thành phố Đài Nam đã dẫn đầu nỗ lực này kể từ năm 2015, khi thị trưởng William Lai quyết định coi tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức thứ hai trong văn phòng thị trưởng.
Trong chính sách nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, điều đầu tiên được nhắc tới là tất cả học sinh tiểu học và THCS của Đài Nam được học ít nhất một tiết tiếng Anh mỗi ngày với mục tiêu cải thiện kỹ năng nghe và nói tổng thể. Thứ hai là tích hợp tiếng Anh với các môn học, trong đó hiệu trưởng sẽ khuyến khích giáo viên bộ môn dạy bằng tiếng Anh và chứng minh cách sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Làm như vậy, tiếng Anh sẽ không chỉ đơn giản là môn học để học nữa mà trở thành công cụ kết nối chúng ta với cuộc sống.
Thứ ba là tăng số trường cung cấp các khóa học tiếng Anh cho học sinh lớp 1 hàng năm. Các trường cũng được khuyến khích cung cấp khóa học tiếng Anh sau giờ học cho học sinh. Cuối cùng là khuyến khích giáo viên xây dựng các nhóm học tập, trong đó tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ giao tiếp chính.
Bằng cách xây dựng môi trường nói tiếng Anh, Đài Nam dự kiến trở thành thành phố quốc tế hóa. Chính quyền đã và đang cung cấp các chương trình đào tạo cho tài xế xe buýt, taxi, hướng dẫn viên du lịch, hướng dẫn địa điểm lịch sử và chủ sở hữu chợ đêm. Họ cũng đã hợp tác với các trường đại học địa phương để hỗ trợ tiếng Anh hóa các khu công nghiệp và kết nối chúng với cộng đồng toàn cầu.
EF Education First (Thụy Sĩ) thành lập năm 1965, là tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới tập trung vào ngôn ngữ, học thuật và trải nghiệm văn hóa. Chỉ số EF EPI (EF English Proficiency Index) dựa trên dữ liệu kiểm tra của những người đã làm bài kiểm tra Anh ngữ tiêu chuẩn EF (EF SET). Bài EF SET làm trực tuyến trong 50 phút, kiểm tra kỹ năng đọc và nghe của người trưởng thành. EF SET được chấm điểm và thiết kế để phân loại khả năng ngôn ngữ của thí sinh theo một trong sáu cấp độ do Khung Tiêu chuẩn chung châu Âu (CEFR) quy định. Năm 2019, hơn 33.000 thí sinh Việt Nam tham gia kỳ thi tiếng Anh tiêu chuẩn EF SET, chủ yếu từ 18 đến 30 tuổi (chiếm 80%), số còn lại trên 30; 60% là nữ. Xét theo khu vực, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng có lượng thí sinh tham gia đông nhất, lần lượt là 39% và 37%. Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Bắc Trung Bộ, Đông Bắc Bộ và Tây Nguyên số người tham gia từ 7% trở xuống. Tây Bắc Bộ không đủ số người làm bài thi nên không thể đánh giá. Sau bốn năm được xếp vào nhóm có khả năng tiếng Anh trung bình, Việt Nam liên tiếp tụt hạng và rơi xuống nhóm thông thạo thấp. Năm 2019, Việt Nam chỉ đạt 51,57 điểm, xếp thứ 52 trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, tụt 11 bậc so với năm 2018. |
DƯƠNG TÂM