Tin tức
24/08/2020

5 sai lầm khi chọn ngành học mà học sinh cần lưu ý

Chọn ngành học, chọn trường luôn là trăn trở của các bạn học sinh, nhất là khi chứng kiến không ít người phải bỏ dở năm đầu tiên của đại học chỉ vì chọn nhầm ngành. Do đó, cân nhắc và lựa chọn kỹ sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm đáng tiếc.

Khi còn bé, người ta có thể kể ra hàng trăm ước mơ, ngành nghề mà mình mong muốn như ca sĩ, bác sĩ, kỹ sư,… Lớn lên ước mơ đó có thể thay đổi do sở thích, do nhu cầu xã hội, do định hướng gia đình,… Song dù lí do nào thì vẫn có rất nhiều người đi sai hướng và phải làm lại. Đó là lí do mà các trường hiện nay mở rất nhiều chương trình hướng nghiệp, chọn ngành, chọn nghề cho học sinh trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học.

  • Chọn vì đam mê là chưa đủ

Một số bạn học sinh chỉ nghĩ đơn giản rằng mình thích ngành gì thì chọn ngành đó. Trên thực tế các bạn chỉ thích hay đam mê thôi là chưa đủ, để chọn được chuyên ngành phù hợp với bản thân cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố và phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để xem xét trước khi đưa ra quyết định. 

Có cô sinh viên nọ, thành tích môn văn cao, khả năng viết lách tốt. Ước mơ của cô là trở thành một phóng viên để viết nên những bài báo hay, sâu sắc, phục vụ cho độc giả. Nhưng rồi, học kỳ đầu tiên cô bước chân vào khoa Báo chí, cô đã bị choáng ngợp và dần cảm thấy mình không phù hợp với ngành học này. Tố chất của một phóng viên không chỉ là chăm chỉ mà là nhạy bén với thời cuộc, dũng cảm, kiên nhẫn và chịu được áp lực. Kỹ năng của một phóng viên không chỉ là viết mà là quay phim, chụp hình, phỏng vấn,… Và rồi chỉ sau một học kỳ, cô sinh viên năm nhất quyết định chuyển sang một trường đại học sư phạm gần nhà để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo dạy ngữ văn. Đó chính là minh chứng cho việc đam mê thôi chưa đủ.

mmkm 5 sai lầm khi chọn ngành học mà học sinh cần lưu ý
Đam mê thôi là chưa đủ, phải lắng nghe,hiểu rõ năng lực bản thân

Lựa chọn ngành học là quá trình bao gồm nhiều bước, trong đó quan trọng nhất đó là hiểu rõ năng lực bản thân.  Bạn cần xác định được năng lực của bản thân và cân nhắc xem ngành học có phù hợp với  khả năng của mình chưa? Nếu đam mê và năng lực không đi đôi với nhau thì bạn sẽ rất khó để đáp ứng được yêu cầu của ngành. 

  • Chọn ngành học theo xu hướng – ngại ngành học mới

Đây là tâm lý của đa số các bạn học sinh và các bậc phụ huynh, bởi lẽ chọn học ngành theo xu hướng dễ tìm việc hơn những ngành học lạ, ít phổ biến. Xu hướng của ngành học cũng gần giống như xu hướng thời trang, luôn thay đổi bất thường bởi nhu cầu và thị hiếu của xã hội luôn không ngừng nâng cao và đổi mới. 

Tôi đã từng chứng kiến một người em của mình chọn học ngành kỹ sư xây dựng của Đại học Bách khoa vì bạn bè và anh chị bảo đó là một ngành học phổ biến, phù hợp với mức điểm của em. Nhưng cũng sau một học kỳ, vì thấy không phù hợp, em quyết định nghỉ học và ôn tập để thi lại vào một trường quân đội.

Một số bạn lại ngại chọn những ngành mới lạ, chỉ chọn những ngành người ta đã thành công. Hiện nay, các trường đại học mở thêm rất nhiều ngành học mới, giúp sinh viên phát huy tối đa thế mạnh của bản thân. Ví dụ như Đại học Hoa Sen mở thêm ngành Nghệ thuật số, Digital Art,… Đại học Quốc tế Hồng Bàng mở thêm ngành Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục thể chất (chuyên ngành Golf và Fitness/Gym),… Đây đều những là cái tên khá xa lạ nhưng lại gia tăng sự lựa chọn cho sinh viên.

Chưa kể, nếu ai ai cũng chạy theo số đông thì sau một thời gian, những ngành học “hot” sẽ thừa nhân lực, sau khi ra trường các sinh viên của các ngành đó phải cạnh tranh rất nhiều để có được việc làm, thậm chí là làm trái ngành hoặc thất nghiệp. Do vậy, đừng chạy theo số đông vì nghĩ rằng đó là ngành học “hot”. Hãy suy nghĩ thật kỹ, liệu theo đuổi ngành đó mình có thực sự thích và có thực sự làm tốt ở lĩnh vực này.

  • Chọn ngành học theo định hướng của phụ huynh

“Bố mẹ đặt đâu, con phải ngồi đó” là cảnh ngộ của đa số học sinh Việt, mọi việc từ việc chọn ngành học, chọn trường, thậm chí chọn vợ/chồng,… bố mẹ đều muốn thay con mình quyết định với lý do con mình chưa đủ lớn, chưa đủ chín chắn, bố mẹ là người từng trải qua bố mẹ hiểu,…  Đặc biệt đối với những phụ huynh lớn tuổi và ở vùng nông thôn, sự lựa chọn ưu tiên của họ sẽ luôn là các ngành sư phạm, bác sĩ, bách khoa.

Đồng ý với quan điểm của các bậc phụ huynh là luôn mong muốn đem đến những điều tốt đẹp cho con cái của mình, tuy nhiên bố mẹ không phải là người lúc nào cũng thể kề vai sát cánh với con mình mọi lúc mọi nơi, hãy để cho con mình có quyền được lựa chọn và sống với sở thích của bản thân. 

Việc theo đuổi ngành mình đam mê, gạt qua sự định hướng từ trước của gia đình có thể rất khó khăn, đầy thử thách, do vậy các bạn học sinh nên bày tỏ, trao đổi nhiều hơn với bố mẹ về sở thích của bản thân để được lấy được sự thông cảm, thuyết phục của bố mẹ. Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn kiên định, học cách sống tự lập, mạnh mẽ và luôn có trách nhiệm với những sự lựa chọn của mình. Chỉ khi nhìn thấy con mình trưởng thành như vậy, bố mẹ mới có thể yên tâm để các bạn tự quyết định. Hãy luôn ghi nhớ, bạn mới là người học, không phải bố mẹ!

  • Chọn ngành, chọn trường vì sĩ diện

Những năm qua có thể thấy nhiều ngành học có tên “công nghệ”,“quản trị” ví dụ như: Quản trị nhà hàng – khách sạn, Quản trị du lịch và lữ hành, Công nghệ chế biến thực phẩm, Công nghệ chế tạo máy,… hay những ngành có chữ “quốc tế” như ngành: Quốc tế học, Kinh doanh quốc tế, Thương mại quốc tế,…thường có rất nhiều bạn học sinh đăng ký mà không cần tìm hiểu về chương trình đào tạo, đặc điểm, yêu cầu của ngành.  Lý giải sự lựa chọn của mình, các bạn cho rằng những ngành đó thường “hot”, “thời thượng”, nói ra rất kêu và nâng cao sĩ diện bản thân. 

Hay có những trường hợp, các bạn học sinh chỉ chọn những trường đại học danh tiếng, nếu không đủ điểm vào ngành mình mong muốn thì cũng có thể vào ngành khác, miễn học trường đó là được. Đây là một quyết định sai lầm từ thành kiến trường giỏi – trường dở, trường tư – trường công của đa số học sinh. Nên nhớ, trường nào cũng được, chất lượng đào tạo tốt là được, ngành nào cũng được – miễn mình có thể học và làm tốt là được, đừng vì sĩ diện mà “nhắm mắt chọn bừa”.

  • Suy nghĩ theo lối mòn trường tư – trường công

Theo suy nghĩ của mọi người, trường tư là dở, trường công là giỏi, vì điểm đầu vào của các trường tư thục thường thấp hơn trường công, kéo theo chất lượng sinh viên trường tư không bằng trường công. Thực tế, nếu trong quá trình học tập mà các bạn không rèn luyện các kĩ năng, bỏ bê chuyện học thì chọn học trường giỏi – trường công cũng vô nghĩa, ra trường cũng sẽ thất nghiệp. 

lk 5 sai lầm khi chọn ngành học mà học sinh cần lưu ý
Các trường đại học tư đang dần được công nhận bởi đáp ứng được nhu cầu của xã hội với nguồn nhân lực chất lượng cao

Thêm vào đó, các trường đại học tư thục hiện nay đã và đang nỗ lực đảm bảo chất lượng đầu ra bằng cách đầu tư vào chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất hiện đại phục vụ tốt hơn cho việc học, chú trọng phát triển những kĩ năng mềm của sinh viên và tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn phát triển năng lực bản thân. 

Đây là những sai lầm phổ biến khi chọn ngành, chọn trường, bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố tiêu cực chi phối sự lựa chọn của các bạn. Hãy tìm hiểu kĩ về ngành học, trường học mà các bạn sắp lựa chọn, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức. Nếu đã lựa chọn, hãy kiên định theo đuổi mục tiêu đến cùng nhé!

Ngoài ra, những yếu tố quan trọng không kém mà bạn phải cân nhắc để tránh phạm sai lầm trong quá trình lựa chọn ngành học đó là thông tin về ngành bạn yêu thích và chất lượng đào tạo của trường phải phù hợp với những điều kiện của bạn đưa ra như: mức học phí, chương trình giảng dạy, địa điểm học, …

Chúc các bạn có sự lựa chọn phù hợp cho tương lai của mình.

 

                                                                                                          GIA KHÁNH

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Ngân khúc tri ân, GDU tôn vinh những “người thợ” dệt tương lai

Bài học đầu tiên luôn để lại những ấn tượng khó quên nhất đối với các bạn sinh viên Trường Đại học Gia Định (GDU) khi mới bước chân vào cánh cửa đại học. Và ở giao điểm quan trọng ấy, vẫn luôn có những “người dẫn đường” tâm huyết luôn soi sáng chặng đường […]