Trẻ nhỏ thường sẽ không hiểu nhiều về các nguyên tắc ứng xử, các con thường hành động theo bản năng và cảm xúc dẫn đến hay nói leo hay chen ngang vào cuộc nói chuyện của ba mẹ, người khác. Tuy nhiên, nếu bố mẹ biết cách hướng dẫn, trẻ sẽ nhanh chóng khắc phục tình trạng này và hình thành thói quen tốt.
Ba mẹ có thể tham khảo một số giải pháp dưới đây.
Trẻ con thường hay nói leo khi chúng muốn biểu đạt một thứ gì đó
nhưng bố mẹ đang bận giao tiếp với người khác
1. Làm gương cho con
Ba mẹ có biết, con trẻ thường vô thức bắt chước theo những gì ba mẹ làm hơn là những gì mà ba mẹ yêu cầu con phải thực hiện. Nếu như ba mẹ dạy con “không được nói leo” mà vẫn vô tình thường xuyên ngắt lời, chen ngang mỗi khi con hay ai đó nói chuyện thì con có thể sẽ cho rằng nói leo không có gì là xấu cả và sẽ bắt chước theo. Vì vậy, cách tốt nhất là ba mẹ cần làm gương cho con.
Bố mẹ cần làm gương cho trẻ bằng cách không chen
lời khi nói chuyện với con và cả những người khác
Khi con nói, ba mẹ cần ngồi lắng nghe một cách bình tĩnh, chờ con nói xong thì mới tiếp lời nhé. Trong trường hợp muốn ngăn, ba mẹ nên tiếp cận thật tinh tế, khéo léo, ví dụ như “Ba/mẹ xin lỗi nhưng ba/mẹ có thể nói 1-2 câu được không con yêu?”. Hơn nữa, ngoài con, ba mẹ cũng cần duy trì thói quen tốt này khi nói chuyện hàng ngày với nhau, với ông bà, hàng xóm,… Con sẽ vô thức học theo thói quen tốt này từ chính ba mẹ của mình.
2. Thiết lập các quy tắc về phép lịch sự
Ba mẹ cần giải thích cho con hiểu rằng việc ngắt lời là thiếu lịch sự, có thể làm tổn thương cảm xúc của người khác. Song song với đó, ba mẹ có thể thiết lập “bộ quy tắc” để thỏa thuận cùng con như con cần chờ ai đó nói xong rồi mới bày tỏ ý kiến của mình, khi người lớn nói chuyện/nghe điện thoại thì cần giữ yên lặng, ba/mẹ có thể không trả lời khi con chen ngang,… Đồng thời, ba mẹ nên cho con biết rằng, khi con thực hiện tốt những “điều luật” ấy sẽ thể hiện con là một em bé biết tôn trọng người khác, lịch sự, lễ phép, khôn ngoan để cổ vũ, khuyến khích con hơn.
Lưu ý, ba mẹ không nên răn đe con là “không bao giờ được nói leo”, vì trong một số trường hợp cần thiết, người nói vẫn phải chen ngang. Ba mẹ có thể thống nhất với con về các trường hợp ngoại lệ và chỉ dạy con những từ ngữ lịch sự, khéo léo để xin phép chen ngang khi cần như “Xin lỗi ba/mẹ, có điều này con muốn nói ạ”, “Ba/mẹ ơi, con xin phép cắt ngang một chút ạ”…
Ba mẹ cần giải thích cho con hiểu rằng việc ngắt lời là thiếu lịch sự,
có thể làm tổn thương cảm xúc của người khác.
Trong thời gian đầu, có thể bé chưa quen nên vẫn có thể nói leo, ba mẹ không nên trách mắng cũng không nên đáp ứng ngay mong muốn của con mà cần kiên trì giải thích và nhắc nhở con về các quy tắc, chẳng hạn: “Ba/mẹ hiểu là con đang muốn nói điều gì đó với ba/mẹ, nhưng chúng ta đã từng nói với nhau là khi con muốn nói gì thì con cần chờ đến lượt mình”.
3. Dạy con cách thu hút sự chú ý khác
Ba mẹ cũng có thể dạy con một số cách phù hợp để con có được sự chú ý của ba mẹ mà không cần phải chờ đợi hay chen ngang, như lay cánh tay, đầu gối của ba mẹ; ba mẹ cũng thỏa thuận với con một vài tín hiệu của mình thể hiện sự đồng ý hoặc “chờ ba/mẹ chút”. Điều này cũng góp phần giúp trẻ ý thức được việc chen ngang lời người khác đang nói chuyện là thiếu lịch sự. Ví dụ, tình huống người lớn đang nói chuyện mà trẻ muốn chạy ra ngoài thì có thể dạy con ra tín hiệu chỉ tay ra ngoài, ba mẹ cũng nháy mắt lại thể hiện sự đồng ý. Khi ấy, con có thể xin phép ba mẹ mà không cần phải nói thành lời.
Bé sẽ hình thành thói quen tốt khi cùng bố mẹ đặt ra những quy tắc ứng xử
4. Không thỏa hiệp với tật nói leo của trẻ
Nếu bố mẹ luôn dừng những thứ mình đang làm, đang nói để quay sang tiếp chuyện đứa trẻ nói leo thì chúng sẽ cho rằng đây là cách làm hiệu quả và tiếp tục thực hiện những lần sau. Vì vậy, khi trẻ ngắt lời, bố mẹ đừng tự động đưa ra những phản hồi mà chúng mong muốn.
Hãy nhắc trẻ nhẹ nhàng: “Con đang làm gián đoạn cuộc nói chuyện của mẹ đấy. Điều này không hay ho đâu. Khi nào mẹ nói xong, mẹ sẽ trả lời con”. Nếu trẻ vẫn gan lì nói tiếp thì hãy lờ chúng đi. Đây sẽ là cách làm hiệu quả nhất, cho trẻ thấy rõ nói leo sẽ chẳng có tác dụng gì.
Phụ huynh có thể chỉ thêm cách “ra hiệu” như lay cánh tay hoặc đầu gối đa
Với những bé hay nói leo, ba mẹ cần kiên nhẫn uốn nắn, chỉ dẫn con từ từ, mỗi ngày một ít. Những giải pháp trên có thể giúp ích cho ba mẹ không những không làm trẻ căng thẳng mà còn giúp con học được cách ứng xử, giao tiếp khéo léo, tinh tế, trở thành người khôn ngoan, tử tế trong tương lai.
Nguồn: VN Express