Liang Jiangbo, 39 tuổi, là người khiếm thị đầu tiên nhận bằng thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.
Liang Jiangbo tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa. |
Anh muốn cống hiến sức mình để giúp đỡ nhiều người khuyết tật hoà nhập xã hội.
Sinh ra ở Bengbu, tỉnh An Huy, Liang gặp rất nhiều khó khăn trong học tập vì là người khiếm thị. Khi Liang đến tuổi đi học, bố mẹ anh đã xin cho con vào một trường tiểu học công lập. Tuy nhiên, việc học không đạt nhiều hiệu quả.
Năm Liang 10 tuổi, bố mẹ chuyển anh đến học tại một trường dành cho người khiếm thị ở tỉnh Giang Tô, rồi chuyển sang một trường khác ở tỉnh Sơn Đông. Dù phải xa gia đình nhưng được thầy cô giúp đỡ, lại yêu thích học tập nên Liang luôn cố gắng phấn đấu.
“Ba ngôi trường đã cho tôi những kỷ niệm và nhận thức khác nhau về cuộc sống. Tôi có khoảng thời gian khá vui vẻ ở trường phổ thông vì các bạn không coi tôi là người khuyết tật. Chúng tôi cùng chơi đùa, chia sẻ đồ ăn”, Liang kể.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhiều người khuyên Liang nên đi học mát-xa để kiếm sống nhưng anh muốn học đại học. Anh tự học và thi đỗ vào ngành Châm cứu và xoa bóp tại Đại học Liên minh Bắc Kinh năm 2006.
Trong thời gian học đại học, Liang tích cực tham gia hoạt động của trường, tìm hiểu về các hoạt động xã hội và hoạt động dành cho người khuyết tật. Anh nhận ra mình có thể đem kiến thức và năng lực hỗ trợ những người yếu thế không có điều kiện học tập.
Vì vậy, Liang quyết định học thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại Đại học Thanh Hoa, ngôi trường top 1 Trung Quốc, top 12 thế giới theo bảng xếp hạng đại học của tổ chức THE.
“Đó là ngôi trường mơ ước của tôi khi còn nhỏ. Tôi hy vọng có thể giúp người khuyết tật hoà nhập xã hội tốt hơn bằng kiến thức của mình”, Liang nói.
Liang kể việc ôn thi cao học gặp nhiều khó khăn vì chưa có tài liệu học dành cho người khiếm thị. Anh tự chuyển đổi tài liệu bằng ứng dụng nhận dạng giọng nói. Sau gần một năm chuẩn bị, Liang tham gia kỳ thi sau đại học vào cuối năm 2021.
“Thí sinh bình thường làm bài thi trong khoảng 3 tiếng. Nhưng tôi được nhà trường cho phép thi trong 4 tiếng rưỡi vì đọc chữ nổi mất nhiều thời gian hơn”, Liang nói và cho hay cảm thấy hạnh phúc khi nhận thông báo trúng tuyển.
Thời gian đầu, bạn bè trong lớp cao học đối xử với Liang khá xa cách vì họ không biết cách giao tiếp hay hoà nhập với người khuyết tật. Khi cả lớp thân thiết hơn, mọi người dần dần cởi mở và thoải mái trò chuyện với Liang. Đôi khi anh có thể hỗ trợ các bạn trong học tập.
“Những thay đổi đó là lý do tôi chọn ngành công tác xã hội và muốn người khuyết tật có thể chủ động tham gia vào một số hoạt động cộng đồng. Con người là một tập thể đa dạng và chúng tôi, những người khuyết tật, là một phần của sự đa dạng”, Liang nói.
Quá trình học tập và tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa của Liang đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thanh thiếu niên. Trong tương lai, Liang dự kiến sẽ học tiến sĩ về công tác xã hội.
“Tôi hy vọng câu chuyện của mình có thể truyền động lực vì tôi đã chứng minh rằng bất kỳ giấc mơ nào cũng có thể đạt được”, Liang nhắn nhủ.