Không chấp nhận số phận nghiệt ngã, cô bé câm điếc Trần Lê Khả Ái đã tự thân vượt qua một hành trình đáng kinh ngạc từ phổ thông cho đến đại học. Nhận thấy được khát khao vượt khó cùng nghị lực phi thường của cô bé, năm 2016 Trường Đại học Hoa Sen (HSU) trao học bổng toàn phần và đồng hành cùng Khả Ái trong suốt 4 năm. Nay, Khả Ái chuẩn bị tốt nghiệp và đang bắt đầu hành trình mới của mình.
Trần Lê Khả Ái, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Hoa Sen vừa hoàn tất các môn học và chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng em đã bắt đầu một hành trình mới với những ngày làm việc đầu tiên tại chính ngôi trường đại học mà mình theo học suốt 4 năm vừa qua.
Một sự may mắn…
Câu chuyện của Trần Lê Khả Ái bắt đầu được biết nhiều từ năm 2016 với những dòng nhật ký lay động lòng người mà ông Trần Khương (cha của Khả Ái) viết trên trang Facebook cá nhân. Ông đau đớn vì con gái mình là một người điếc câm, chỉ nghe được 30% và suốt 18 năm trời, cả gia đình đã cố gắng hết sức để Khả Ái vẫn có thể giao tiếp, học được trường bình thường mà không phải học trường chuyên biệt. Nhưng Khả Ái bị từ chối cấp giấy chứng nhận khuyết tật nặng đáng ra được hưởng. Anh Khương lên Facebook cá nhân viết nhật ký với những dòng tâm sự gan ruột và nó lay động đến rất nhiều người.
Và cuộc hành trình của cha con ông đã bắt đầu từ rất lâu trước đó. Khi Khả Ái lên 2 tuổi, ông Khương phát hiện con mình không nghe được gì cả. Kết quả khám y khoa chứng thực điều này, vợ chồng ông đã đứng ôm nhau khóc. Mọi mong ước trước đó gần như tan vỡ. Khi con chào đời, ông đặt tên con là Khả Ái, đã tưởng tượng đến cảnh con mình sẽ múa ballet trên sân khấu như chứa đựng tất cả mong ước của mình về con.
Nhưng thật may mắn, Khả Ái lại vô cùng mạnh mẽ. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ Ái khóc vì số mệnh của mình. Em tự nhận thức được bản thân để tự mình nỗ lực. Điều này khiến ông Khương cũng trở nên mạnh mẽ hơn: “Tôi đã từng trách ông Trời. Nhưng sau này tôi nghiệm được rằng không phải cái gì cũng đổ lỗi cho số mệnh được. Số mệnh do mình tạo ra. Phải biết chấp nhận sự thật và cùng con vươn lên”.
Khả Ái và cha khi còn học phổ thông
Khi Khả Ái bắt đầu đi học mầm non, ông nán lại trường, giúp đỡ các cô, hỏi các cô dạy gì rồi về nhà dạy lại. Khi con lên lớp 1 bắt đầu học chữ, những tiết quan trọng về ngôn ngữ như: chính tả, đọc chữ… ông xin phép đứng ngoài để học, về nhà dạy lại con. Ròng rã suốt 12 năm phổ thông như thế. Rồi con không tiếp thu được, ông tìm đủ mọi cách để minh chứng cho bài học để con dễ hiểu. Dạy con câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”, ông phải tìm một đoạn kẽm, ngồi mài đến khi mòn vẹt. Kể chuyện cổ tích, cả nhà phải đóng vai diễn để cho con hiểu…
Khả Ái (bìa phải) trong lớp học cùng các bạn
Rồi cũng đến ngày Khả Ái đi thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học. Em xét tuyển vào ngành thiết kế đồ hoạ của Trường Đại học Hoa Sen theo phương thức 2 (xét học bạ, nộp tuyển tập nghệ thuật, phỏng vấn). Khả Ái gửi 7 bức tranh do mình vẽ và được trường đánh giá cao, xét trúng tuyển. Sau khi trúng tuyển, nhà trường đã quyết định cấp học bổng toàn phần suốt 4 năm học cho em.
Hàng năm, Trường Đại học Hoa Sen đều tổ chức lễ tuyên dương và trao hàng trăm suất học bổng có giá trị cho sinh viên đang học tập tại trường.
Trong lá thư gửi nhà trường, Khả Ái bộc bạch: “Nguyện vọng của em là muốn được học ngành thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Hoa Sen. Nguyện vọng này có lẽ xuất phát từ việc em nhận thức được thiết kế đồ họa là ngành phù hợp với người khuyết tật như em và cũng là ngành để em thỏa sức sáng tạo. Nếu được học tập tại Trường Đại học Hoa Sen sẽ mở ra tương lai tương sáng cho em. Em có điều kiện học tập tại môi trường hòa đồng, thân thiện và sau này có thể đứng vững trên đôi chân của mình và giúp đỡ cho những em kém may mắn như em”.
Nghĩa cử làm thay đổi một số phận
Trong tháng 5 này, theo lịch thì Khả Ái sẽ nhận bằng tốt nghiệp. Hành trình học tập đầy kinh ngạc suốt 20 năm vừa qua coi như khép lại và em sẽ bắt đầu một hành trình mới. Từ đầu tháng 4, khi chưa tốt nghiệp, Khả Ái đã nộp đơn vào làm cộng tác viên thiết kế của Trường Đại học Hoa Sen. Trường đồng ý và em đã bắt đầu làm công việc thiết kế cho bộ phận truyền thông của Trung tâm trải nghiệm – việc làm sinh viên.
Khả Ái đang làm quen với công việc mới. Người đang hướng dẫn là Thái Tân, thí sinh thi Siêu Trí tuệ Việt Nam mùa 2 – năm 2020
Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc trung tâm trải nghiệm – việc làm sinh viên, Trường Đại học Hoa Sen, chia sẻ: “Mới đầu thi Khả Ái hơi chậm trong công việc, nhưng có người hướng dẫn, kèm cặp nên dần dà bạn sẽ giỏi hơn, thao tác nhanh và chuyên nghiệp hơn. Khả Ái rất giỏi, trưởng thành, tự lập và có chính kiến. Mà hay nhất là cho đến lúc này, Khả Ái đã nói được rất nhiều, giao tiếp tốt với mọi người. Bạn đang tích cực và yêu đời lắm”.
Nhờ nỗ lực phi thường của Khả Ái, sự ủng hộ, hi sinh của bố mẹ và sự đồng hành của Trường Đại học Hoa Sen, cô sinh viên nhỏ ngày nào giờ đây đã có thể bắt đầu viết chương mới cho nhật ký trong cuộc đời của mình. HSU hy vọng những ngày sắp tới là hành trình tràn ngập yêu thương và trái ngọt để đền đáp những nỗ lực tuyệt vời mà Khả Ái đã tạo nên.
Theo Báo Thanh Niên