Làm việc nhà là cách tốt nhất để bé vừa vận động, vừa làm quen với các kỹ năng sống cần thiết. Theo các chuyên gia Montessori, nếu được bố mẹ hướng dẫn và giao nhiệm vụ làm những việc nhà phù hợp với độ tuổi từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ có thêm rất nhiều cơ hội để học hỏi, phát triển các kĩ năng thô và tinh của bàn tay, rèn luyện sự khéo léo, tính bền bỉ và tinh thần trách nhiệm.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, nếu được giao việc vừa sức, bé sẽ rất háo hức với công việc mình làm, cảm thấy mình là một thành phần quan trọng đối với gia đình, và đó cũng chính là một cách để bố mẹ dạy con về vai trò, vị trí của bé trong gia đình cũng như cách phụ giúp, sẻ chia việc nhà với bố mẹ. Cùng điểm qua một vài việc nhà phù hợp mà quý phụ huynh có thể gợi ý cho bé cùng làm nhé!
Cất đồ chơi và sách
Phụ huynh có thể thiết kế một vài thùng carton, kệ hoặc giá sách để cho trẻ phân loại các món đồ chơi của mình. Bạn có thể phân biệt chúng bằng màu sắc hoặc nhãn dán in hình động vật để trẻ tập ghi nhớ vị trí các món đồ. Tập cho bé cách sắp xếp sách vở gọn gàng cũng tạo thói quen tốt cho bé. Từ đó, dù đến trường hay những nơi công cộng như nhà sách, con cũng sẽ biết cách sắp đặt mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng.
Các chuyên gia khuyên bạn nên mở nhạc, đọc một bài vè hoặc tự sáng tác những câu hát ngẫu hứng để việc dọn dẹp của trẻ trở nên thú vị. Đôi khi, bạn có thể tạo ra một vài trò chơi nhỏ như xem ai cất được nhiều đồ chơi hơn hoặc trẻ có phân loại đúng đồ chơi hay không. Việc này không chỉ giúp trẻ gọn gàng và có ý thức bảo quản đồ hơn mà còn rèn kỹ năng nhận biết và ghi nhớ.
Chăm sóc các vật nuôi, cây trồng
Trẻ con thường xem động vật như chính những người bạn của mình, việc cho trẻ chăm sóc vật nuôi sẽ giúp trẻ có cảm giác chăm sóc, nuôi nấng một phần của gia đình. Theo bác sĩ nhi khoa Kereese Gayle-Farias, trẻ có thể chăm sóc, cho vật nuôi ăn để học về lòng tốt và tôn trọng sự sống của các loài vật.
Trẻ ở độ tuổi trước khi vào mẫu giáo (khoảng 4-5) có thể mang nước, thức ăn cho chó, mèo hoặc tắm cho chúng nếu như vật nuôi nhà bạn đã quen với việc được tắm rửa. Trẻ cũng có thể tưới cây, gieo hạt, phụ bố mẹ chăm sóc rau hay các cây trồng trong vườn.
Trong quá trình chăm sóc, bạn cần nói cho trẻ biết những loại thức ăn mà vật nuôi thích hoặc không ăn được, phân tích về lượng nước đối với các loại cây. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần chú ý một vài điểm khi cho trẻ tiếp xúc với động vật. Khi trẻ đang bị bệnh hay cảm cúm thì hạn chế tiếp xúc với các thú cưng. Khi tận tâm chăm sóc và yêu quý vật nuôi, trẻ sẽ được nuôi dưỡng lòng tốt và tôn trọng sự sống của loài vật.
Dọn dẹp giường ngủ
Trẻ có thể gặp khó khăn khi kéo căng ga trải giường nhưng sẽ sắp xếp được gối, để gọn thú bông đồng thời học cách gấp chăn. Bạn cũng có thể dạy trẻ thay vỏ gối, cho vào máy giặt hoặc gấp gọn để trong tủ. Phụ huynh cũng có thể trang trí phòng ngủ, màu sắc chăn ga gối đệm theo sở thích của bé để bé có cảm giác thích thú và nâng niu căn phòng của mình hơn.
Bạn hãy nhấn mạnh giường ngủ là nơi riêng tư, trẻ sẽ có giấc ngủ thật ngon nếu giường luôn gọn gàng, sạch sẽ. Kereese Gayle-Farias khẳng định nếu được rèn thói quen làm việc nhà ngay từ nhỏ, trẻ sẽ gọn gàng và có trách nhiệm với gia đình hơn khi lớn lên.
Phụ bố mẹ chuẩn bị thức ăn
Để bé tham gia vào chuẩn bị bữa ăn cho gia đình sẽ giúp bé biết cách trân trọng mọi ăn và kích thích bé ăn ngon hơn. Bố mẹ có thể giao những việc nhỏ phù hợp cho bé như nhặt rau, phân loại thực phẩm, cất đồ ăn vào tủ lạnh. Nếu bé lớn hơn có thể chỉ cho bé cách lấy và trình bày bát đũa, thu dọn bàn ăn sau khi ăn.
Tiến sĩ Gayle-Farias chia sẻ: “Để trẻ em tham gia vào việc chọn thức ăn, sau đó rửa hoặc cất vào tủ lạnh có thể khuyến khích chúng trải nghiệm những thứ mới mẻ, đồng thời hình thành niềm yêu thích nấu nướng”, cô nói.
Tuy nhiên, với trẻ còn nhỏ, phụ huynh cũng cần lưu ý để tránh bé tò mò, đụng vào các đồ sắc nhọn hay đến gần bếp lửa, dễ khiến bé bị thương.
Thu gom rác
Dạy trẻ cách phân loại các loại rác hữu cơ, vô cơ và bỏ chúng vào đúng vị trí, đúng nơi cũng là cách dạy trẻ bảo vệ môi trường. Bạn có thể bắt đầu từ những thứ nhỏ như vỏ bánh, kẹo đến rau củ, thức ăn hỏng, rồi giấy tờ, bao nilon,… Đây cũng là việc hình thành thói quen tốt để trẻ có thể áp dụng ở trường học hoặc nơi công cộng.
Hỗ trợ việc giặt là
Trẻ có thể làm những việc đơn giản như cho quần áo bẩn vào máy giặt, lấy mắc, gấp những món đồ nhỏ như tất hoặc khăn lau. Khi trẻ làm những việc này, bạn có thể lồng ghép các bài học về họa tiết, màu sắc, thậm chị là chữ cái và số in trên quần áo để trẻ ghi nhớ nhiều hơn.
Lau dọn bàn ghế
Bạn có thể để trẻ tham gia vào việc lau dọn bằng cách giặt sẵn một chiếc giẻ, khuyến khích trẻ làm sạch bất kỳ đâu thấy bẩn. Hiện nay, nhiều thiết bị mini của các đồ dùng gia đình như máy hút bụi, khăn lau được sản xuất khá nhiều.
Bé cũng có thể tự lau dọn những vật dụng trong nhà như tủ lạnh, tivi hoặc đồ chơi, bàn học cá nhân của mình.
Bên cạnh đó, để tăng hứng thú cho bé trong lúc làm việc nhà, bố mẹ sẽ là người làm cùng với bé, ở bên giải thích lí do, lợi ích của những công việc ấy. Phụ huynh có thể kết hợp nghe nhạc, nhảy múa và động viên bé trong quá trình làm.
Ý NHUNG