Chương trình hiện hành quá tải ở tất cả các khối lớp và cấu trúc đề thi tốt nghiệp luôn thay đổi là lí do chính khiến việc dạy thêm học thêm ngày càng biến tướng.
Dạy thêm, học thêm là đề tài bàn luận chưa bao giờ vơi sức nóng trên khắp các diễn đàn, hội nghị mặc dù bản chất việc dạy thêm và học thêm không phải là điều xấu nếu nó đơn thuần xuất phát từ nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người học, thông thường thuộc nhóm có năng khiếu/đam mê muốn học nâng cao, hoặc nhóm học sinh cần bổ sung, củng cố kiến thức cơ bản.
Trong trường hợp này, dạy thêm học thêm là hoạt động truyền đạt và lĩnh hội kiến thức giữa thầy và trò, ra đời và tồn tại dựa trên nền tảng là quy luật cung – cầu.
Tuy nhiên, hiện nay việc dạy thêm, học thêm ngày càng biến tướng vượt ra ngoài quy luật cung – cầu khi có nhiều nơi cả lớp phải đi học thêm, trường tổ chức dạy thêm đại trà cho tất cả các lớp học sinh chính khóa, hoặc lớp 1 đã phải lao vào học thêm chủ yếu là do chương trình quá tải ở tất cả các khối lớp, cho nên nếu không học thêm thì học sinh khó có thể vượt qua được các kỳ kiểm tra, kì thi.
Chương trình nặng từ lớp 1
Từ năm học 2020 – 2021, học sinh lớp 1 học sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng chưa đến một tháng triển khai, nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên đã phàn nàn về nội dung sách Tiếng Việt 1 nặng, quá nhiều chữ, khó hiểu, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh khiến học sinh khó tiếp thu.
Vì sao học sinh lớp 1 phải học nhiều, học nhanh như vậy? Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thừa nhận, “chương trình mới được điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt và xem đó là điều kiện để học các môn khác”. Cùng với đó, học sinh lớp 1 phải “cõng” 23 đầu sách như, vở bài tập; sách giáo khoa môn Toán, Tiếng Việt (tập 1, tập 2); Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Âm nhạc; Mỹ thuật; Hoạt động trải nghiệm; Giáo dục thể chất (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống); sách Tiếng Anh I-learn smart start; vở bài tập các môn; sách tham khảo và bộ thực hành.
Theo quan điểm của người viết cũng là một giáo viên đang đứng lớp, thì chính sự nôn nóng này đã gây quá tải cho học sinh lớp 1. Và thế là cứ sau giờ tan trường vào buồi chiều, nhiều học sinh lớp 1 lại được cha mẹ chở đến nhà thầy cô hoặc các trung tâm học thêm nhiều giờ sau đó mới được đón về nhà.
Nhiều người nói rằng, ông bà, cha mẹ, anh chị… có thể dạy học sinh lớp 1, không cần phải học thêm, nhưng cần biết rằng “trăm hay không bằng tay quen” – nghĩa là nếu thiếu phương pháp sư phạm thì người lớn dạy các em 6 tuổi cũng không phải chuyện dễ.
Lớp 9 quá tải ở môn Ngữ văn, Toán
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 có nhiều bài học mà đến cả thầy cô còn cảm thấy rất khó hiểu nhưng học sinh thì buộc phải học.
Cụ thể, cấu trúc phần văn bản văn học chưa khoa học, đó là dạy chương trình văn học trung đại (viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, vay mượn thi pháp Trung Quốc) rồi mới đến văn học hiện đại (gần gũi với tâm lí học sinh) – như thế là dạy phần khó trước, phần dễ sau mà lẽ ra phải làm ngược lại.
Hay đưa văn bản “Tiếng nói của văn nghệ” (Nguyễn Đình Thi) vào giảng dạy khiến học sinh phải “vò đầu bứt tóc” mà chẳng hiểu gì vì kiến thức lí luận văn học rất khó và xa lạ với độ tuổi 15.
Có thể dẫn một số câu như: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì đó mới mẻ”.
“Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”.“Văn nghệ nói chuyện với tất cả tâm hồn chúng ta, không riêng gì trí tuệ, nhất là trí thức”.
Hoặc đoạn trích kịch “Tôi và chúng ta” (Lưu Quang Vũ) cũng khiến cho học sinh lớp 9 rất ngỡ ngàng vì nội dung kiến thức nói đến “cái mới”, “cái lạc hậu” của nền kinh tế bao cấp những năm 80 ở thế kỉ trước.
Thông điệp của vở kịch là, “không thể có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung, không thể giữa mãi các nguyên tắc, phương pháp của thời cũ trước sự biến chuyển sinh động của cuộc sống. Cái “chúng ta” được hình thành từ nhiều cái “tôi” cụ thể…” – có thực sự cần thiết cho học sinh lớp 9 không, cũng là điều người viết rất băn khoăn.
Điều đáng nói là, những bài học như thế học sinh cũng phải kiểm tra – miệng, 15 phút, giữa kì, cuối kì, thậm chí được đưa vào đề thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi văn hóa, nên không còn cách nào khác buộc các em phải đi học thêm.
Và điều oái oăm thay, cho dù đã được học thêm nhưng nhiều học sinh cũng chẳng hiểu gì, các em được đọc chép hoặc giáo viên cho sẵn tài liệu, rồi cứ thế mà học thuộc để cho qua kì kiểm tra, kì thi.
Riêng về môn Toán bậc phổ thông, nhiều giáo viên cho rằng, học sinh đang “đánh vật” với những bài toán khó (kể cả những kiến thức đó hoàn toàn xa rời thực tế cuộc sống) nếu không học thêm, học sinh chỉ còn biết “cắn bút”.
Từ 18/4/2013, trao đổi với Báo Thanh Niên, thầy Nguyễn Quang Phương, giáo viên dạy toán Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội), cho rằng nhiều nội dung kiến thức còn nặng.
Thầy Phương lấy ví dụ, ở lớp 9 có hẳn một chương về hình học không gian, trước đây học sinh bậc trung học phổ thông mới phải học đến.
Khi thực hiện chương trình năm 2002, Bộ Giáo dục muốn thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở nên đẩy phần kiến thức đó xuống lớp 9 với mong muốn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nếu không học tiếp vẫn được học về nội dung này.
Tuy nhiên, phân luồng không thực hiện được nhưng học sinh trung học cơ sở vẫn phải ì ạch “gánh” phần nội dung nặng so với lứa tuổi.
Kì thi tốt nghiệp thay đổi về cấu trúc
Từ khi phương án thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 thay đổi, cụ thể môn Toán, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên và Tổ hợp Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm thì học sinh đổ xô đi học thêm luyện thi bởi giáo viên đều thay đổi phương pháp dạy.
Nhiều học sinh bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở trên lớp, giáo viên chủ yếu giảng dạy bài học theo phân phối chương trình nên thầy cô không có thêm thời gian để luyện đề trắc nghiệm. Không còn cách nào khác, các em phải đi học thêm do chính thầy cô mình dạy hoặc tìm đến các trung tâm để luyện thi.
Một tổ trưởng chuyên môn tổ Toán ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, trước đây thi tự luận, chủ yếu học sinh học theo chiều sâu nhưng khi chuyển sang thi trắc nghiệm thì cần học theo chiều rộng.
“Nói thật, nếu không đi học thêm, không được luyện tập thường xuyên thì học sinh khó có thể được điểm cao vì thiếu kĩ năng cần có khi làm bài thi trắc nghiệm”, thầy giáo thẳng thắn nhìn nhận.
Bên cạnh đó, cách ra đề thi môn Ngữ văn của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm qua cũng thường xuyên thay đổi, kéo theo đó học sinh phải học thêm để nắm vững và quen dần với cấu trúc mới.
Theo đó, cấu trúc đề thi gồm có hai phần: Đọc hiểu và Làm văn. Riêng câu nghị luận văn học luôn thay đổi, cũng là lí do khiến học sinh phải học thêm.
Năm 2015, đề yêu cầu cảm nhận về nhân vật qua một đoạn văn và bình luận cách nhìn về cuộc sống, con người của tác giả; Năm 2016 chuyển sang phân tích tình huống truyện để làm rõ một ý kiến;
Năm 2017, cơ bản đề không có gì thay đổi so với năm 2016. Nhưng năm 2018, đề ra tác phẩm lớp 12 và có liên hệ với tác phẩm ở lớp 11.
Năm 2019, đề yêu cầu cảm nhận một đoạn văn kèm với nhận xét về những phát hiện của tác giả qua tác phẩm; Đến năm 2020, đề yêu cầu đơn giản hơn là phân tích một đoạn thơ cho sẵn.
Vậy nên, để giảm thiểu và tiến tới triệt tiêu sự biến tướng của dạy thêm, học thêm, ngay từ bây giờ Bộ Giáo dục cần nhanh chóng bắt tay vào cuộc rà soát lại toàn bộ chương trình sách giáo khoa hiện hành để loại bỏ những nội dung chưa phù hợp.
Làm được điều đó, giáo viên sẽ bớt nhọc nhằn hơn với nghề dạy học và chuyện dạy thêm cũng nhanh chóng “hạ nhiệt”.
Theo Giaoduc.net.vn