Đại Học
26/06/2024

Học ngành Truyền thông đa phương tiện ở thời đại số, sinh viên cần làm mới bản thân

Đây là ngành học thời thượng, linh hoạt và phù hợp với xu hướng hiện đại nhưng cũng nhiều áp lực, đòi hỏi không ngừng đổi mới để thích nghi.

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và internet, nhu cầu nhân lực trong ngành truyền thông đa phương tiện ngày càng tăng cao, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho giới trẻ.

Trong lĩnh vực truyền thông có rất nhiều ngành bổ trợ cho nhau, mỗi ngành sẽ có những đặc trưng, kỹ thuật và nhiệm vụ đặc thù riêng. Thực tế, hiện nay vẫn có nhiều người nhầm lẫn giữa hai ngành Truyền thông đa phương tiện và Truyền thông đại chúng dẫn đến những lựa chọn ngành nghề, hướng phát triển không phù hợp với bản thân.

Phân biệt Truyền thông đại chúng và Truyền thông đa phương tiện

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn San, Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội, Phó trưởng phụ trách bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết tuy hai ngành có nhiều điểm tương đồng nhưng về bản chất đây là hai ngành học hoàn toàn khác nhau.

Bài 68 ôn tập phép tính với số tự nhiên.png
Thạc sĩ Nguyễn Văn San, Phó Trưởng khoa Khoa học xã hội, Phó trưởng phụ trách bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Truyền thông đại chúng (Mass Communication) là một khái niệm rộng bao hàm nhiều lĩnh vực toàn diện và đa dạng, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành quan điểm, lan truyền thông tin và ảnh hưởng đến tư duy cộng đồng.

Trong nhóm ngành truyền thông, Truyền thông đại chúng đào tạo sinh viên về các phương pháp truyền đạt thông tin như báo chí, phim, ảnh, mạng… đến nhiều đối tượng khác nhau, sử dụng các phương tiện thông tin để đạt được mục tiêu đề ra.

Ngành Truyền thông đại chúng sẽ thiên về kiến thức đại cương và tiếp cận các phương tiện truyền thông, khả năng phân tích, đánh giá, thẩm định thông tin các chương trình, hoạt động, dịch vụ truyền thông.

Trong khi đó, ngành Truyền thông đa phương tiện (Mass Media) sẽ đi sâu vào các phương tiện mới, công nghệ để tạo ra các tương tác nghe, nhìn để tiếp cận nhiều hơn đến công chúng. Cụ thể, ngành Truyền thông đa phương tiện đòi hỏi cần có các kỹ năng quay dựng, tổ chức sản xuất, thiết kế, sáng tạo… Từ đó cho ra các sản phẩm mang tính ứng dụng trên các phương tiện trong lĩnh vực truyền thông khác nhau như báo chí, quảng cáo, sản xuất phim…

Chương trình đào tạo Truyền thông đa phương tại tại HIU mang tính ứng dụng cao

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn San, ngành Truyền thông đa phương tiện là ngành học đào tạo theo hướng ứng dụng nên tất cả các học phần cơ sở ngành và chuyên ngành của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đều thiết kế thiên về thực hành nghề nghiệp.

Chương trình Truyền thông đa phương tiện của trường được sắp xếp một cách hệ thống gồm khối kiến thức giáo dục đại cương, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, khối kiến thức cơ sở ngành và khối kiến thức bổ trợ.

Trong khối kiến thức cơ sở ngành, sinh viên sẽ được học về văn học Việt Nam và thế giới, lý luận truyền thông, kiến thức cơ bản về các loại hình báo chí. Tiếp đến, sinh viên sẽ được cung cấp những kiến thức chuyên sâu về báo in và xuất bản, hoạt động nghiệp vụ truyền thông, kiến thức về công nghệ thông tin như xử lý hình ảnh báo chí, dàn trang báo, thiết kế website, quay phim, ảnh báo chí, viết tin, viết kịch bản, quảng cáo…

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có các phòng thực hành như phòng studio, phòng máy tính,…và các cơ sở vật chất tốt nhất, giúp sinh viên vừa học lý thuyết kết hợp thực hành nghề nghiệp ngay tại trường.

Bên cạnh đó, trường còn có nhiều câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa liên quan đến chuyên môn cho sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện như câu lạc bộ HIU-Creator, HIU-Produce, câu lạc bộ Event, Làng hương sắc Việt… Hàng năm các câu lạc bộ này tổ chức rất nhiều sự kiện như cuộc thi Powervoice, sáng tạo nội dung truyền thông, sản xuất phim ngắn,… dành cho các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện.

Ngoài ra, nhà trường đã ký kết hợp tác với rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp truyền thông để tạo cơ hội cho sinh viên có môi trường thực hành, thực tế.

Sinh viên cần luôn cập nhật, nâng cấp các kỹ năng để thích ứng với nghề

Phạm Bảo Trâm, cựu sinh viên K9 ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng hiện đang đang làm phóng viên kiêm biên tập viên của Trung tâm văn hoá thể thao và truyền thanh – truyền hình huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết, đây là vị trí việc làm phù hợp với những gì Bảo Trâm đã được đào tạo tại đại học.

68e03c49cf8d6cd3359c.jpg
Phạm Bảo Trâm, cựu sinh viên K9 ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: NVCC.

Theo Bảo Trâm, ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã được đào tạo các kỹ năng để có thể tác nghiệp. Chương trình học của trường bám sát các yêu cầu thực tế của nghề, bên cạnh đó các câu lạc bộ, cuộc thi trong trường là “sân chơi” giúp chị rèn nghề và khơi gợi đam mê, hứng thú của bản thân.

Còn Trang Diệu Quý, cựu sinh viên K16 ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, hiện đang công tác tại báo Tuổi Trẻ chia sẻ, chị đã bắt đầu làm việc tại báo Tuổi Trẻ với vai trò là cộng tác viên thường xuyên từ năm cuối đại học, trước kỳ thực tập khoảng 7 tháng.

Diệu Quý cho biết những buổi giao lưu workshop, những chương trình ngoại khóa của trường đã giúp chị mở rộng mối quan hệ, giao lưu học hỏi, kết nối với những phóng viên. Đây chính là cơ hội giúp chị có thể tìm kiếm được công việc phù hợp để cộng tác và làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

0c754a96b652150c4c43.jpg
Trang Diệu Quý, cựu sinh viên K16 ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: NVCC.

Theo chị Diệu Quý, ngành Truyền thông đa phương tiện có tính ứng dụng cao, sinh viên có thể làm được nhiều ngành nghề sau khi ra trường. Để có được công việc phù hợp trong tương lai, sinh viên phải luôn cập nhật, học hỏi và nâng cấp kỹ năng, chuyên môn của bản thân. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần định hướng rõ bản thân muốn theo nghề gì sau khi ra trường để có hướng đi phù hợp. Đối với nghề báo, sinh viên cần rèn luyện nhiều kỹ năng viết bài, chụp ảnh và quay phim để có thể trở thành một phóng viên đa năng.

Nói về những kỹ năng cần thiết để ứng dụng vào nghề nghiệp, thạc sĩ Nguyễn Văn San cho rằng, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện cần trau dồi kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về công nghệ đa phương tiện, kỹ thuật chuyên môn và cảm quan sáng tạo tác phẩm, kiến thức nền tảng về mảng mỹ thuật.

Bản thân sinh viên phải chăm chỉ tìm hiểu những kiến thức về sáng tạo nội dung và đặt ra những câu hỏi về công nghệ nào đằng sau những nội dung đó. Ngoài ra, sinh viên cần tự trau dồi các kỹ năng lập kế hoạch, lên khung ý tưởng cho các chiến dịch truyền thông và quảng cáo, thiết kế ra những sản phẩm truyền thông mang tính ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thầy San nhận định, ngành Truyền thông đa phương tiện là một ngành học “thời thượng”, có tính linh hoạt, phù hợp với hơi thở thời đại tuy nhiên, đây cũng là ngành có nhiều áp lực. Để thích nghi và “tồn tại” được với ngành đòi hỏi sinh viên không ngừng làm mới bản thân, “nâng cấp” bản thân. Các bạn sinh viên cần chuẩn bị bản lĩnh, chuẩn bị kiến thức, kĩ năng và trải nghiệm trên ghế nhà trường để đáp ứng yêu cầu công việc mà xã hội đề ra.

Thùy Trang
(Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Trường Đại học Gia Định tham gia tọa đàm quốc tế tại Thái Lan

Vừa qua, Trường Đại học Gia Định (GDU) đã tham gia tọa đàm quốc tế “Green Synergy Solutions to Net-Zero Emissions Based on Bioenergy Technologies for Resilience and Sustainability” (tạm dịch: Giải pháp Hợp tác xanh để đạt được khí thải ròng bằng 0 dựa trên công nghệ sinh khối cho khả năng phục hồi […]

Nam sinh UKA đạt học bổng toàn phần của Chính phủ Singapore

Nguyễn Tạ Đăng Khoa, học sinh lớp 11.1, Trường Song ngữ Quốc tế UKA Bà Rịa, là một trong ít học sinh trên cả nước vừa giành được suất học bổng toàn phần ASEAN của Chính phủ Singapore. Học bổng có giá trị trong bốn năm, tài trợ hoàn toàn học phí và sinh hoạt […]

Khoa Kinh tế quản trị HIU chính thức ký kết MOU với 04 doanh nghiệp

Sáng ngày 28/10, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) đã có buổi gặp gỡ, làm việc và ký kết MOU cùng 4 Công ty: Công ty Cổ phần Chứng khoán Alpha; Alanta Power Engineering (UK); Tide Power Technology co., limited (HongKong) và Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Việt Hòa Phát. […]