Sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến hình ảnh những làng nghề truyền thống chỉ còn nằm trên trang sách. Để thực tế hóa những kiến thức ấy, Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm thăm làng Nón Trà Lộc – một ngôi làng nổi tiếng với nghề chằm nón.
Đưa kiến thức từ lớp học ra thực tế
Tham quan – học tập – trải nghiệm – sáng tạo là chuỗi các hoạt động thường xuyên được tổ chức tại trường iSchool Quảng Trị như một cách kết nối nhanh nhất những kiến thức từ sách vở đến với thực tế của đời sống xã hội.
Dự án học tập vì cộng đồng “Chiếc nón lá quê hương” là dự án dạy học liên môn dựa trên cơ sở kiến thức bộ môn Ngữ văn tích hợp liên môn với Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Mỹ thuật,… Áp dụng việc dạy học theo dự án lồng ghép các chương trình của Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng như: JA, STEAM, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Dự án do cô Dương Thị Thu Trang hướng dẫn với hơn 100 học sinh iSchool Quảng Trị tham gia.
Nghệ nhân giới thiệu về nguyên liệu làm nón lá.
Chuyến thực tế trải nghiệm lần này đã đưa cái bạn nhỏ đến một ngôi nhà có truyền thống làm nón của Quảng Trị – làng Nón Trà Lộc. Tại đâ, các bạn học sinh đã được nghệ nhân thuyết minh về sự ra đời, các nguyên liệu, về quy trình làm ra một chiếc nón lá như: Thu lá nón, xử lý lá, chọn khung chằm, đan nón,…
Các học sinh iSchool trải nghiệm công đoạn chuẩn bị lá nón.
Khi các chiếc nón lá hoàn thành, các học sinh iSchool Quảng Trị được đóng vai là những nhà họa sĩ tài ba, hô biến những chiếc nón lá đơn sơ, bình dị thành những tác phẩm nghệ thuật. Với sự sáng tạo, khiếu thẩm mỹ rất riêng, mỗi bạn học sinh lại say sưa thỏa sức vẽ hình, phối màu trên những “tác phẩm” của riêng mình. Những bức tranh làng quê tươi sáng, con trâu ra đồng gặm cỏ trên những đồng làng, hoa sen thơm ngát trong đầm hay cô thiếu nữ với tà áo dài tha thướt… tất cả được thu gọn trong từng chiếc nón thân thương.
Nuôi dưỡng văn hóa dân tộc cho lớp trẻ ở iSchool Quảng Trị
Nón là là hình ảnh quen thuộc và là biểu tượng cho nét văn hóa độc đáo của người dân Việt. Không chỉ là một dụng cụ che nắng che mưa, nón lá còn được bạn bè quốc tế mến mộ như một hình ảnh đại diện đi kèm với áo dài của người phụ nữ Việt Nam.
Cô Thu Trang (áo dài đỏ) là người đồng hành cùng các bạn nhỏ trong dự án
Tại Quảng Trị, làng Nón Trà Lộc là làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm tuổi vẫn bảo tồn, lưu giữ những nét bản sắc văn hóa của làng quê ở vùng đất này. Tuy nhiên qua thời gian, làng nghề vẫn là một địa chỉ lạ lẫm với nhiều người con quê hương, đặc biệt là học sinh. Việc chọn làng nghề làm nón để trải nghiệm như một cách giúp học sinh tìm về nguồn cội, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa tinh thần của chính địa phương mình.
Không có bài học nào giá trị bằng những bài học được viết nên từ cuộc sống. Từ những chiếc lá, chiếc vành, sợi chỉ…đến những chiếc nón hoàn thiện, đây là kết quả của một quá trình từ đôi bàn tay cần mẫn, khéo léo mà các em sẽ không thể cảm nhận được nếu chỉ qua vài hình ảnh trên giấy hay đôi ba lời mô tả.
Những đôi bàn tay tỉ mỉ chăm chút cho “tác phẩm” của mình
Với dự án “Chiếc nón lá quê hương”, học sinh iSchool Quảng Trị không chỉ trang bị thêm cho mình những kiến thức bổ ích mà còn nuôi dưỡng tâm hồn các em tình yêu đối với chiếc nón lá mộc mạc bình dị, sự trân trọng, gìn giữ một nét đẹp truyền thống văn hóa làng quê. Bài học giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước con người chính nơi mình sinh ra và lớn lên.
Học tập vì cộng đồng
Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại, nhưng dù ở xã hội nào thì những làng nghề truyền thống vẫn có giá trị riêng. Việc giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ là giữ gìn nét văn hóa tinh hoa của dân tộc mà thông qua đó, địa phương có thể phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động, giúp ổn định cuộc sống.
Chuyến trải nghiệm đã đem đến nhiều thú vị cho các bạn học sinh
Hiện tại, dự án “Chiếc nón lá quê hương” vẫn đang tiếp tục diễn ra giai đoạn thứ 3. Các cô trò iSchool Quảng Trị vẫn đang miệt mài tô vẽ để làm đẹp cho những chiếc nón. Những sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được tổ chức trưng bày và bán để gây quỹ “Chiếc nón yêu thương”. Số tiền thu được sẽ dùng để ủng hộ cho những nghệ nhân làng Nón Trà Lộc như một lời cảm ơn đến những con người đã luôn gìn giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống này. Đây cũng chính là mục đích cuối cùng của dự án – học tập để phục vụ cho cộng đồng.
Chương trình học tập và giáo dục thông qua thực tế, thoát li bục giảng, lớp học sẽ kích thích học sinh hứng thú, giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và ý nghĩa. Từ đó lan tỏa giá trị làng nghề đến với cộng đồng và bạn bè quốc tế.
THU TRANG