PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hồng, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), là tấm gương sáng về nhiệt huyết và đam mê cho con đường vừa làm thầy thuốc vừa nhà giáo. “Điều quan trọng hơn hết, bước vào ngành y hay ngành nha đều là vì bệnh nhân. Làm hết lòng, hết tâm với bệnh nhân, trời sẽ hậu đãi”, cô chia sẻ.
Hành trình trở thành thầy thuốc
Thưa cô, cô trở thành thầy thuốc như thế nào?
Tôi tốt nghiệp bác sĩ Đại học Y Dược TPHCM khóa 1980 – 1986. Vào thời điểm đó, trong 100 bác sĩ tốt nghiệp, chỉ 3 người được vào bác sĩ nội trú, trong đó tôi. Bác sĩ nội trú ở Đại học Y Dược TPHCM được xem là lực lượng kế thừa đội ngũ giảng viên, phải trải qua nhiều tiêu chuẩn xét tuyển gắt gao và các cuộc thi.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hồng, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Bác sĩ nội trú gần như cắm chốt tại các bệnh viện 24/24, lăn lộn với bộ môn, trực cấp cứu…. Vì vậy, sau 3 năm, khi ra trường, bác sĩ nội trú sẽ vừa giỏi lý thuyết, vừa giỏi lâm sàng.
Tiếp theo, tôi học lên thạc sĩ, tiến sĩ và đi học nha khoa tại ĐH Nha Tokyo (Tokyo Medical and Dental University, Nhật Bản); nhiều lần tu nghiệp ở nước ngoài ở ĐH Nha Tokyo, ĐH Hiroshima (Nhật Bản), ĐH British Columbia (ở Vancouver, Canada)…
Từ khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú vào năm 1990 đến 2019 về khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, tôi đã là giảng viên, giảng viên chính sau đó giảng viên cao cấp tại khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TPHCM. Năm 2011, tôi lấy Phó Giáo sư.
Tiếng gọi của ngành Răng Hàm Mặt
Vì sao cô chọn theo đuổi ngành Răng Hàm Mặt cách đây gần 30 năm?
Tôi còn nhớ vào những tháng cuối của lớp 12, tôi còn nộp đơn xin thi vào Đại học Sư phạm, vì tôi rất thích Toán và muốn trở thành cô giáo. Tình cờ tôi gặp một đàn chị học ở Đại học Y Dược TPHCM nói rất hay về trường cũng như mô tả trường Y là trường đẹp nhất miền Nam thời ấy. Tôi nghe xong mê liền luôn, trong khi gia đình không có ai học y hay nha. Đó đúng là cái duyên.
“Làm hết lòng, hết tâm với bệnh nhân, trời sẽ hậu đãi. Cuộc đời của chúng ta sẽ gặp nhiều may mắn.”
Sau một đêm suy nghĩ, tôi quyết định rút hồ sơ, chuyển sang thi y, thay vì thi Toán – Lý – Hóa, tôi chuyển sang thi Toán – Hóa – Sinh và phải tăng cường môn Sinh. Dù gấp rút, nhưng tôi vẫn còn thời gian. Cho đến ngày ra trường, tôi đã toại nguyện luôn cả hai, vừa làm cô giáo vừa làm bác sĩ.
Tôi từng chia sẻ với các sinh viên của mình, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn con đường vừa làm thầy thuốc vừa nhà giáo.
Tấm Lòng Vì Bệnh Nhân
Thưa cô, vì sao cô chọn chuyên ngành bệnh học miệng?
Đó cũng là một cái duyên đưa đẩy để tôi chọn ngành Răng Hàm Mặt và chuyên ngành sâu mà tôi chọn là bệnh lý miệng, tức là BỆNH HỌC MIỆNG, chứ không phải chuyên ngành khác có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Với chuyên ngành học này, tôi gắn bó nhiều nhất với Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Trong những năm tháng làm bác sĩ, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, thương nhiều cảnh đời khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhiều đau đớn. Bệnh nhân ung thư đa số còn đến viện trễ, hoàn cảnh nhiều xót xa… Nên cứ thế, tôi quyết tâm theo đuổi bệnh học miệng, đi ngành bệnh lý và ung bướu.
Ung thư hốc miệng là 1 trong 10 loại ung thư thường gặp nhất ở người, tỷ lệ tử vong cao do đa số phát hiện trễ. Ở Việt Nam, tỷ lệ phát hiện bệnh ung thư hốc miệng trễ có thể lên đến 70%, điều trị khó khăn và khó thành công.
Tuy nhiên, những nghiên cứu ấy cũng chưa làm tôi hãnh diện nhiều bằng công trình “phòng chăm sóc răng miệng từ thiện cho bệnh nhân ung thư” vào năm 2002, do khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, hợp tác với ĐH British Columbia (Canada). Phòng khám này hoạt động hơn 10 năm. Những bệnh nhân ung thư ở hốc miệng có hoàn cảnh khó khăn, trước khi xạ trị, thường cần nhổ răng. Một người cần nhổ trung bình từ 4 – 5 răng.
Du học thay đổi quan niệm sống
Bên cạnh các đào tạo bài bản, chuyên sâu ở trong nước, những khóa học hay tu nghiệp ở nước ngoài đã đóng góp như thế nào trong thành công của cô?
Đi học nước ngoài hay tiếp cận những môi trường năng động giúp thay đổi hoàn toàn quan niệm sống của bản thân tôi. Tôi trở thành con người khác hẳn, rất tích cực và vẫn giữ cái tâm. Tôi chủ động làm tiến sĩ và hoàn thành vào năm 2007 do Nhật Bản tài trợ sau đó lên phó giáo sư.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hồng quan niệm bản thân phải học giỏi thì mới giúp được người khác.
Tôi quan niệm muốn giúp được người ta, bản thân mình phải học thật giỏi. Tôi làm tiến sĩ hay phó giáo sư mới có thể hướng dẫn tốt nhiều nghiên cứu sinh, nhiều người sau đó là trưởng khoa Răng Hàm Mặt ở các bệnh viện tỉnh… Tôi phải đi trước mở đường, dìu dắt càng nhiều người quan trọng trong khoa, trong ngành, càng nhiều bác sĩ được thừa hưởng lại sự đào tạo ấy, tăng cường và đẩy mạnh ngành Răng Hàm Mặt.