Tin tức
27/04/2021

Sách “Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai”: Giấc Mơ Đất Nước Phồn Vinh của Trí Thức Việt

Nội dung tập sách “Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai” được chọn ra từ các bài viết, thư từ trao đổi giữa 22 trí thức đương thời. Các trí thức vốn là nhóm “Hội Thảo Hè” – một sinh hoạt gần như thường niên của người Việt ở nước ngoài từ năm 1997, để cùng góp tiếng nói mong muốn Việt Nam phát triển ổn định và bền vững trên nhiều lĩnh vực, đã nhận được đồng thuận từ cả trong và ngoài nước.

Chủ biên tập sách là Giáo sư Trần Văn Thọ từ Nhật Bản và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh tại Việt Nam — đã chọn lọc nội dung và biên tập quyển sách như một món quà gửi đến Giáo sư Cao Huy Thuần, như một món quà tri ân vị Giáo sư luôn trăn trở cho thời cuộc của dân tộc.

Nói như giáo sư Cao Huy Thuần trong clip thu từ Pháp và gửi về buổi ra mắt sách: Ra được quyển sách là quan trọng, nhưng nếu không được giới thiệu đến với người đọc cần thiết, thì sách cũng như bị chôn sống giữa hỗn mang tri thức của thời nay.

Nhấn mạnh vai trò của trí thức

sách việt nam hôm nay và ngày mai

Trong khi giáo sư Trần Văn Thọ từ Nhật Bản không về nước được, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh trong vị trí đồng chủ biên nhắc lại rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói nhiều về vai trò của người trí thức trong việc xây dựng xã hội mới”.

Ngoài ra, ông dẫn một phát biểu từ những năm 1960 của Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee – người đã thay đổi vận mệnh đất nước ông một cách thần kỳ: “Trong tầng lớp lãnh đạo xã hội của Hàn Quốc, trí thức làm thành khối quan trọng nhất của dân tộc”.

Xác định vai trò của trí thức đến đâu, cũng chưa quan trọng bằng thực sự cầu thị để lắng nghe, tiếp thu và thực hiện những ý kiến, công trình, hoài bão của các trí thức.

“Người đọc” ở đây theo giáo sư Thuần, có thể hiểu trước nhất chính là các nhà quản trị quốc gia, những người quy hoạch ngành và tổ chức bộ máy, vận hành nền kinh tế nước nhà.

Và thật thú vị khi tác giả Phúc Tiến cho biết khi tổ chức bản thảo sách này, giáo sư Trần Văn Thọ gợi ý cần có bài viết về lịch sử phát triển của Sài Gòn. “Đô thị phương Nam từng là hòn ngọc trong mắt bè bạn năm châu, hẳn có gì để soi chiếu cho hành trình đi lên tiếp tục của đất nước hôm nay và ngày mai chứ?”

Theo ông Phúc Tiến, Sài Gòn có tính chất “hợp chủng xứ”, một nơi hỗn dung và tích hợp được nhiều nguồn lực. Sài Gòn cũng có bề dày di sản văn hóa đáng kể cả về vật thể và phi vật thể.

Điều gì làm nên sức mạnh quốc gia?

Việt Nam hôm nay và ngày mai

Câu hỏi căn cốt của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh dường như khiến đông đảo cử tọa và các diễn giả phải nghĩ về hiện tình đất nước một cách có trách nhiệm.

Nhà kinh tế học Phạm Chi Lan nhắc lại cái lần bà “thọ nạn” khi phát biểu đại ý “Việt Nam không chịu phát triển”. Nay, vẫn với một lòng đau đáu về tình hình doanh nghiệp Việt Nam, bà nhắc lại đầy tiếc nuối khi Việt Nam đã đổ ra rất nhiều nguồn lực, tốn kém hơn các nước cùng khu vực rất nhiều chỉ để vượt qua được ngưỡng nghèo.

Bà Chi Lan nhắc lại giấc mơ Việt Nam thịnh vượng như một điểm gặp nhau giữa các tác giả sách Việt Nam hôm nay và ngày mai. Bà dẫn ý kiến các chuyên gia quốc tế tính toán rằng nếu Việt Nam tăng tốc ngay từ năm 2015 thì đến năm 2035 may ra mới đạt chuẩn quốc gia có thu thập đạt trung bình cao, như vậy chuẩn quốc gia giàu hãy còn xa lắm.

Giáo sư Cao Huy Thuần nhấn mạnh rằng một khi góp ý về phát triển tức là nói đến chính sách, là nói đến thể chế, và đó là chính trị, là nhạy cảm… Chia sẻ với tâm lý đó, tác giả Trương Trọng Nghĩa cho rằng Nhà nước đã có những chuyển động đáng kể về mặt thể chế.

Cũng theo ông Nghĩa, có những chuyển động ở tầng sâu, chẳng hạn như khi xây dựng luật, đấu tranh để đưa bằng được một khái niệm pháp lý trở thành điều luật (như quyền giữ im lặng, tuy trong luật không dùng cụm từ “quyền im lặng”), mới thấy sự đổi mới thể chế ở ta cực kỳ khó khăn.

Nội dung “Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai”

Phạm Chi Lan

Theo cấu trúc bốn phần (lịch sử, văn hóa/ tư tưởng, thể chế/ giáo dục, y tế/ kinh tế, kinh doanh), tập sách “Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai” vừa là những khuôn thước có tính chuyên môn/học thuật vừa là tâm sự thiết tha trước vòng quay nghiệt ngã của lịch sử nhìn lại cơ đồ nước nhà.

Do vậy, những ai đang có tấm lòng ưu thời mẫn thế muốn tìm gặp những tiếng nói của trí thức nhằm góp ý về một hướng đi cho đất nước có thể tìm thấy ở đây công thức do Huỳnh Bửu Sơn đưa ra gồm 3 yếu tố “ý thức hệ dân tộc, nhà nước chính danh và một giới tinh hoa” là hướng ra để phát huy sức mạnh dân tộc, phát triển giới tinh hoa xây dựng đất nước cường thịnh.

Hoặc chia sẻ cùng Trần Ngọc Vương về “Vấn đề chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia ở Việt Nam hiện nay”, Vũ Ngọc Hoàng với “Độc lập, tự do và phát triển”, Trương Trọng Nghĩa với “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – đặc thù chính trị của Việt Nam”…

Về phần mình, tác giả Huỳnh Như Phương nhận xét giáo dục Việt Nam là “một di sản nhiều khuyết tật” để rồi bên cạnh những đề khởi hướng giải quyết, ông còn bày tỏ niềm tin vào các nhà giáo dục Việt Nam.

Trực tiếp với vấn đề phát triển đất nước sau đại dịch, tác giả Trần Văn Thọ cho rằng “tư duy phát triển của Việt Nam cũng phải khác với các lý luận đã có”.

Và rồi bà Phạm Chi Lan phân tích thực trạng doanh nghiệp Việt Nam để nhìn lại giấc mơ thịnh vượng; Kim Hạnh với hoài bão bảo tồn tài nguyên bản địa; Đặng Kim Sơn muốn tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển toàn diện vừa phát huy lợi thế vùng, ngành vừa bảo vệ được môi trường…

Theo những người chủ biên tập sách, người Việt Nam đang có “giấc mơ hóa rồng”, muốn tạo ra được những sản phẩm công nghệ đẳng cấp trên thị trường thế giới, có những tập đoàn công nghệ mạnh để có thể nâng cấp nhanh chóng nền kinh tế lên tầm mức thế giới. Điều đó rất chính đáng.

“Vâng, người Việt Nam thấy cần thay đổi cả vận mệnh lịch sử của mình cho tốt hơn, như các dân tộc xung quanh từng làm, nhanh chóng hơn, quyết đoán hơn, đặc biệt như tấm gương Hàn Quốc để lại cho thế giới” – những người chủ biên tập sách này chia sẻ.

Tuy nhiên, những lưu ý tiếp theo mới thật đáng chú ý: “Sự phát triển đã đạt tốc độ hàm mũ (exponential). Kinh tế không còn chỉ là “kinh tế tri thức” mà trở thành “kinh tế đổi mới sáng tạo”.

Nhà nước cần phải có tính chất đổi mới sáng tạo, dẫn dắt đổi mới sáng tạo, “kiến tạo và phát triển”, và có những chính sách để thực hiện đổi mới sáng tạo trong tất cả các thành phần xã hội, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, học thuật; khuyến khích mọi người tư duy, động não theo hướng đổi mới sáng tạo”.

Và tập sách này chính là một bắt đầu cho sự động não đó. Hi vọng rồi đây tất cả không im lìm.

Tập sách do GS Trần Văn Thọ và TS Nguyễn Xuân Xanh cùng chủ biên, được NXB Đà Nẵng ấn hành cùng sự hỗ trợ của ban tu thư Đại học Hoa Sen. Theo TS Quách Thu Nguyệt – người giữ vai trò quán xuyến kế hoạch để quyển sách ra đời, chính GS Trần Văn Thọ là người xây dựng đề cương.

Bên cạnh sự không ngừng thao thức của trí thức trước các vấn đề của đất nước, tập sách còn được thúc đẩy ra đời bởi một lý do tao nhã: là món quà tặng GS Cao Huy Thuần – Giáo sư Danh dự Đại học Picardie (Pháp), một trí thức Việt kiều luôn hướng về Tổ quốc và mong muốn đất nước phát triển.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ và Ban Tu Thư Đại học Hoa Sen

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Nhìn lại HSU 2024: Hành trình mang giáo dục thế giới về Việt Nam, lan tỏa tri thức Việt ra toàn cầu

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành trường đại học quốc tế dành cho người Việt của HSU. Tập thể Sư phạm Trường Đại học Hoa Sen chú trọng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và liên tục đạt kiểm định quốc tế, hợp tác […]

Những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 24/12/2024. Theo đó, ngoài việc giảm 01 buổi thi, giảm 02 môn thi, tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% thì trong Quy chế năm […]

Bộ nhận diện Metro TP.HCM: Từ đồ án tốt nghiệp của sinh viên HSU đến biểu tượng phương tiện giao thông đô thị mới

Những ngày gần đây, người dân TP.HCM háo hức trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) nhưng ít ai biết, logo và bộ nhận diện Metro TP.HCM không phải được thực hiện bởi các chuyên gia mà chính sinh viên ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Hoa Sen. Ngày 22/12/2024, […]