Với suất học bổng trị giá 200 triệu đồng cho 4 năm đại học, sinh viên Nguyễn Hùng Duy – HSU đã chạm một tay tới ước mơ thay đổi cuộc đời khi liên tiếp đạt kết quả học tập xuất sắc, được mời đi dạy Anh ngữ khi chưa tốt nghiệp.
Dù có thu nhập từ việc đi dạy, Duy vẫn đồng hành cùng mẹ duy trì gánh ve chai
Nguyễn Hùng Duy (21 tuổi) cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (57 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là nhân vật trong bài viết Mẹ con “ve chai” bới từng thùng rác hạnh phúc với những huy chương học giỏi trên Thanh Niên năm 2016. Câu chuyện của mẹ con Duy khiến nhiều người xúc động vì sự cố gắng không ngừng nghỉ của hai mẹ con và thành tích học tập đáng nể của cậu con trai.
Cột mốc đổi đời
Sau bài viết, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến tận nhà để hỗ trợ hai mẹ con Duy. Đó là chiếc laptop, tài liệu nghiên cứu tiếng Anh, chiếc xe máy hay học bổng hằng tháng cho Duy học tập. Đặc biệt, với sự kết nối của Báo Thanh Niên, Trường ĐH Hoa Sen (HSU) đã trao suất học bổng tinh hoa trị giá 200 triệu đồng để “Duy ve chai” có tương lai rộng mở hơn theo đúng chuyên ngành ngôn ngữ Anh em mơ ước.
Hai mẹ con không cho phép mình được nghỉ ngơi trong mỗi đêm lượm ve chai
Đáp lại sự giúp đỡ của mọi người, hiện Duy đang là sinh viên năm cuối với điểm trung bình mỗi kỳ xếp loại giỏi. Có thành tích học nổi bật, cuối năm 3 ĐH, Duy được một giảng viên trong trường mời đến trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Anh. Bắt đầu thử sức mỗi tuần một, hai buổi dạy, giờ đây lịch dạy của Duy đã kín cả tuần, thu nhập từ vài trăm ngàn, giờ đã lên 5 – 6 triệu mỗi tháng. Cũng chính nhờ đi dạy mà Duy vượt qua được mặc cảm về hoàn cảnh bản thân bấy lâu nay. Duy cởi mở, tự tin trong giao tiếp và xác định được ước mơ của mình là trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh để chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ này với học trò.
“Nhiều khi lịch đi học, đi dạy dày đặc làm em đuối sức nhưng nghĩ sức khỏe mẹ ngày một yếu, sợ mẹ đi lượm ve chai không đủ tiền đóng trọ nên em lại xách bịch ni lông đi cùng mẹ. Vài tháng nữa là ra trường rồi, em chỉ biết phải cố gắng nhiều hơn nữa để theo đuổi ước mơ trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh và lo ngược lại cho mẹ, để mẹ được nghỉ ngơi một chút”, Duy bộc bạch.
Từ khi đi dạy, Duy cởi mở và giao tiếp tốt hơn
Ngồi bên nghe con nói, bà Hà xoa đầu con như một đứa trẻ: “Lúc nào cũng thương mẹ”. Rồi bà kể, đợt rồi bà bệnh nằm viện chục ngày, Duy ngày vào viện chăm mẹ, đêm một mình “đi ve chai” vì sợ mất mối, nhiều buổi về ngủ quên đi học làm bà xót hết cả ruột. “Giờ con biết ước mơ của mình, tôi lại càng thêm hy vọng. Mình khổ quá nên chỉ cho con được cái chữ chứ không có gì hơn”, bà Hà nói.
Đại diện Trung tâm Anh ngữ Trí Tâm cho biết, qua thời gian vào học việc và giảng dạy ở trung tâm cho thấy Duy rất tận tâm, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. “Duy nhiệt tình, quan tâm học sinh không chỉ trên lớp mà cả ngoài giờ học. Đồng nghiệp biết hoàn cảnh nên cũng động viên để Duy cởi mở, tự tin trong công việc”, vị này chia sẻ.
Thương gánh ve chai của mẹ
Suốt 4 năm ĐH, với sự đồng hành của các nhà hảo tâm, Duy yên tâm học hành nhưng vẫn không nỡ để mẹ đi lượm ve chai một mình nên hằng đêm em vẫn đi cùng mẹ.
9 giờ tối mỗi ngày, Duy từ trung tâm tiếng Anh vội chạy về phòng trọ cất xe máy, lấy xe đạp ra đồng hành cùng mẹ. Trên đường về, thấy ve chai Duy cũng tiếc, dừng lại nhặt treo toòng teng trước xe.
Căn phòng trọ chất đầy ve chai của hai mẹ con
Đúng 0 giờ, sương đêm hắt qua ánh đèn vàng đổ xuống con đường vắng bóng người qua lại, hai mẹ con, mỗi người một bịch ni lông đen giắt trên chiếc xe đạp chạy qua các tuyến đường để nhặt nhạnh vỏ chai, lon, giấy bìa carton. Hai mẹ con vẫn không ngừng cố gắng xoay xở cuộc sống, dù Duy đã có công việc với thu nhập bước đầu ổn định.
Cả đêm theo chân hai mẹ con, chúng tôi chưa lúc nào thấy mẹ con Duy ngơi tay, ngơi chân. Hai chiếc xe đạp cùng hai con người di chuyển hết đường này đến đường khác, chốc chốc lại lọt thỏm cạnh các đống rác bay mùi để lượm những gì còn có thể tận dụng. Mỗi đêm đi như vậy, hai mẹ con kiếm được hơn trăm ngàn đồng…
“Thành quả” của 2 mẹ con sau những đêm đi lượm ve chai
“Trước em cũng hơi ngại khi bạn bè thấy mình đi nhặt ve chai, nhưng giờ em quen rồi. Ve chai của mẹ nuôi em ăn học suốt bao nhiêu năm qua. Giờ học trò có thấy em cũng không ngại, vì đây là nghề chân chính, làm bằng chính sức khỏe của mình”, Duy bộc bạch.
Theo Thanhnien.vn