Tin tức
14/11/2019

TS. Đỗ Mạnh Cường: “Giáo dục phải làm cho Con Người thật sự là Người”

Sau đây là tường thuật phần phát biểu của TS. Đỗ Mạnh Cường.

Trước hết xin cảm ơn những tràng pháo tay của quý vị và xin kính chào tất cả quý vị. Đặc biệt là chào các bạn trẻ – là những người sẽ đón nhận, quản lý tương lai của giáo dục.

Cho tôi được phép hỏi ý kiến quý vị một chút:

– Những ai trong chúng ta nghĩ rằng trong những năm qua, trong mấy chục năm qua, hệ thống giáo dục của chúng ta đang phát triển giống như chúng ta muốn và bền vững? Xin giơ tay

– Rất ít, rất rất ít.

– Quý vị có nghĩ rằng trong tương lai 10-20 năm nữa, nền giáo dục VN sẽ phát triển đúng hướng và bền vững? Xin giơ tay.

– Xin cảm ơn, cũng không nhiều lắm.

Có lẽ như chúng ta không tin tưởng lắm trong suy nghĩ và điều đó hoàn toàn có cơ sở. Trước đây chúng tôi cũng lo lắng như vậy, nhưng hôm nay khi tôi đến đây, trong một chủ đề là “Tương lai của giáo dục” – vốn giáo dục ngày hôm nay đã không như mình muốn, tương lai của nó thì chưa biết – vậy mà chúng ta vẫn ngồi ở đây, gần như còn nguyên sau giờ giải lao thì làm sao không tin được tương lai của giáo dục sẽ tốt.

dmcuong2 2 TS. Đỗ Mạnh Cường: "Giáo dục phải làm cho Con Người thật sự là Người"
TS. Đỗ Mạnh Cường tại sự kiện Forbes Talks, tháng 10-2017.

Giáo dục đâu phải chỉ có việc học

Chúng ta vừa nghe 3 bài trình bày của các diễn giả, cho chúng ta những cái nhìn, thông tin khá tích cực, giúp chúng ta có hy vọng.

Rõ ràng với sự tiến bộ của CNTT đã giúp chúng ta rất nhiều việc, không phải chỉ trong cuộc sống, ngay cả việc ta cảm thấy khó khăn nhất là việc học và việc dạy. Có thể học mọi lúc mọi nơi, có thể có những “người thầy” dạy học trò không biết mệt mỏi, có thể trả lời hàng trăm lần cho một câu hỏi (trong khi đó chúng ta trả lời con chúng ta 3 lần thôi là bắt đầu bực, lần thứ 4 con hỏi là muốn bỏ qua, ra ngoài).

Chúng ta đang có những khả năng tuyệt vời nhưng có vẻ đang hơi lệch. Dường như khi nói về giáo dục chúng ta chỉ nói về việc học thôi. Nhưng giáo dục đâu phải chỉ có chuyện học. Bởi vì việc học hôm nay không còn là độc quyền của con người. Như phần trình bày của diễn giả trước thì tương lai trí tuệ nhân tạo phát triển, máy sẽ học rất tốt, rất nhanh, ứng dụng còn tốt hơn khi con người làm việc.

Mà chúng ta muốn con người là con người chứ không phải là máy học. Vì vậy, tôi cho rằng bên cạnh các thông tin tích cực mà diễn giả đã đưa ra thì chúng ta cần bàn thêm để làm sao giáo dục bền vững. Là trường học bền vững, nội dung giáo dục bền vững hay hệ thống trường bền vững… 

Cái gì là bền vững, cái gì đe dọa sự bền vững đó?

Kinh nghiệm của NHG, chúng tôi mới chỉ có khoảng 9 năm bước vào giáo dục và đầu tư mạnh mẽ đầy quyết tâm mới 2 năm thôi. Do đó, nói về sự bền vững của giáo dục, chúng tôi chỉ có thể đưa ra những thông tin mang tính chất chia sẻ những góc nhìn của chúng tôi mà thôi, để chúng ta cùng đi trên con đường khó khăn trong sự nghiệp phát triển giáo dục nhưng sẽ không cô đơn. Con người có lẽ sợ nhất là cô đơn.

Chúng ta thấy rằng bên cạnh những tiện ích, lợi ích mà CNTT mang lại cho con người thì con người cũng đang dần mất đi tính độc quyền của mình. Nếu như trước đây: học, tư duy logic là độc quyền của con người. Người ta từng nghĩ rằng tư duy logic đỉnh cao của con người nằm ở môn cờ vua nhưng cách đây 20 năm, điều đấy đã thay đổi. Khi siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh bại đại kiện tướng cờ vua người Nga, Garry Kimovich Kasparov. Thời điểm đó đánh dấu tư duy logic không còn là của riêng con người nữa.

Những nhà giáo dục bắt đầu suy nghĩ, lo lắng vì có những dấu hiệu báo trước, con người không chỉ có kiến thức, kỹ năng, tư duy logic mà còn rất nhiều điều đặc biệt khác mà nếu không có nó chúng ta sẽ không thể thành người.

Cách đây 70 năm, một nhà tư tưởng người Ý đã nói “Sai lầm lớn nhất của con người thời đại này là đánh mất cảm thức về điều xấu”. Đó là điều nguy hiểm nhất, khi con người làm điều xấu mà không nhận thức được đó là điều xấu. Chính việc này có thể tiêu diệt con người.

CNTT mang đến nhiều giá trị nhưng cũng đặt con người ở thế đối nghịch với nhau cho dù đôi khi người ta không mong muốn điều đó. Chẳng có mâu thuẫn nào giữa tài xế VinaSun với Grab hoặc Uber nhưng rõ ràng nó đã có và nguyên nhân gián tiếp hình như người ta nghĩ là bởi công nghệ, hay nói khác hơn là cách con người làm chủ và sử dụng công nghệ.

Cách mạng 4.0 đã đi vào thực tế VN chứ không còn trong tương lai nữa, có những công ty cách đây vài tháng người ta đã loại 80-90% công nhân để thay bằng robot. Gần đây có một lĩnh vực khác cũng tương đối là độc quyền của con người, gắn kết con người với nhau nhưng cũng đã xuất hiện những sự thay thế: robot giáo viên, robot tình dục…

Sự thay đổi này có khi ở ngay trong nhà chúng ta. Hình ảnh này (những thành viên trong gia đình ngồi trên bàn ăn nhưng ai cũng cầm một cái ipad và nhìn chăm chăm vào đó) quý vị có thường thấy không? Chúng ta gặp nó ở bất cứ đâu, CNTT đã xóa đi các biên giới về địa lý, kéo con người rất xa lại gần nhau nhưng cùng lúc đó chia rẽ những con người đang ở rất gần nhau.

thay cuong 1 TS. Đỗ Mạnh Cường: "Giáo dục phải làm cho Con Người thật sự là Người"

Giáo dục phải làm cho Con Người phải thật là Người

Đối diện với tương lai với sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo thì rất nhiều điều con người sẽ không cần làm. Các nhà giáo dục phải nhìn lại, có lẽ con người đang bị “đạp dần” ra bên ngoài, không còn là vị trí trung tâm nữa. Giáo dục tương lai muốn bền vững, muốn con người thật sự hạnh phúc với đầy đủ phẩm giá của mình thì giáo dục phải làm cho con người thật sự là người.

Mỗi khi có một ứng dụng công nghệ làm giảm nhẹ sự lao động thì chúng ta vui mừng nhưng đừng để điều đó ảnh hưởng cách suy nghĩ của chúng ta về con người – Vì khi nghĩ như vậy là chúng ta đang đánh giá con người theo chức năng mà người đó có thể làm. Con người còn có những giá trị tuyệt vời khác.

Nick Vujicic xét về chức năng thì chẳng có giá trị gì vì anh ta không có cả tay và chân thì làm được gì. Nhưng quý vị thấy đó, Nick Vujicic vẫn mang tới nhiều điều khác, truyền cảm hứng sống cho hàng trăm nghìn người.

Mẹ Têrêsa cũng không tạo ra những giá trị vật chất to lớn nhưng bằng tình yêu thương, bà đã có những việc làm cụ thể bà giúp mọi người, những người nghèo khó được “chết như một con người”.

Những giá trị đó người ta gọi là nhân bản.

Nhân bản – điều quan trọng nhất để phân biệt con người và những tồn tại khác

Triết lý giáo dục nhân bản có mấy điểm sau đây, nhân bản là điều quan trọng nhất để phân biệt con người với tất cả những tồn tại khác:

– Trí tuệ: không chỉ có kiến thức mà còn là sự khôn ngoan, cách dùng kiến thức trong tương quan giữa mình và người khác, sáng tạo ra những giá trị…

– Tình yêu: Robot tình dục chỉ đáp ứng về thể xác nhưng không thể cho tình yêu. Tình yêu của con người đôi lúc vượt qua mọi giới hạn, vượt qua cả sự sống và cái chết…

– Tự do: Quyết định của con người có thể cho họ hạnh phúc khi quyết định đó trong tự do. Gượng ép tình yêu thì không hạnh phúc… Tự do là điều rất quan trọng.

Một cách nhìn khác cho rằng đức tính nhân bản cốt lõi của con người là: Khôn ngoan – Can đảm – Công bằng – Tiết độ. Chính những kỹ năng mà chúng ta mong muốn người trẻ có là tập hợp của 4 giá trị cốt lõi này.

UNESCO xác định 12 giá trị nhân bản cốt lõi như những hoa trái trên một cái cây.

Nhân đây xin nói thêm, nhiều người nghĩ doanh nhân là cần tiền, thành công này thì phải có thành công kế tiếp, mang lại những doanh thu mới. Nhưng nếu chỉ có thành công mà không mang tới những giá trị gì thì chẳng sinh hoa trái. Có những cuộc đời không thành công quá lớn nhưng sinh ra rất nhiều hoa trái.

Nhiều năm trước tôi đưa các bạn trẻ của tôi lên trại phong Bến Sắn (Bình Dương), chúng tôi thấy có rất nhiều đoàn cứu trợ, công tác xã hội tới cho quà. Khi tôi hỏi thì người ta trả lời là: Họ đã quen nhận rồi. Tôi hỏi: Sao không nghĩ gì cho họ làm. Họ trả lời: Không được, làm gì bán ra cũng không ai mua thì làm sao được.

Không chấp nhận cảnh đó, chúng tôi đăng ký một đề tài nghiên cứu cấp bộ, chúng tôi đi các trại phong trải dài trên cả nước, chúng tôi thử nghiệm nhiều thứ nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định làm gì đó liên quan đến nghề nông – vì họ đa phần xuất thân từ nông dân. Chúng tôi mang theo một mớ hạt giống, họ trồng vào mảnh đất nhỏ của mình. Một ngày khi tôi ra thăm từng gia đình một thì có 2 vợ chồng kia, họ kể với tôi niềm vui khi họ nhìn thấy dưa leo lớn, họ thu 10 trái và biếu cho mọi người. Đến giờ này tôi chưa bao giờ nhìn thấy nét mặt rạng rỡ, ánh mắt hạnh phúc như vậy.

Họ đã được làm người, có những giá trị để chia sẻ cho người khác. Họ không thành công về tiền bạc nhưng thành công của họ là trồng được cái cây, có quả rồi chia cho mọi người.

Trải nghiệm không phải là lý thuyết suông

Chúng ta không thể giáo dục cái gì đó quá to lớn mà chỉ có thể giáo dục con người trong tương quan sống của con người (tương quan với người khác, với xã hội, với tự nhiên). Chúng tôi muốn đưa sự trải nghiệm không chỉ là lý thuyết suông mà là những giá trị thật mà các em học sinh, sinh viên có thể nhận được trong quá trình học. Mô hình giáo dục trải nghiệm không có nghĩa là chúng ta nhìn tiêu cực về công nghệ. Giáo dục là phải mang tới các em sống có ích, nhân bản, trên nền tảng công nghệ và trở thành công dân toàn cầu.

Hệ thống giáo dục NHG có triết lý giáo dục nhân bản. Ở đó có trí tuệ – tình yêu thương, sự tôn trọng – thói quen, hành động – sức khỏe. Nhưng triết lý đó không thể thực hiện một cách rời rạc, nay một tí mai một tí mà nó phải nằm trong một thể thống nhất, khép kín từ mầm non – phổ thông – đại học – sau đại học.

Chúng tôi cũng đã thiết hệ với rất nhiều đối tác trong và ngoài nước để học sinh, sinh viên chúng tôi có cơ hội tốt nhất trải nghiệm và làm chủ công nghệ, tiếp cận thực tế.

Chúng tôi chọn giáo dục làm mũi nhọn vì điều gì? Chúng ta biết câu nói: “Người nào được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích gì?”.

NHG không chỉ muốn NHG sinh hoa trái, sinh ra những giá trị mà những học trò của mình cũng vậy, không ai có thể hạnh phúc một mình nếu xung quanh mọi người không hạnh phúc.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe./.

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 24/12/2024. Theo đó, ngoài việc giảm 01 buổi thi, giảm 02 môn thi, tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% thì trong Quy chế năm […]

Ngành Digital Marketing có gì khác so với ngành Marketing truyền thống?

Sự khác biệt chính giữa Marketing truyền thống và Digital Marketing nằm ở phương tiện và công cụ được sử dụng. Digital marketing (hay còn gọi là tiếp thị số) được hiểu là hình thức sử dụng công nghệ số, internet làm phương tiện cho các hoạt động truyền thông và marketing. Nói cách khác, Digital […]

Vì sao đại học Mỹ ngày càng đắt đỏ?

Đầu tư cho giáo dục giảm, nhu cầu học đại học tăng là những nguyên nhân khiến chi phí học đại học tại Mỹ ngày càng đắt đỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây vẫn là khoản đầu tư xứng đáng. Theo dữ liệu của tổ chức giáo dục College Board, trong năm […]