Tốt nghiệp thủ khoa ngành Vật lý Trị liệu khóa 2016 – 2020 song Võ Nhật Nam vẫn nuôi ước mơ trở thành nhà giáo. Sự dung hòa giữa nghề y và nghề dạy học đã thôi thúc anh ở lại và trở thành giảng viên của Khoa Vật lý Trị liệu Phục hồi chức năng của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU).
Ngành Vật lý Trị liệu đòi hỏi sự kiên nhẫn
Cơ duyên đưa thầy Võ Nhật Nam đến với nghề Vật lý trị liệu cũng rất tình cờ. Trong một dịp tại nhà có đứa cháu bị chân khoèo được điều trị bằng phương pháp Vật lý trị liệu. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu về ngành. Đến khi chọn vào đại học, Nam quyết định vào ngành Y đặc biệt lựa chọn ngành Vật lý trị liệu.
Thầy giáo Võ Nhật Nam – Giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
“Vật lý Trị liệu – Phục hồi Chức năng là giai đoạn cuối cùng, giúp cho bệnh nhân có thể quay lại hòa nhập với cuộc sống, đặc biệt sau khi bệnh nhân bị một chấn thương cũng như sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật.” Võ Nhật Nam chia sẻ. Vật lý Trị liệu không giống thuốc có thể cho bạn thấy được kết quả điều trị gần như ngay lập tức trong giai đoạn ngắn. Võ Nhật Nam tâm sự, đây là một quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian.
Mọi người thường nghĩ ngành Vật lý trị liệu chỉ đơn giản song ngành học này lại có đa dạng các chuyên ngành khác nhau như: VLTL Cơ-xương, VLTL Thần kinh-cơ, VLTL Tim mạch- hô hấp, VLTL Sản-nhi… Mỗi chuyên ngành có một đặc trưng riêng và cái hay riêng của nó. Đây cũng là lĩnh vực trong khối khoa học sức khoẻ, do đó sinh viên cần nắm các kiến thức y học cơ sở.
“Đầu tiên, để theo đuổi ngành học này các bạn xác định rõ đó là sự “Yêu nghề”, vì có yêu nó bạn mới thật sựu dành cả thời gian cho nó. Bênh cạnh đó, chúng ta còn phải có sự mày mò, tìm tòi học hỏi và biết tiếng Anh. Bởi vì, tài liệu của chuyên ngành này bằng tiếng Việt chưa nhiều. Và hơn hết tính kiên nhẫn là điều không thể thiếu với một chuyên gia Vật lý trị liệu,” Võ Nhật Nam chia sẻ kinh nghiệm.
Võ Nhật Nam là đã tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Vật lý Trị liệu khóa 2016 – 2020 và được mời ở lại công tác tại trường
Thầy giáo và thầy thuốc ngành Vật lý Trị liệu
Mặc dù chọn học Vật lý trị liệu nhưng ước mơ từ bé của thầy Võ Nhật Nam là làm thầy giáo. Càng học, Nam càng thấy yêu ngành Vật lý trị liệu và muốn mọi người hiểu đúng về ngành. Đến hiện tại, anh vừa trở thành một giảng viên – nghề đã thích từ bé và đồng thời cũng là một nhà chuyên môn Vật lý trị liệu.
Ngành Vật lý trị liệu đòi hỏi sự thực hành nhiều nên thường sau các buổi thực hành trên lớp, thầy Nam luôn tìm cách để sinh viên được tự mình thực hiện các bài tập về sức khỏe. Thầy thường đăng ký mượn phòng lab của khoa để thực hành nâng cao kỹ thuật của mình cũng như cho sinh viên. Đặc biệt, trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở TP.HCM, Võ Nhật Nam với vai trò của một người thầy giáo và một bác sĩ đã cùng các bạn sinh viên khối ngành sức khỏe của HIU tham gia chống dịch tại các bệnh viện hồi sức Covid-19.
“Kỉ niệm trong đợt công tác tại bệnh viện Covid-19 là những kỉ niệm sẽ không bao giờ quên với tôi. Đội Vật lý trị liệu của HIU là đội đầu tiên về chuyên ngành Vật lý trị liệu có mặt tại bệnh viện tuyến cuối trong điều trị Covid. Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu nhận việc chỉ có 6 thầy trò (tôi và 5 bạn sinh viên), với một lượng công việc khá lớn, tất cả đều cố gắn hoàn thành tốt công việc của mình. Ngoài thời gian làm tại bệnh viện, chúng tôi dành cả buổi tối đều ngồi lại để trao đổi về các trường hợp đã gặp tại bệnh viện, giải thích các thắc mắc của các bạn sinh viên để các bạn hoàn chỉnh hơn trong kĩ năng”, thầy Nam kể về những ngày cùng sinh viên chống dịch.
Không bài học nào thiết thực bằng việc tự mình đến “thao trường” để trải nghiệm nghề nghiệp. Với những ngày miệt mài chống dịch, thầy Nam đã tạo cơ hội để chính anh và các bạn sinh viên được trải nghiệm nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng, đồng thời thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với cộng đồng. Những người thầy tận tụy như Võ Nhật Nam sẽ là nguồn cảm hứng để các sinh viên HIU tiếp tục theo đuổi đam mê ngành Y và nỗ lực hơn cho hành trình trở thành những bác sĩ Vật lý trị liệu tương lai.