Một trong những trở ngại lớn trong quá trình giảng dạy của giáo viên có lẽ là “vật lộn” với thái độ học tập của học sinh. Mặc cho những người thầy đã tinh gọn bài giảng, biến nội dung bài học trở nên thú vị hơn nhưng vẫn không hoàn toàn thu hút được sự tập trung của học sinh.
Những sang chấn tâm lý hay những trở ngại trong việc học là các nguyên nhân chính khiến học sinh không có hứng thú với việc học. Tuy nhiên, nhiều khi gốc rễ của vấn đề có lẽ đơn giản chỉ là chúng ta – những người thầy, chưa tạo động lực đầy đủ cho học sinh. Việc thúc đẩy động lực không thể xóa bỏ tất cả những vấn đề, nhưng nó sẽ là một giải pháp có thể ngăn ngừa nhiều vấn đề mà học sinh và giáo viên gặp phải trong lớp học.
Động lực nội tại và động lực ngoại sinh
Có hai loại động lực luôn song hành tồn tại khi chúng ta làm bất cứ việc gì: động lực nội tại và động lực ngoại sinh. Vì vậy, nếu chia học sinh trong lớp dựa trên tiêu chí động lực, chúng ta sẽ có: học sinh có động lực nội tại và học sinh nhận động lực ngoại sinh.
Học sinh có được động lực nội tại (động lực xuất phát từ bên trong) đơn giản chỉ vì họ khao khát thành công mãnh liệt. Những học sinh ấy có nguồn động lực để hoàn thành xuất sắc những mục tiêu mà mình mong muốn. Trong một số trường hợp, nguồn động lực nội tại đến từ việc giáo viên đưa ra những chủ đề mà học sinh đặc biệt quan tâm. Nếu học sinh yêu thích chủ đề đó, động lực bên trong sẽ thúc đẩy họ chăm chú học hỏi và lắng nghe.
Ngược lại, những nhóm học sinh nhận động lực ngoại sinh (động lực từ bên ngoài) cần những yếu tố bên ngoài như điểm số, những lời khen ngợi, các giải thưởng hay bằng khen để lên “dây cót” tinh thần.
Dù học sinh của bạn thuộc nhóm nào đi chăng nữa, những kỹ thuật sau đây có thể sử dụng để phát triển động lực cho cả hai kiểu học sinh (học sinh có động lực bên trong và học sinh nhận động lực bên ngoài):
Thiết kế những “đích đến” rõ ràng
Giáo viên không thể mong đợi một nguồn động lực mạnh mẽ nếu học sinh không biết mục tiêu cuối cùng mà họ cần đạt được là gì. Quan trọng là mỗi khi bắt đầu một bài học hay một chương của môn học, giáo viên cần phải đưa ra những mục tiêu cụ thể mà học sinh cần phải đạt được khi giờ học hoặc môn học kết thúc.
Với những mục tiêu cụ thể và rõ ràng, học sinh sẽ biết chính xác họ cần tập trung vào làm gì.
Kỹ thuật này cũng có thể sử dụng nếu bài học liên quan đến những vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn: kết thúc một tiết học về các đơn vị tiền tệ, giáo viên hi vọng rằng học sinh có thể cộng chính xác những số tiền lớn. Bằng cách tạo nên một cửa hàng trong lớp học và cung cấp những đồ vật nhỏ như gôm, bút chì,… học sinh có thể mua nó nếu cộng chính xác số tiền mà giáo viên đưa ra. Ngoài ra, học sinh còn được tạo cơ hội để thể hiện kiến thức và chính những “đích đến” thúc đẩy động lực cho việc học của họ.
Tập trung vào sự phát triển
Một cách khác để tiếp thêm động lực cho học sinh là xây dựng và duy trì tư duy về sự phát triển. Nếu giáo viên đưa ra những yêu cầu quá cao so với cấp độ hiện tại hay độ tuổi của học sinh, sẽ khiến học sinh cảm thấy áp lực và dường như không thể đạt được mục tiêu.
Hãy tuyên dương sự tiến bộ của học sinh, dù là nhỏ nhất!
Nếu bạn đặt ra các mục tiêu nhỏ hơn và tập trung vào việc liệu học sinh có đạt được mục tiêu đó hay không. Học sinh sẽ thấy nhiều cơ hội thành công ở mục tiêu này khá cao và duy trì động lực trong suốt quá trình học tập. Mỗi học sinh có một vạch đích riêng và chạm được đến vạch đích là một sự phát triển so với ngày hôm qua.
Phần thưởng và sự công nhận
Một số học sinh được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những phần thưởng hoặc sự công nhận. Một phương pháp thường được áp dụng là tạo ra hệ thống phần thưởng trong lớp học. Giáo viên có thể thiết kế phần thưởng dành cho cả lớp, nhưng học sinh thường có xu hướng duy trì động lực hơn nếu phần thưởng dựa trên sự tiến bộ hoặc thành tựu của cá nhân. Tùy loại phần thưởng sẽ ở những mức độ khác nhau dựa trên sở thích của học sinh.
“Sự khích lệ và công nhận những mặt tích cực của học sinh sẽ là nguồn động viên to lớn có sức mạnh diệu kỳ hơn là chỉ để ý vào những sai sót, lỗi lầm” – trích Sức mạnh của sự khích lệ (Ken Blanchard)
Hãy đặt trên bàn của mỗi học sinh một biểu đồ nhỏ để theo dõi những hành vi tích cực mà bạn muốn khen thưởng (thái độ tốt, thành tích cao, sự tiến bộ,…). Việc trao thưởng có thể dành cho tất cả học sinh, một nhóm nhỏ hay một đối tượng cụ thể mà bạn đang nhắm vào.
Mặc dù những phần thưởng có thể rất hấp dẫn và thực tế, nhưng sự công nhận và những lời khen ngợi có thể còn nhiều hơn thế, nhiều học sinh chỉ mong chờ những lời khen ngợi và sự công nhận từ giáo viên và phụ huynh. Việc ghi nhận thành tích sẽ giúp học sinh có động lực to lớn để họ tiếp tục tiến lên và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã vạch ra.
Tìm hiểu các sở thích của học sinh
Đây là phương pháp đào sâu vào “mỏ vàng” của động lực nội tại (động lực xuất phát từ bên trong). Khi môn học tập trung vào sở thích của học sinh, thì động lực đã có ở đó. Vì vậy, giáo viên có thể tìm hiểu một số sở thích của học sinh đó – người đang khó khăn trong việc tìm kiếm động lực học tập.
Chính sở thích của mỗi học sinh sẽ tạo nên nguồn năng lượng to lớn khiến họ muốn tiếp tục theo đuổi thành công không ngừng nghỉ.
Và chúng ta có thể kết hợp bài học với sở thích của học sinh bằng cách áp dụng Học thuyết đa trí tuệ (The Multiple Intelligences theory). Bằng cách này, việc học sẽ gây hứng thú cho các em chứ không khiên cưỡng hay áp lực.
Phát triển mối quan hệ tích cực và ý nghĩa với học sinh
Tất cả những ý tưởng được liệt kê ở trên đều có thể giúp giáo viên tạo động lực học tập lâu dài cho học sinh. Tuy nhiên, trước hết, giáo viên cần phải tạo dựng và phát triển mối quan hệ ý nghĩa với học sinh. Để thúc đẩy học sinh của mình, giáo viên cần phải biết điều gì thật sự thu hút học sinh. Làm thế nào giáo viên có thể biết sở thích của học sinh mà không thực sự tìm hiểu họ?
Cách nhìn và thái độ đối xử tích cực của giáo viên với học sinh sẽ có tác dụng thay đổi học sinh đó theo hướng tích cực và như giáo viên mong muốn.
Động lực trong mỗi học sinh cũng có thể được hình thành và lớn lên trong tình yêu thương của giáo viên. Khi học sinh biết giáo viên quan tâm và mong muốn mình thành công, họ cũng sẽ đáp lại. Từ đó, học sinh sẽ quý mến giáo viên và trường học, họ sẽ có động lực để cố gắng hết sức!
GIA KHÁNH