Chỉ còn hơn một tháng nữa, các sĩ tử của chúng ta sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2021. Ngoài việc bổ sung những kiến thức cần thiết, chuẩn bị tốt tâm thế và sức khỏe thì việc không kém phần quan trọng là các bạn hãy bỏ túi cho mình một số bí kíp chinh phục các dạng đề thi. Ở bài viết này, cô Dương Thị Thu Trang – Phó Hiệu trưởng iSchool Quảng Trị, người có 15 năm giảng dạy và ôn thi môn Ngữ văn sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm làm bài Nghị luận xã hội trong đề thi THPT Quốc gia, giúp thí sinh dễ dàng ghi điểm ở phần này.
Bài nghị luận xã hội là gì?
Nghị luận xã hội là một phần không thể thiếu trong các kỳ thi THPT, tốt nghiệp, đại học. Theo cấu trúc đề thi THPT Quốc gia năm 2021 (dựa theo đề thi thử của Bộ GD&ĐT), phần làm văn sẽ chiếm 7 điểm, trong đó, câu nghị luận xã hội chiếm 2 điểm (20% điểm số của bài thi), yêu cầu thí sinh viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ. Để chinh phục 2 điểm này, thí sinh cần nắm chắc kiến thức về nghị luận xã hội.
Cô Dương Thị Thu Trang trong một tiết học Ngữ Văn cùng các bạn học sinh iSchool Quảng Trị
Theo cô Thu Trang, nghị luận xã hội là một dạng đề nhằm đánh giá kỹ năng, vốn sống, hiểu biết của học sinh về các vấn đề diễn ra trong cuộc sống, qua đó học sinh có cơ hội nêu lên những suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá của mình, đồng thời tác động đến tư duy, tình cảm và nhận thức của học sinh.
Nhìn chung, dạng đề văn nghị luận xã hội thường tập trung vào một số vấn đề cơ bản mang giá trị đạo lý làm người hoặc những hiện tượng thường xảy ra trong xã hội, đặc biệt là những vấn đề “nóng”, theo dòng chảy của xã hội hiện nay, qua đó rút ra kinh nghiệm sống cho mọi người. Đây cũng là cách để thí sinh bày tỏ sự quan tâm và thể hiện cách tiếp nhận với những thông tin mang tính thời sự.
Cô Dương Thị Thu Trang – Phó Hiệu trưởng iSchool Quảng Trị
Những lưu ý khi làm bài nghị luận xã hội
Câu nghị luận xã hội là câu khó đối với nhiều thí sinh, bởi các bạn không chỉ cần khả năng viết tốt mà cần sự lập luận chặt chẽ, có dẫn chứng, chứng cứ để chứng minh. Đồng thời, để bài yêu cầu các bạn có kiến thức nhiều về xã hội chứ không đơn thuần là kiến thức từ sách giáo khoa. Để không bị mất điểm, cô Trang đã liệt kê 7 điểm các bạn cần lưu ý.
- Đọc kỹ đề và phân biệt dạng đề nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống hay tư tưởng đạo lý để lựa chọn phương pháp và thao tác lập luận phù hợp.
- Xác định trọng tâm vấn đề, lựa chọn cách thức trình bày đoạn văn: Diễn dịch, song hành, quy nạp hay tổng phân hợp… Tuy nhiên, nên ưu tiên sự lựa chọn hình thức tổng phân hợp để tạo ấn tượng về một văn bản hoàn chỉnh, độc lập, đầy đặn.
- Chú ý lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu và mang tính điển hình, tính thời sự. Chú ý bám vào nội dung văn bản ngữ liệu để đoạn văn có tính kết nối và làm nổi bật trọng tâm vấn đề.
- Để tăng sức thuyết phục và cho thấy người viết có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về vấn đề nghị luận, thí sinh đừng quên sử dụng phương pháp phản đề – lật ngược vấn đề để thể hiện quan điểm cách nhìn nhận của mình. Với cách lập luận này sẽ tạo được ấn tượng tốt cho người đọc, người nghe.
- Cân đối thời gian hợp lý: Thời gian viết bài nghị luận xã hội 200 chữ nên dao động từ 20-25 phút, tránh viết lan man, dài dòng, để tập trung thời lượng cho những câu sau.
- Chú ý hình thức của một đoạn văn, tránh sơ ý ngắt xuống dòng. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo bố cục chặt chẽ đủ 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
- Để tạo điểm nhấn cho đoạn văn của mình, kết đoạn học sinh nên sử dụng các kiểu câu cầu khiến, mang tính kêu gọi, khích lệ hoặc lời khuyên người đọc ủng hộ quan điểm của người viết về vấn đề nghị luận được đặt ra ở đề văn.
Các thầy cô giáo triển khai ôn tập online cho các học sinh
Các bạn học sinh cần nắm rõ yêu cầu đề và những lưu ý khi thi môn Ngữ Văn để dễ ghi điểm.
Chung quy, nghị luận xã hội là thể văn hướng tới đề xuất quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá, thái độ của người viết đối với các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống. Vì thế, cô Trang khuyến khích học sinh hãy mạnh dạn trình bày quan điểm cá nhân: “Các em có thể sáng tạo trong cách viết, cách nghĩ, bộc lộ cá tính, tuy nhiên cần lưu ý dù thể hiện quan điểm cá nhân đi chăng nữa thì vẫn phải đảm bảo thái độ chân thành, phù hợp với chuẩn mực, lập trường và chân lý xã hội. Bởi lẽ, mục đích cuối cùng là hướng đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, vì thế cô hy vọng các em thông qua những bài viết của mình các em có thể lan tỏa được những thông điệp ý nghĩa, tích cực đến cộng đồng xã hội”.
Hi vọng với những chia sẻ bổ ích từ cô Thu Trang, các thí sinh sẽ bỏ túi thêm những bí kíp để chinh phục môn Văn. Chúc các bạn đạt kết quả thật cao nhé!