Tin tức
09/11/2020

Dạy trẻ dưới 10 tuổi những kỹ năng cần thiết

Từ 4-9 tuổi, trẻ chưa đủ lớn để tự chăm sóc bản thân hay ở nhà một mình. Song, bé vẫn cần được rèn luyện một số kỹ năng cơ bản để sớm tự lập về sau.

Mỗi độ tuổi, trẻ cần được hướng dẫn và giáo dục theo nhiều phương pháp và nhiều kỹ năng khác nhau. Và tiểu học là độ tuổi được xem cần chú trọng bởi đây là lúc các con tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài, với nhiều người và nhiều bài học mới.

Biết cách nghe điện thoại

Hiện nay, khá nhiều phụ huynh cho bé tiếp xúc với điện thoại hay các thiết bị điện tử thông minh khá sớm. Bé có thể biết cách chơi game, nghe nhạc, xem video và biết được công dụng cơ bản của một chiếc điện thoại. Rất nhiều trẻ nghe tiếng chuông sẽ bất chợt đưa điện thoại cho bố mẹ. Đây cũng là lúc, phụ huynh hướng dẫn cho bé cách trả lời điện thoại, đặc biệt khi bố mẹ đang bận.

Ở tuổi 5-6, trẻ có khả năng trả lời và đối đáp với người gọi điện mà không cảm thấy sợ hãi. Thông thường bé sẽ nhấc máy lên và đợi đầu dây hỏi “bố/mẹ con đâu?” hoặc “cho cô gặp bố/mẹ con?”, khi đó bé sẽ hình thành phản xạ và trả lời “bố mẹ con đang bận”. Do đó, bạn nên tập cho trẻ nghe điện thoại, chủ động giải thích trước “bố mẹ cháu đang bận” thật lịch sự.

Khi trẻ lớn hơn, bạn nên hướng dẫn trẻ cách gọi điện cho một số người đáng tin cậy nếu gặp sự cố. Bạn có thể chỉ ra các số điện thoại ưu tiên cho bé như bố mẹ, anh chị là người cần gọi đầu tiên, sau đó đến ông bà, thầy cô giáo.

“Thuộc lòng” thông tin của bố mẹ

Đương nhiên để gọi được điện thoại cho bố mẹ, bạn cần dạy bé cách học thuộc và ghi nhớ những dãy số này. Bên cạnh đó, những thông tin về địa chỉ, họ tên bố mẹ, địa chỉ trường học cũng là những thông tin quan trọng bé cần ghi nhớ, phòng khi bé bị lạc đường hay gặp sự cố khi không có bố mẹ ở cạnh.

Phụ huynh có thể dạy bé học thuộc bằng nhiều cách như đố vui, lặp lại nhiều lần trước mặt con và nhắc nhở để con ý thức được đó là những thông tin quan trọng. Một dữ kiện lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến bé ghi nhớ tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể để thông tin của mình trong balo hay túi áo khoác của trẻ.

Làm việc nhà cơ bản

Trẻ con luôn muốn được trao quyền và trở thành một phần quan trọng của gia đình. Do đó, để trẻ làm những việc vừa sức vừa là cách để bé vận động, và hình thành các kỹ năng.

Day tre duoi 10 tuoi nhung ky nang can thiet

Làm việc nhà là cách để bé vừa vận động vừa phụ giúp cho bố mẹ

Từ 2-3 tuổi, trẻ đã có thể xếp gọn đồ vào thùng sau khi chơi. Nếu tập làm việc nhà từ sớm, trẻ sẽ bắt đầu coi đây là thói quen và việc cần làm. Đến 7-8 tuổi, trẻ có thể đảm đương nhiều công việc như lau gương nhà tắm, gấp chăn gối, mang bát, đũa ra bồn rửa, thu gom rác… Đây cũng là cách để hình thành thói quen khi ở môi trường chung như nhà trẻ, trường học, nơi công cộng.

Ngủ riêng

Vấn đề ngủ riêng tùy thuộc vào tâm lý và sự phát triển của trẻ.  Có những bé luôn chủ động và “muốn làm người lớn” nên khá thích thú với việc ngủ một mình. Song cũng có những đứa trẻ quen được bao bọc, khi ngủ luôn cần có mẹ bên cạnh.

Thông thường, việc ngủ riêng bắt đầu khi trẻ lên 6 tuổi, nhiều trẻ sớm hơn, chỉ khoảng 4-5 tuổi nhưng hầu hết không vượt qua tuổi thứ 8. Dấu hiệu cho thấy trẻ sẵn sàng ngủ riêng là không sợ bóng tối, ngủ ngoan và thoải mái chia sẻ với bố mẹ những gì mình cần.

Kỹ năng đi xe đạp

Thực tế cho thấy, đa số trẻ em đều rất hào hứng với việc tự mình đi xe đạp. Đi xe đạp đòi hỏi trẻ rất nhiều kỹ năng: Giữ thăng bằng, tự tin và kiên trì. Khi có ba yếu tố này và nằm trong độ tuổi 4-9, trẻ đã sẵn sàng để đi xe đạp hai bánh. Kích thước của xe sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, thể chất và dáng người của trẻ, nhưng việc đi hai bánh hoàn toàn có thể. Đạp xe cũng là hình thức vận động rất tốt giúp trẻ rèn luyện sức khỏe.

Day tre duoi 10 tuoi nhung ky nang can thiet

Cho trẻ tập đi xe đạp là một cách để bé rèn luyện sức khỏe

Để bắt đầu, bạn nên tháo bàn đạp, hạ yên xe đến mức thấp nhất để chân trẻ có thể chạm đất. Sau đó, bạn yêu cầu trẻ dùng sức chân đẩy xe tiến về phía trước để tập giữ thăng bằng. Khi đã thành thạo, bạn lắp bàn đạp trở lại, giữ đằng sau để trẻ tập đạp đến khi có thể buông tay.

Chơi một loại nhạc cụ

Hiện nay, các trường học đều đưa chương trình giáo dục âm nhạc hiện đại vào chương trình tiểu học. Theo đó, mỗi em sẽ được theo học một môn nhạc cụ yêu thích như trống, đàn, cajon,…

Day tre duoi 10 tuoi nhung ky nang can thiet

Chơi nhạc cụ vừa giúp bé thư giãn vừa phát triển khác năng khiếu bản thân

Chơi nhạc cụ sẽ giúp trẻ thư giãn, rèn khả năng tập trung và phát triển các chỉ số cảm xúc. Việc này cũng hỗ trợ trẻ học chữ nhanh hơn vì ngôn ngữ và âm nhạc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Khi trẻ 6 tuổi, bạn có thể cho trẻ học piano hoặc violin bởi khi còn nhỏ, tay dễ uốn nắn và phản xạ theo những phím đàn. Ngoài ra, những loại nhạc cụ này không khiến tay trẻ bị đau như guitar. Đến khoảng 10 tuổi, trẻ có thể chơi những loại nhạc cụ phức tạp hơn như cello, kèn trumpet.

Dạy bé những kỹ năng cơ bản trước lúc bé bước sang tuổi trung học sẽ giúp bé tự lập và làm chủ sinh hoạt của mình hơn. Ngoài những việc kể trên, trẻ cũng cần học làm những việc khác như trông em, chăm sóc vật nuôi, tự vệ sinh cá nhân, tự ăn cơm…

Ý NHUNG

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Nhìn lại HSU 2024: Hành trình mang giáo dục thế giới về Việt Nam, lan tỏa tri thức Việt ra toàn cầu

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành trường đại học quốc tế dành cho người Việt của HSU. Tập thể Sư phạm Trường Đại học Hoa Sen chú trọng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và liên tục đạt kiểm định quốc tế, hợp tác […]

Những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 24/12/2024. Theo đó, ngoài việc giảm 01 buổi thi, giảm 02 môn thi, tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% thì trong Quy chế năm […]

Bộ nhận diện Metro TP.HCM: Từ đồ án tốt nghiệp của sinh viên HSU đến biểu tượng phương tiện giao thông đô thị mới

Những ngày gần đây, người dân TP.HCM háo hức trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) nhưng ít ai biết, logo và bộ nhận diện Metro TP.HCM không phải được thực hiện bởi các chuyên gia mà chính sinh viên ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Hoa Sen. Ngày 22/12/2024, […]