Với tâm huyết và niềm say mê nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, PGS.TS Trần Thị Thu Lương – Trưởng Bộ môn Việt Nam học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) đã có hơn 40 năm làm “người đưa đò”, truyền đạt kiến thức cho bao thế hệ sinh viên.
PGS.TS.GVCC. Trần Thị Thu Lương từng là giảng viên Khoa Lịch sử – Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (1978). Năm 1989, cô được cử sang làm thực tập sinh tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow của Liên Xô lúc bấy giờ. Sau 3 năm, cô trở về Việt Nam và làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á, thuộc Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Tại đây, cô đã tâm huyết với việc phát triển các ngành Khu vực học, đất nước học trong đó có ngành Việt Nam học. Năm 1995, cô lại lên đường sang Pháp thực tập tại Viện Viễn Đông bác cổ Trường Đại học Khoa học Xã hội Paris – Cộng hòa Pháp để chuẩn bị phát triển mạnh các ngành Khu vực học cho Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (KHXH&NV).
Chân dung PGS.TS. GVCC Trần Thị Thu Lương – Trưởng Bộ môn Việt Nam học, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Từ 1997, PGS.TS Trần Thị Thu Lương đã cùng với các đồng nghiệp dày công xây dựng và phát triển Khoa Đông phương học – Trường Đại học KHXH&NV trở thành một khoa đào tạo Khu vực học mạnh nhất khu vực phía Nam, trong đó có ngành Đông Nam Á do cô làm Tổ trưởng Bộ môn.
PGS.TS Trần Thị Thu Lương cũng từng là Phó trưởng Khoa Khoa Đông phương học – Trường Đại học KHXH&NV (1998), Phó trưởng Ban Ban Khoa học công nghệ ĐHQG TP.HCM (2003), và là Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học – ĐHQG TP.HCM từ năm 2008 đến năm 2017.
Cô là tác giả của nhiều sách chuyên khảo và hơn 60 bài báo trên các Tạp chí nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế
Tác giả của nhiều đầu sách chuyên khảo, bài báo khoa học
PGS.TS Trần Thị Thu Lương là một trong những chuyên gia nghiên cứu sâu về sở hữu ruộng đất, nông thôn, làng xã Việt Nam. Từ thập niên 90 của Thế kỷ XX, cô đã hợp tác cùng các giáo sư Nhật Bản nghiên cứu về làng xã cổ truyền của Việt Nam, đã viết sách chuyên khảo về sở hữu ruộng đất Nam bộ qua Địa bạ Nhà Nguyễn và Địa bạ thời Pháp thuộc.
“Trong 10 năm làm Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc học tôi đã có cơ hội hợp tác với các giáo sư Hàn Quốc nghiên cứu so sánh văn hóa Việt Nam và văn hóa Hàn Quốc. Trong thời gian này, tôi đã viết 05 cuốn sách chuyên khảo về văn hóa Hàn – Việt, trong đó có 02 cuốn được xuất bản tại Hàn Quốc.” – PGS.TS Trần Thị Thu Lương chia sẻ.
Lá cờ Việt Nam luôn được cô đặt tại bàn làm việc
Với nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của đất nước, PGS.TS Trần Thị Thu Lương được trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam của Bộ GD&ĐT năm 2005; Nhận Học hàm Phó Giáo sư ngành Lịch sử Việt Nam năm 2005; Nhận Quyết định công nhận Giảng viên Cao cấp hạng 1 năm 2013; Nhận Bằng Khen của Bộ GD&ĐT năm 2006 và năm 2014…
Nỗ lực phát triển ngành Việt Nam học của HIU
Năm 2019, PGS.TS Trần Thị Thu Lương về công tác tại Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU) với vị trí Trưởng Bộ môn Việt Nam học – khoa Khoa học Xã hội và Ngôn ngữ quốc tế.
Để nâng cao chất lượng đào tạo Việt Nam học, cô đã xây dựng đổi mới chương trình đào tạo ngành Việt Nam học của Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng. Ngành đi sâu vào đào tạo kiến thức Việt Nam học về nhiều lĩnh vực như: Đô thị Việt Nam; Nông thôn Việt Nam, Biển đảo Việt Nam; Các vùng văn hóa Việt Nam… theo hướng tích hợp các kiến thức liên ngành Lịch sử, Địa lý, Kinh tế, Văn hóa Việt Nam.
PGS. TS Trần Thị Thu Lương phát biểu trong một buổi hội thảo khoa học quốc tế
“Nhờ lợi thế liên thông giữa các ngành của Khoa Ngôn ngữ quốc tế, Chương trình đào tạo Việt Nam học mới này còn cho phép sinh viên có thể lựa chọn một trong 4 ngoại ngữ (Hàn, Trung, Nhật, Anh) để học như một ngoại ngữ công cụ nhằm chuẩn bị tốt cho việc hội nhập trong môi trường làm việc quốc tế sau khi ra trường.” – PGS. TS Trần Thị Thu Lương cho biết.
Với cô, việc phát triển ngành Việt Nam học của Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng trở thành một ngành có đào tạo đầy đủ các cấp học từ đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ với chất lượng cao, là tâm huyết cũng như động lực để cô tiếp tục gắn bó với nghề giáo khi đã gần hết nửa thế kỷ làm người đưa đò.
Từ năm 2013, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã có thêm bậc đào tạo thạc sĩ Việt Nam học và đến nay ngành học này đã có 7 khóa đào tạo thạc sĩ với gần 70 học viên.
Từ tháng 11/2020, ngành Việt Nam học của Trường Đại học quốc tế Hồng được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo bậc tiến sĩ. Với Quyết định này Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tự hào là đơn vị thứ hai sau Viện Việt Nam học và khoa học phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng là Đại học đầu tiên ở Việt Nam được phép đào tạo Việt Nam học ở cấp học Tiến sĩ. |
K.N