PGS-TS Nguyễn Kim Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – vừa được Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Ghế bộ trưởng nào cũng “nóng”, bởi vì việc nước ở đâu cũng chồng chất, trách nhiệm ở đâu cũng nặng nề.
Nhưng chuyện học ở một đất nước “hiếu học” luôn được người dân quan tâm, quan tâm từng ngày. Cho nên bất cứ vị bộ trưởng nào của ngành giáo dục, cũng chịu rất nhiều áp lực.
Có điều, phải tin rằng, một xã hội luôn đòi hỏi thật cao vào chất lượng giáo dục, thì đó chính là một xã hội tiến bộ, có một mặt bằng dân trí cao.
Nhiệm kỳ trước, ngành giáo dục đã có những cải cách rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, cuộc sống luôn đi tới, luôn đòi hỏi những cái mới, những giá trị mới. Chính vì thế, hãy nhìn những ý kiến phản biện, những tiếng nói đóng góp từ dư luận về ngành giáo dục là những “đơn đặt hàng” của thời đại.
Bước tiếp theo của nhiệm kỳ mới rồi sẽ đối diện với những khó khăn, phải trả lời những câu hỏi từ cộng đồng, những yêu cầu của cuộc sống. Việc của ngành giáo dục quá nhiều, có những tồn tại không dễ dàng giải quyết, hy vọng tân bộ trưởng tìm ra được các giải pháp xử lý hiệu quả.
Nếu kể ra việc thì quá nhiều, từ chuyện đời sống giáo viên, cơ sở vật chất đến thi cử, giáo dục trung học, chất lượng đại học, bạo lực học đường, sách giáo khoa… việc nào cũng đau đầu nhiều đời bộ trưởng. Vậy thì phải bắt đầu từ đâu?
Trả lời VnExpress, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra “chìa khóa”, đó là tinh thần nhân bản, có thể cho rằng đây là triết lý giáo dục: “Tôi có nghĩ tới một phương diện tối quan trọng của triết lý giáo dục, đó là hai chữ “nhân bản”. Yếu tố “nhân bản” phải thể hiện, chi phối trong mọi tinh thần, chỉ đạo, chính sách, hành động, cử chỉ, phương pháp, tài liệu”.
Triết lý “nhân bản” làm nền tảng cho giáo dục, cho nên chúng ta có quyền hy vọng về những sự chuyển biến, những cải cách hiệu quả.
- Nhân bản thì phải làm sao cho người thầy có được cuộc sống đàng hoàng để làm thầy tử tế.
- Nhân bản thì học trò có điều kiện tốt để học tập, từ cái phòng học cho đến phòng vệ sinh.
- Nhân bản thì không thể có bạo lực học đường tràn lan, không có chỗ cho cô giáo bị bắt quỳ.
- Nhân bản thì không thể có gian lận thi cử, mà hướng đến chân tài thực học.
- Nhân bản là tôn trọng từng con người, đề cao cá nhân, khuyến khích sáng tạo và suy nghĩ độc lập, không đồng phục tư duy.
Nhưng thành công của nền giáo dục quốc gia không chỉ dựa vào Bộ Giáo dục Đào tạo và cá nhân ông bộ trưởng. Xã hội cùng chung tay góp sức, mỗi người cùng tham gia xây dựng bằng thái độ tích cực, cái nhìn bao dung và cái tâm thiện ý.
LÊ THANH PHONG
Nguồn: Báo Lao động