Tin tức
20/10/2021

Trò chuyện cùng các “nữ tướng” NHG nhân ngày 20/10

Nữ lãnh đạo trong môi trường giáo dục năng động và liên tục đổi mới cần hội tụ những tố chất nào? Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, hãy lắng nghe các “nữ tướng” của Hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) “bật mí” về bí quyết thành công của mình trong vai trò quản lý.

Tận hưởng niềm vui của nghề dạy học

Để thành công trong nghề giáo, điều mà mọi giáo viên cũng như người làm lãnh đạo đều là những người yêu công việc, tận hưởng được trọn vẹn niềm vui đứng trên bục giảng mỗi ngày. Nhắc về hành trình làm nghề của mình, cô Phan Thị Hương Giang – Hiệu trưởng iSchool Nam Sài Gòn chia sẻ: “Hơn 12 năm đứng lớp và 9 năm với vai trò quản lý giáo dục, điều khiến tôi hạnh phúc nhất là được cống hiến và theo đuổi nghiệp “Giáo”. Mỗi chuyến đò qua sông để lại cho tôi những dấu ấn khó phai, tôi thấy hạnh phúc đã góp phần nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ “trồng người” – ươm mầm cho tương lai”.

Trò chuyện cùng các “nữ tướng” NHG nhân ngày 20/10: “Phụ nữ hiện đại, chẳng ngại thử thách"
Cô Phan Thị Hương Giang – Hiệu trưởng iSchool Nam Sài Gòn

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, TS. Phạm Thị Bích Ngọc – Quyền Trưởng khoa Logistics và Thương mại quốc tế, Trường Đại học Hoa Sen đã sớm yêu và gắn bó với nghề dạy học. Cô may mắn khi được tự do tìm hiểu tri thức, theo đuổi thành công lĩnh vực giáo dục mà mình yêu thích ở cả phạm vi trong và ngoài nước.

Điểm thuận lợi khi phụ nữ làm giáo dục là với tinh thần tự do, tự sắp xếp tổ chức công việc trong quỹ thời gian của mình, họ sẽ có khả năng đạt sự cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn nghề khác. Thông thường, họ có kỹ năng để đào tạo con cái trong gia đình tốt hơn nên độ bền vững hạnh phúc trong xã hội và gia đình cũng tốt hơn mặt bằng chung“, TS. Bích Ngọc chia sẻ.

Trò chuyện cùng các “nữ tướng” NHG nhân ngày 20/10: “Phụ nữ hiện đại, chẳng ngại thử thách"
TS. Phạm Thị Bích Ngọc – Quyền Trưởng khoa Logistics
và Thương mại quốc tế, Trường Đại học Hoa Sen

Biến thách thức thành cơ hội

Một thống kê gần đây cho thấy, 76% nhân sự ngành giáo dục là phụ nữ song tỷ lệ nhà lãnh đạo trong ngành còn tương đối thấp. Trên thực tế, không chỉ ở lĩnh vực giáo dục mà tỉ lệ lãnh đạo nữ ở nhiều ngành nghề khác cũng còn thấp. Theo Tổ chức Lao động thế giới ILO, chỉ 5 trong 83 nước có báo cáo đạt được cân bằng giới tính đối với vị trí lãnh đạo. Để cân bằng giữa sự thăng tiến trong công việc và trách nhiệm gia đình đòi hỏi người phụ nữ hiện đại rất nhiều nỗ lực.

Theo TS. Trần Cẩm Thi – Trưởng khoa Du lịch – Sức khỏe, Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu: “Quan niệm về vai trò của người phụ nữ truyền thống vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều hiện nay. Thách thức lớn nhất đối với một người phụ nữ hiện đại đó chính là việc cân bằng được đời sống gia đình, phát triển sự nghiệp và cống hiến cho xã hội.”

Trò chuyện cùng các “nữ tướng” NHG nhân ngày 20/10: “Phụ nữ hiện đại, chẳng ngại thử thách"
TS. Trần Cẩm Thi – Trưởng khoa Du lịch – Sức khỏe,
Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu

ThS. Phạm Quỳnh Lam – Hiệu trưởng UKA Gia Lai cũng đồng tình với quan điểm này. “Bản thân tôi đã gặp khá nhiều trở ngại trong sự nghiệp giáo dục của mình chỉ vì bản thân là phụ nữ. Vai trò của người phụ nữ Á đông vẫn là thiên về “tề gia”, từ việc sinh con đến việc chăm sóc gia đình, giáo dục con cái… đã chiếm một khoảng thời gian lớn của phụ nữ, đặc biệt trong giai đoạn cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp (25 – 40 tuổi)”.

Việc chăm sóc gia đình có thể trở thành “rào cản” vì chiếm nhiều thời gian để những người phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp. Song riêng đối với giáo dục, chính thách thức đó lại là cơ hội để người phụ nữ biến vai trò làm mẹ trở thành làm cô cho bao thế hệ học trò.

Trò chuyện cùng các “nữ tướng” NHG nhân ngày 20/10: “Phụ nữ hiện đại, chẳng ngại thử thách"
ThS. Phạm Quỳnh Lam – Hiệu trưởng UKA Gia Lai

Chúng ta nhận thấy rõ đặc trưng của ngành giáo dục phù hợp với lao động nữ. Bằng những tố chất thiên bẩm, sự dịu dàng, tận tâm, thấu hiểu, những nữ nhà giáo của chúng ta luôn đi đầu trong các hoạt động học tập và nghiên cứu. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tấm gương nhà giáo nữ tiêu biểu được vinh danh trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Đó chính là cơ hội để những nữ nhà giáo vươn lên thành những nữ lãnh đạo”, cô Dương Thị Thu Trang – Phó Hiệu trưởng iSchool Quảng Trị khẳng định.

Trò chuyện cùng các “nữ tướng” NHG nhân ngày 20/10: “Phụ nữ hiện đại, chẳng ngại thử thách"
Cô Dương Thị Thu Trang – Phó Hiệu trưởng iSchool Quảng Trị

Không ngừng đổi mới bản thân

Để trở thành những nhà giáo hiện đại hay cao hơn là nhà lãnh đạo, ngoài kiến thức chuyên môn, kỷ nguyên mới yêu cầu những người làm giáo dục cần trang bị những kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi của môi trường hội nhập.

Ngoài chuyên môn, nhà giáo dục trang bị kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ… Ngoài ra, việc chuẩn bị cho mình một tâm thế mở, tiếp nhận quan điểm đa chiều, chấp nhận quan điểm khác nhau của sinh viên, của đồng nghiệp, của cấp trên sẽ giúp nhà giáo dục phát huy hết nội lực của bản thân và đạt đến hạnh phúc trong nghề nghiệp“, TS. Phạm Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng UKA Đà Nẵng dành 3 lời khuyên cho phái nữ làm trong ngành giáo dục: “Hãy giữ mãi tình yêu và đam mê đối với nghề. Nghề nào cũng cao quý nhưng nghề dạy học có nhiều ý nghĩa và luôn cần có đam mê. Hai là luôn luôn học tập để nâng cao kiến thức, đọc sách nhiều để tiếp cận nguồn tri thức phong phú của thế giới, mở mang tầm nhìn. Ba là hãy sắp xếp công việc thật khoa học, cân đối giữa “việc” nhà và “việc nước”. Đừng bao giờ tự ti, hãy giữ mãi niềm tự hào của một nhà giáo”.

Trò chuyện cùng các “nữ tướng” NHG nhân ngày 20/10: “Phụ nữ hiện đại, chẳng ngại thử thách"
Cô Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng UKA Đà Nẵng

Dù thế giới có thay đổi thế nào, người phụ nữ vẫn luôn chiếm một vị thế vững chắc trong xã hội. Với những nỗ lực đổi mới, sự sáng tạo cùng sự nhẫn nại, kiên trì, họ sẽ sớm thành công và trở thành những nữ lãnh đạo tài ba như nam giới.

Nhân dịp 20/10, thương chúc cho tất cả những người phụ nữ, đặc biệt những người mẹ, người cô, người chị làm trong ngành giáo dục sẽ luôn xinh đẹp, vững vàng trên hành trình lan tỏa tri thức của mình.

Ý NHUNG

Tin khác

Xem thêm tin tức liên quan

Nhìn lại HSU 2024: Hành trình mang giáo dục thế giới về Việt Nam, lan tỏa tri thức Việt ra toàn cầu

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành trường đại học quốc tế dành cho người Việt của HSU. Tập thể Sư phạm Trường Đại học Hoa Sen chú trọng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và liên tục đạt kiểm định quốc tế, hợp tác […]

Những điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 24/12/2024. Theo đó, ngoài việc giảm 01 buổi thi, giảm 02 môn thi, tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% thì trong Quy chế năm […]

Bộ nhận diện Metro TP.HCM: Từ đồ án tốt nghiệp của sinh viên HSU đến biểu tượng phương tiện giao thông đô thị mới

Những ngày gần đây, người dân TP.HCM háo hức trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) nhưng ít ai biết, logo và bộ nhận diện Metro TP.HCM không phải được thực hiện bởi các chuyên gia mà chính sinh viên ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Hoa Sen. Ngày 22/12/2024, […]